Tuần lễ công nghệ đầu tiên của Malaysia với tên gọi Malaysia Tech Week 2019 đang diễn ra từ 17 – 20/6 tại thủ đô Kuala Lumpua với hàng loạt cuộc triển lãm, hội nghị, thi startup.
Nổi bật trong đó, là câu chuyện về một hình dáng của startup hội tụ các tố chất của toàn vùng Đông Nam Á, để có thể cạnh tranh với “big 4” – bốn ông lớn của khởi nghiệp thế giới: Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu.
Ghi nhận của báo Khoa học & Phát triển tại sự kiện này.
Đẩy mạnh khởi nghiệp tài chính
Nhằm quy tụ những công ty tốt nhất trong hệ sinh thái công nghệ của Malaysia, Knowledge Group, kết hợp với Malaysia Digital Economy Corporation – hai đơn vị được hỗ trợ bởi chính phủ nước này đã đăng cai tổ chức Tuần lễ Công nghệ Quốc gia đầu tiên của Malaysia - Malaysia Tech Week 2019 (MTW19). MTW19 quy tụ gần 5.000 chuyên gia, đối tác, nhà đầu tư, nhà quản lý và các startup công nghệ hàng đầu trong trong hệ sinh thái của Malaysia, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Là đại diện duy nhất của Việt Nam tại MTW19, chúng tôi hơi “ngợp” khi trước cửa hội trường Nexos là hàng loạt chiếc ô tô đời mới nhất với bảng thông báo: thử ứng dụng fintech mới nhất, trúng xe mới nhất. Tiếp theo đó, là những trải nghiệm tương tác trực tiếp với những công nghệ mới tại quốc gia nổi tiếng với dầu cọ này. Từ một đơn vị cung cấp hạ tầng viễn thông đang chuyển mình thành nhà phân phối các platform công nghệ dựa trên điện toán đám mây, đến các ứng dụng chính quyền điện tử, các giải pháp về nhận diện khuôn mặt và đặc biệt là quá nhiều các giải pháp về tài chính kỹ thuật số cũng như các sàn giao dịch thương mại điện tử.
“Malaysia, với vị trí lý tưởng và sự đa dạng văn hóa, từ lâu đã trở thành một điểm đến lý tưởng cho những nhà đầu tư về công nghệ trong khu vực Đông Nam Á” - Ông Surina Shukri, CEO của Malaysia Digital Economy Corporation (MDEC) phát biểu. “Chúng tôi là một quốc gia có hệ sinh thái công nghệ phát triển nhanh chóng với rất nhiều thành tựu có thể đóng góp cho thế giới. Cùng với đó, chúng tôi mong muốn chào đón các startup, các công ty công nghệ, những nhà đầu tư và nhiều tổ chức trên khắp thế giới đến để thấy được những gì Malaysia chúng tôi có thể đóng góp, ngay tại đây, tại MTW19.”
Cùng với MTW19, ngân hàng trung ương của Malaysia (BNM) sẽ tổ chức tuần lễ MyFintech (MyFW), một sự kiện quy tụ những người có sức ảnh hưởng đến ngành công nghiệp tài chính và công nghệ. MFW sẽ trao đổi, phân tích sâu nhằm định hướng cho các dịch vụ công nghệ tài chính trong tương lai. MyFW cũng sẽ được tổ chức cùng ngày với MTW, từ 17 đến 21 tháng 6 năm 2019 tại Sasana Kijang, Kuala Lumpur.
Khởi nghiệp ASEAN
Trong khuôn khổ MTW19, ban tổ chức giải thưởng khởi nghiệp Đông Nam Á Rice Bowl cũng chính thức khởi động cuộc thi năm 2020. Điểm đáng chú ý, là đương kim “nhà sáng lập của năm” mà giải thưởng này vinh danh, là một cô gái đến từ Việt Nam: Linh Phạm của startup Logivan. Sau khi đoạt giải, Logivan đã nhận được sự hỗ trợ lên đến hơn 1 USD Mỹ cho sự tăng trưởng vượt bậc của mình thời gian qua. Nhiều thông tin bên lề cho biết, công ty làm về dịch vụ logistics điện tử này đang hoàn tất vòng gọi vốn khủng mới chưa được công bố. Ngoài ra, một startup Việt Nam khác cũng được nhắc tới là Abivin – đơn vị từng về nhất hạng mục logistics của Rice Bowl 2016 vừa chính thức trở thành nhà vô địch Startup World cup tại Mỹ.
Năm nay, Rice Bowl công bố một sáng kiến mới: Rice Bowl republic (tạm dịch: các liên kết của Rice Bowl) với một mục tiêu rõ rệt: hình thành cộng đồng khởi nghiệp chung của cả vùng Đông Nam Á. Lập luận của tổ chức này khá thú vị: nếu chúng ta có thể liên kết khởi nghiêp toàn vùng thành một khối thống nhất, chúng ta sẽ có được một sức mạnh to lớn để đẩy nhanh tốc độ phát triển của thị trường 600 triệu dân này. Sẽ mất rất lâu thời gian để tạo ra 1 startup tốt phạm vi thế giới như Grab, nhưng nếu sử dụng nhà sáng lập từ mỗi nước, kết hợp với nguồn nhân tài công nghệ thông tin đông đúc và chất lượng cao từ Việt Nam, đội ngũ phát triển kinh doanh nói tiếng Anh giỏi ở Philippines, mở rộng quy mô thị trường ở Indonesia, lực bơm của các nhà đầu tư tài chính từ Singapore và các giải pháp công nghệ chuyên sâu phát triển của Malaysia, rõ ràng cơ hội vươn ra thế giới sẽ cao hơn nhiều.
Một điểm nhấn là sự xuất hiện mạnh mẽ của các nhà khởi nghiệp Thái Lan với câu chuyện về “sự tham gia đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp lớn” (corporate back innovation). Khác với các mô hình đầu tư khởi nghiệp thường từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, Thái Lan đang muốn thúc đẩy làn sóng tham gia sâu hơn vào nền kinh tế đổi mới sáng tạo của khu vực và của các tập đoàn lớn. Hiện nay, ở Thái Lan, 60% các thương vụ đầu tư khởi nghiệp là từ các tập đoàn, và người ta dự đoán rằng, xu hướng này sẽ tăng nhanh ở nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.
Tại lễ ra mắt chính thức của Rice Bowl Repulic, các thành viên đã cùng nhau cam kết dùng các liên kết của hệ sinh thái khởi nghiệp của mình để gỡ bỏ những rào cản trong phong trào đổi mới sáng tạo giữa các quốc gia thành viên khối Đông Nam Á, và cũng để hỗ trợ sự phát triển của từng hệ sinh thái từng nước trong góc nhìn của khu vực và toàn cầu.