Đây là sự kiện chuyên ngành thường niên, lớn nhất trong cả nước, mang lại những giải pháp sản xuất hiện đại và đa dạng trên thế giới cho ngành cơ khí, cơ khí chế tạo nội địa; đồng thời là dịp để doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm kiếm đối tác tiềm năng.
Triển lãm Quốc tế lần thứ 19 về Cơ khí Chính xác và Sản xuất Chế tạo - MTA Vietnam 2023 sẽ diễn ra từ ngày 4 – 7/7 tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (Quận 7, TPHCM).
Tại buổi công bố MTA Vietnam 2023 ngày 13/6 tại TPHCM, ông BT Tee - Tổng Giám đốc công ty Informa Markets Việt Nam, đơn vị tổ chức Triển lãm, cho biết, dự kiến sẽ có hơn 300 đơn vị đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ như Anh, Mỹ, Đài Loan, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, … tham gia
Trên tổng diện tích trưng bày gần 14 ngàn m2, các gian hàng sẽ mang đến những công nghệ, thiết bị, giải pháp tiên tiến nhất phục vụ ngành cơ khí chính xác và gia công kim loại. Đó là các thiết bị đo góc, máy uốn, cắt gọt kim loại, máy đúc khuôn, định hình, máy mài, con lăn nhiệt, phần mềm đo lường độ chính xác, công nghệ hàn, xử lý bề mặt, xử lý nhiệt,… Triển lãm cũng dành một khu vực giới thiệu những công nghệ tiên tiến nhất về robot và tự động hóa.
Trong khuôn khổ Triển lãm còn có chuỗi hội thảo chuyên đề về xu hướng ứng dụng AI/IoT/Machine Learning giúp tối ưu hiệu quả làm việc, tiết kiệm chi phí trong ngành chế tạo; các công nghệ laser bán dẫn tiên tiến; những đột phá mới nhất trong công nghệ in 3D dùng cho chế tạo...
Đặc biệt, Triển lãm tổ chức riêng một cuộc thi dành cho sinh viên các trường đại học trên địa bàn TPHCM, có tên gọi Robot Challege. Trong cuộc thi, các đội được giao nhiệm vụ vận hành robot tự hành để sắp xếp, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu mà không cần đến sự can thiệp của nhân công. Chương trình nhằm mục đích ươm mầm những tài năng sinh viên, nâng cao kiến thức về lập trình robot tự hành chuyên dụng trong các nhà máy.
Theo ông BT Tee, Việt Nam hiện có khoảng 25 ngàn doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động. Theo dự báo của Bộ Công thương, quy mô thị trường ngành cơ khí chế tạo Việt Nam giai đoạn 2019 - 2030 ở mức khoảng 310 tỷ USD. Trong đó, giá trị máy móc, thiết bị, cấu kiện cho các công trình nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, khai thác, chế biến khoáng sản chiếm khoảng 120 tỷ USD; máy xây dựng, nông nghiệp và chế biến nông, lâm sản khoảng 15 tỷ USD; các loại thiết bị tiêu chuẩn, như quạt, động cơ, thiết bị thủy lực khoảng 10 tỷ USD; giá trị cho lĩnh vực thiết bị đường sắt tốc độ cao khoảng 35 tỷ USD; đường sắt đô thị là 10 tỷ USD và công nghiệp ô tô là 120 tỷ USD.
"Đây là thị trường 'mơ ước', đủ lớn để phát triển ngành cơ khí nói chung và công nghiệp máy công cụ, cơ khí chính xác, gia công kim loại nói riêng”, ông BT Tee nói và cho rằng, để trợ lực cho ngành công nghiệp cơ khí, Chính phủ cần tiếp tục triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, đưa cơ khí trở thành mũi nhọn cho kinh tế Việt Nam. Sự chú trọng của Nhà nước vào ngành công nghiệp cơ khí sẽ góp phần tăng thêm tính hấp dẫn của ngành trong mắt các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, ngành cơ khí cần tập trung tự động hoá, các tính năng thông minh, IoT, AI và các hệ thống máy cơ khí nâng cấp được điều khiển bằng máy tính.