Trong Hội nghị “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển dược liệu vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ” được tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua, Sâm Ngọc Linh là cái tên được nhắc đến nhiều nhất.
Kể từ khi Thủ tướng tuyên bố dược liệu này là “quốc bảo” của nước ta vào tháng 9 năm ngoái khi cắt băng khánh thành Trung tâm quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh tại Kon Tum, đến nay đã có hàng loạt đề tài, dự án của cả nhà nước lẫn tư nhân đầu tư vào loại dược liệu này.
Các đề tài do Bộ KH&CN hỗ trợ liên quan đến sâm Ngọc Linh và của Trung tâm quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh tại Kon Tu đến thời điểm hiện nay đều hướng đến việc phát triển sản phẩm này theo chuỗi giá trị, với ba giai đoạn: giai đoạn 2014-2016 kết hợp với Đại học Quốc gia Seoul tập trung giải mã gene của sâm Ngọc Linh; giai đoạn 2016-2019 xây dựng bộ chỉ thị phục vụ giám định, khai thác và phát triển sâm Ngọc Linh, thử nghiệm bào chế một số sản phẩm chất lượng cao và nhân giống in-vitro sâm Ngọc Linh; giai đoạn 2019 về sau là hoàn thiện quy trình nhân giống và sản xuất các sản phẩm từ dược liệu này. Tuy nhiên, đây mới chỉ là các nghiên cứu mang tính nền tảng, chủ yếu mới đạt được mục đích bảo tồn. Để đưa sâm Ngọc Linh thành thương phẩm có chất lượng trên thị trường thì cần các quy chuẩn, tiêu chuẩn từ giống đến quy trình kĩ thuật trồng trọt, sản phẩm phẩm chế biến. Ông Kum Dong Hwa, viện trưởng viện VKIST chia sẻ rằng điều quan trọng nhất làm nên thương hiệu của hồng sâm Hàn Quốc đó chính là chính phủ nước này đã đầu tư rất nhiều để chuẩn hóa quy trình và điều kiện chế biến loại dược liệu này, đảm bảo rằng có thể thực hành nó ở bất kì quy mô nào (từ hộ gia đình đến quy mô công nghiệp), đều có được chất lượng tốt nhất và ổn định.
Ngoài việc cần phải nghiên cứu đưa ra quy chuẩn, thì mở rộng diện tích trồng Ngọc Linh ở đâu cũng là một vấn đề. Không chỉ Quảng Nam và Kon Tum - nguồn gốc của sâm Ngọc Linh muốn mở rộng quy mô trồng loại dược liệu này (cụ thể là hai tỉnh đã quy hoạch khoảng 2000ha để bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh và đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên 26000 ha), mà các tỉnh khác cũng đang triển khai các nghiên cứu nhằm thuần hóa và di thực loài sâm này xuống đất của mình. Tuy nhiên, chưa ai nghĩ đến việc tận dụng vùng đệm có diện tích tới gần một triệu ha ở hệ thống vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên ở Tây Nguyên để quy hoạch và phát triển sâm Ngọc Linh. Theo ông Nguyễn Hữu Toàn Phan, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên tại hội nghị, sâm Ngọc Linh chỉ sinh trưởng, phát triển trong một vùng sinh thái rất hẹp, để di thực tới một hệ sinh thái khác cần có nhiều thời gian nghiên cứu với chi phí đầu tư lớn nên việc quy hoạch vùng đệm này là một ý kiến rất nên cân nhắc.
Chính phủ mong muốn phát triển sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm thương mại hóa ở quy mô lớn không chỉ trong nước mà còn hướng tới thị trường quốc tế, thể hiện ở quyết định 787/QĐ-TTg của Thủ tướng, phê duyệt sâm Việt Nam (tên gọi khác là sâm Ngọc Linh) trở thành sản phẩm quốc gia. Nhưng theo GS. Phan Phước Hiền, Viện trưởng Viện nghiên cứu và bảo tồn dược liệu Sài Gòn, Phân viện Tây Nguyên đó là điều còn khá xa vời, vì cho đến hiện nay, diện tích trồng sâm Ngọc Linh lẫn sản phẩm chế biến từ loại sâm này vẫn chưa rõ ràng và ít ỏi, không rõ khả năng nhân rộng. Ông đã nhiều lần hỏi mua các công ty trồng và phát triển sâm Ngọc Linh khoảng vài trăm kg nhưng thường là họ không thể đáp ứng đủ số lượng, có lúc không có hàng. Trong khi các loài sâm khác, có thể tỉ lệ hoạt chất không cao như sâm Ngọc Linh nhưng dễ phát triển hơn và đã chế biến được hàng chục sản phẩm, chẳng hạn như Đẳng sâm, chỉ cần nuôi trồng trong ba năm là có hàm lượng saponin không thua kém gì hồng sâm Hàn Quốc.