Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao (AHBI) là một trong những vườn ươm hiếm hoi làm cả hai công việc: ươm tạo công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp.
Trong chương trình “Hành trình khởi nghiệp” mà Đề án 844 dành cho các đại diện truyền thông mới đây, chúng tôi đã đến thăm Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao (AHBI) ở Củ Chi, cách trung tâm TPHCM hơn 40km về phía Tây Bắc.
Nằm trong khuôn viên Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, AHBI được thành lập cách đây hơn 10 năm, với mục đích tạo môi trường thuận lợi nhất để hình thành và phát triển các doanh nghiệp mạnh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp để có thể cạnh tranh trên thị trường.
Phó giám đốc Trung tâm Hoàng Anh Tuấn cho biết, ban đầu, chẳng mấy ai hiểu 'ươm tạo doanh nghiệp' là gì cả”, thậm chí có những người gọi điện hỏi xin tư vấn mảnh vườn hơn 1000 m2 của họ nên trồng loại cây gì cho kinh tế. “Rất may là giờ đây khởi nghiệp đã trở nên quen thuộc”, anh Tuấn vui vẻ nói.
Chào đón những ý tưởng xuất phát từ nhu cầu thị trường
AHBI là một trong những vườn ươm hiếm hoi làm cả hai công việc: ươm tạo công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp. Có 4 lĩnh vực được chú trọng, bao gồm Công nghệ tế bào thực vật nhằm nhân giống các loại cây lan, cây kiểng và cây dược liệu); Công nghệ Vi sinh để tạo ra các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp như trong thức ăn chăn nuôi, phân hữu cơ, xử lý nước thải…; Công nghệ nấm phục vụ trồng một số loại nấm dược liệu (linh chi, hồng chi, nấm đầu khỉ…) và nấm ăn (nấm bào ngư, nấm hoàng kim,…); và Công nghệ cây trồng trong điều kiện nhà màng, nhà lưới… Đây là một trong những nơi có mục tiêu chính hướng startup trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Nằm trong một trong những khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của Việt Nam chính là lợi thế của AHBI so với một số vườn ươm trường đại học hoặc vườn ươm tư nhân khác. Nơi đây có diện tích đất rộng cùng hệ thống nhà màng, nhà lưới phục vụ sản xuất trực tiếp; đồng thời có hệ thống phòng thí với trang thiết bị hiện đại phục vụ cho hoạt động nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp. Hàng năm, Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM cũng thực hiện khoảng 15-17 đề tài, dự án về nghiên cứu khoa học công nghệ, bởi vậy họ có sẵn một loạt các kết quả để chuyển giao cho các doanh nghiệp trong và ngoài vườn ươm.
Cũng như nhiều vườn ươm tạo doanh nghiệp khác, AHBI hỗ trợ đào tạo về
nghiệp vụ, kiến thức khởi nghiệp; các kỹ năng quản lý, kế toán, luật
pháp, sở hữu trí tuệ; tiếp cận nguồn vốn và kênh phân phối. Hiện AHBI
đang có 36 startup đang khởi nghiệp, trong đó 13 doanh nghiệp đã tốt
nghiệp (ở giai đoạn hậu ươm tạo). Vườn ươm chủ yếu tập trung cho các
doanh nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt.
“Startup có thể tham gia bằng hai cách. Nếu họ đã có sẵn một ý tưởng hoặc kết quả nghiên cứu tốt nhưng không có điều kiện để thực hiện, họ có thể đến Trung tâm sử dụng máy móc thiết bị để hoàn thiện công nghệ và phát triển những sản phẩm mới. Hoặc với những startup đã có thị trường nhưng chưa có công nghệ, chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu”, anh Tuấn cho biết.
Lấy dẫn chứng về điều này, anh cho biết như khu vực trồng nấm đang là một lĩnh vực mạnh ở đây thì một startup có thể “đút tay hai túi quần” bước chân vào trồng nấm được luôn bởi mọi thứ công nghệ và vật chất đều đầy đủ.
Nhưng nếu đơn giản thế ai cũng muốn vào thì sao? Chị Lê Thị Bé Ba, Trưởng phòng quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp của AHBI, cho biết đầu vào của họ sẽ được tuyển chọn kỹ lưỡng “để đảm bảo startup đó khả thi và tốt nhất”.
“Quan điểm của chúng tôi khi chọn startup vào là xem xét liệu mình giúp gì được cho doanh nghiệp, đặc biệt có khả năng lo được đầu ra hay không”, chị Ba cho biết. “Đầu vào của vườn ươm phải là các startup có ý tưởng thực sự xuất phát từ nhu cầu thị trường và đã khảo sát thị trường đầy đủ”.
Sản phẩm nông nghiệp ngày càng trở nên cạnh tranh và có khả năng trùng lặp cao, nên vườn ươm cũng cân nhắc khá nhiều ý tưởng trước khi quyết định. Các cán bộ ở đây nói rằng đôi khi họ gặp các bạn trẻ khởi nghiệp rất tốt nhưng vẫn phải từ chối và giới thiệu họ đến những vườn ươm phù hợp hơn.
Một trong những điều kiện khác để được tham gia ươm tạo là doanh nghiệp hoặc cá
nhân người sáng lập phải sở hữu hợp pháp các kết quả R&D, công nghệ,
quy trình. Do vậy các doanh nghiệp được khuyến khích và hỗ trợ đăng ký
tài sản trí tuệ từ giai đoạn đầu tuyển chọn đến hết quá trình ươm tạo.
Chị Ba cho biết đầu năm nay, AHBI đã hỗ trợ được một công ty đăng ký 2
bằng sáng chế về quy trình kêu gọi yến.
Thực sự hiểu nhau trước khi đồng hành
Trước đây, vườn ươm chỉ đánh giá, lựa chọn doanh nghiệp thông qua hồ sơ và gặp gỡ ban đầu. Nhưng khi làm việc xuất hiện rất nhiều rủi ro, lớn nhất là về nhân lực. Không phải tiền bạc mà chính con người mới là yếu tố khiến nhiều startup không theo kịp được các cam kết, đặc biệt khi nhà sáng lập không dành toàn thời gian cho công ty mà thuê mướn người khác làm.
“Chính vì thế chúng tôi đã phải chuyển hướng khác bằng việc tạo thêm giai đoạn tiềm ươm tạo, để cả hai bên có thời gian thực sự hiểu nhau trước khi lựa chọn đi cùng nhau”, anh Tuấn nhấn mạnh.
Hiện giờ, các doanh nghiệp ở vườn ươm pháp trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn tiền ươm tạo khoảng 3-6 tháng để kiểm nghiệm các ý tưởng. Nếu hai bên thiết lập được cùng định hướng và có cơ sở hạ tầng để phục vụ thì AHBI sẽ lập hội đồng để doanh nghiệp báo cáo kế hoạch kinh doanh để đánh giá tính khả thi để cho vào ươm tạo.
Quá trình ươm tạo chính thức sẽ kéo dài khoảng 2-3 năm, doanh nghiệp sẽ được sử dụng máy móc trang thiết bị (có trả phí duy tu bảo dưỡng theo lộ trình), được tham gia các chương trình đào tạo cả về kinh doanh và chuyên môn nghiệp vụ nông nghiệp, đồng thời được hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. Khi quy mô doanh nghiệp mở rộng, trung tâm cho biết họ sẵn sàng giới thiệu doanh nghiệp đến những khu vực rộng hơn có ưu đãi chính sách thích hợp.
Sau khi tốt nghiệp, doanh nghiệp chuyển sang giai đoạn hậu ươm tạo. Mặc dù không còn hiện diện vật lý trong trung tâm nhưng các học viên tốt nghiệp vẫn được trung tâm duy trì các mối liên hệ, kết nối với đối tác.
Nhờ mối quan hệ thân thiết của AHBI với các giảng viên ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM…, các doanh nghiệp ươm tạo tại đây được tư vấn quy trình công nghệ khi cần. Các doanh nghiệp ươm tạo cũng được AHBI hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm thông qua việc đưa sản phẩm vào kênh phân phối siêu thị như Coopmart, Lotte Mart, Big C hoặc tham gia các hội chợ quốc tế, hội chợ hàng năm ở TPHCM và nhiều tỉnh lân cận.
Mặc dù không có cơ chế hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các doanh nghiệp,
nhưng AHBI có các hoạt động kết nối giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tín
dụng như Quỹ Bảo lãnh tín dụng TPHCM, Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp…
hoặc tiếp cận các Quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Cùng với chính sách
của thành phố, vườn ươm cũng hỗ trợ các startup tham gia chương trình
SpeedUp của Sở KH&CN kết hợp với vườn ươm BSSC. Trong năm 2017, đã
có 3 dự án từ vườn ươm nhận được vốn hỗ trợ với tổng mức đầu tư gần 2 tỷ
đồng.
“Các bạn startup đâu có nhiều tiền để tự tham gia vào những sự kiện như vậy. Chúng tôi chỉ đơn giản là cố gắng giúp các bạn hết mức có thể thôi,” chị Ba nói.
Anh Phạm Thành Lộc, Giám đốc công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thanh Bình (Củ Chi), là một trường hợp biết đến vườn ươm thông qua hội chợ. Công ty anh hiện đang sản xuất sản phẩm khí canh trụ đứng. Anh Lộc cho hay, giai đoạn đầu khởi nghiệp, anh có rất nhiều vấn đề phải lo mà không biết chỗ nào đáng tin, cũng không biết thông tin ở đâu mà tìm. Tình cờ anh được giới thiệu đến một hội chợ và biết đến AHBI.
“Tôi vào vườn ươm từ năm 2017, lúc đó gồm một nhóm người nhưng cũng có nhiều thăng trầm rồi phải tan rã. Đến năm sau 2018, tôi quyết chí thành lập lại công ty, tiếp tục bước chân vào vườn ươm lần nữa,” anh Lộc kể. Ban đầu, anh lựa chọn bán rau sạch từ mô hình trồng của mình bởi thấy việc “nắm công nghệ nó quý lắm”, nhưng sau khi trao đổi, thảo luận cùng các cán bộ hỗ trợ của vườn ươm và các cố vấn, anh Lộc đã quyết định chuyển hướng sang việc phổ biến công nghệ để mọi người đều có thể trồng rau sạch. Hiện nay, khách hàng quan trọng của anh Lộc là các hộ gia đình, giai đoạn đầu doanh thu của công ty có thể đạt trên 60 triệu/tháng.
Tự chủ là chuyển đổi tất yếu
Tuy nhiên, như nhiều vườn ươm nhà nước khác hoạt động không vì lợi nhuận, AHBI cũng gặp khó khăn tương tự trong việc huy động nguồn tài trợ cho hoạt động vườn ươm. Chủ yếu nguồn tài trợ vẫn từ ngân sách nhà nước và dành cho mặt bằng, cơ sở nhà xưởng. Trong hội thảo năm 2017 về “Hiện trạng và một số giải pháp phát triển bền vững các cơ sở ươm tạo của Việt Nam”, TS. Nguyễn Hải An, giám đốc AHBI, cho rằng đây là điểm khác biệt của Việt Nam với một số quốc gia khác khi họ được nhận hỗ trợ toàn diện nhiều mặt hơn từ chính phủ để đảm bảo hiệu quả hoạt động.
Mô hình hoạt động của các cơ sở ươm tạo công lập như AHBI hiện nay chưa phát triển theo hướng kinh doanh, chủ yếu chỉ cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ hoàn toàn miễn phí cho doanh nghiệp. Việc huy động nguồn tài trợ cho hình thành và hoạt động gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Trong khi đó, nông nghiệp lại là ngành đòi hỏi máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và thời gian ươm tạo kéo dài (3 – 5 năm), tốc độ và tỷ lệ thu hồi vốn không cao so với các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông…Các vườn ươm công cũng thường bị hạn chế bởi cơ chế quản lý nặng nề về hành chính.
Từ năm 2018, vườn ươm AHBI bắt đầu chuyển đổi sang thực hiện Nghị định 54/2016 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Vì TPHCM chưa có nhiều đơn vị thực hiện theo nghị định trên nên các cán bộ ở đây cho biết họ không có quá nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này, lúc triển khai vẫn gặp phải một số vướng mắc nhất định và một số hợp đồng đã ký kết nhưng chưa thể triển khai. Mặc dù hiện mới tự chủ được một phần nhưng anh Tuấn nhấn mạnh “chúng tôi hiểu rõ việc chuyển đổi là điều tất yếu và sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong thời gian tới”.