Sức hút của cái tên Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Grab Việt Nam đối với cộng đồng startup tại Việt Nam là không thể chối cãi. Cũng vì anh khá bí ẩn, rất ít khi nhận lời phát ngôn hay chia sẻ. Bởi vậy, khi anh xuất hiện để nói chuyện về vai trò của mentor – người cố vấn đồng hành trong khởi nghiệp, hàng trăm người đã háo hức chờ.

Chương trình diễn ra buổi tối, dễ chịu và dễ kết nối. Ảnh: BTC
Chương trình diễn ra buổi tối, dễ chịu và dễ kết nối. Ảnh: BTC

Tôi đến Sihub từ 17h30, thấy xung quanh chưa có mấy người, nhân vật chính chưa đến nên tranh thủ tán gẫu với bạn. Đến khi ngẩng lên lúc cỡ 18h thì khán phòng đã đầy khách. Số lượng đăng ký đông quá, tất cả đều phải đứng chen vai trong không gian nhỏ.

Mỗi người trong khán phòng hôm ấy hẳn đều có chủ đích riêng của mình. Với chủ đề Mentoring, nhiều người sẽ muốn biết ai là mentor của vị chủ tịch trẻ tuổi khác người này, ai đã giúp anh có ngày hôm nay; nhiều người khác sẽ muốn biết làm cách nào để trở thành mentee của Nguyễn Tuấn Anh; chắc cũng có mấy người muốn biết bí mật của Grab… Nhưng có vẻ như không ai đạt được mục đích.

Tuấn Anh gần như không kể ra một mentor nào, ngoại trừ bày tỏ sự trân trọng đến người sáng lập Grab - Anthony Tan. Theo cách mà tôi hiểu thì mentor của Tuấn Anh là chính anh, là những công việc anh đã dấn thân, là những công ty anh đã xây dựng, là những ngày dài đi qua ảo tưởng, thất vọng, thất bại, cô độc,… Và cái lớn nhất những “mentor” này dạy anh không phải là kiến thức, kỹ năng, bí quyết… mà chính là tầm quan trọng và cách gìn giữ sức khoẻ tâm thần (mental health).

Nói như Tuấn Anh thì nền tảng cho mọi thành công là sự cân bằng và sự phát triển bền vững của bản thân. Sức khoẻ tinh thần của người lãnh đạo là sức sống của tổ chức.
Nói như Tuấn Anh thì nền tảng cho mọi thành công là sự cân bằng và sự phát triển bền vững của bản thân. Sức khoẻ tinh thần của người lãnh đạo là sức sống của tổ chức.

Có bao nhiêu người trong chúng ta đã quên mất điều này, mấy ai tự nhận ra được những biểu hiện của mất cân bằng? Nói như Tuấn Anh thì nền tảng cho mọi thành công của anh đều nằm ở đó. Cái anh quan tâm trước hết là sự cân bằng và sự phát triển bền vững của bản thân. Là người lãnh đạo, sức khoẻ tinh thần của anh mới là sức sống của tổ chức. Tuấn Anh không màng tới bất kỳ sự tấn công nào, không bỏ vào tai lời gièm pha nào liên quan đến chiếc áo thun cổ sờn anh mặc, chiếc quần thun rộng ấm áp thoải mái, chiếc khăn len vớ đại đâu đó, hay chiếc mũ có cái tai mèo mòn dẹt trên đầu. Đó là anh, người làm chủ mọi quyết định của mình, theo cách của mình. Anh sẽ không vì ai hay một quy chuẩn nào mà thay đổi những điều khiến anh thấy vui, thấy cân bằng và hạnh phúc.

Vậy Nguyễn Tuấn Anh có nhận làm mentor cho ai không? Chắc là có. Anh sẵn sàng ngồi phản biện cho những ai đã biết mình muốn gì cần gì, cho những ai biết đặt câu hỏi, biết tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi mà anh sắp xếp, và dĩ nhiên, với một kẻ lập dị như Nguyễn Tuấn Anh, người muốn làm mentee của anh, cũng phải rèn luyện sức khoẻ tâm thần cái đã. Kết thúc chương trình, sau khi anh Bung Trần đã “truy đuổi” Tuấn Anh đến cùng bằng “40 câu mentee nên hỏi mentor”, và sau khi hơn 70 con người trong khán phòng đã dừng “chất vấn”, chúng tôi lại quây quần để kết nối, để tạo ra sức mạnh cộng hưởng của cộng đồng.