Đây là giải thưởng thường niên của Liên đoàn quốc tế các Hiệp hội và Tổ chức Thư viện (IFLA), trao cho thư viện truyền đạt tốt nhất cam kết của mình đối với sự bền vững môi trường.

Thư viện của Trường ĐH Việt Đức. Ảnh: Trường Đại học Việt Đức

Mới đây, Liên đoàn quốc tế các Hiệp hội và Tổ chức Thư viện (IFLA) đã công bố danh sách rút gọn gồm sáu thư viện và dự án được đề cử cho Giải thưởng Thư viện Xanh năm 2023.

Giải thưởng này gồm hai hạng mục là Thư viện Xanh Tốt nhất (Best Green Library), bao gồm thư viện và các dự án thư viện quy mô lớn; và Dự án Thư viện Xanh Tốt nhất (Best Green Library projects) cho các dự án thư viện nhỏ hơn - mỗi hạng mục có 3 ứng viên trong danh sách rút gọn.

Thư viện của Trường ĐH Việt Đức (VGU) đã vào danh sách rút gọn của hạng mục Thư viện Xanh Tốt nhất, cùng với hai đại diện khác từ Colombia và Hungary.

Danh sách rút gọn được chọn ra 28 hồ sơ đăng ký và được đánh giá bởi 20 nhà bình duyệt trên khắp thế giới, trong đó có các thủ thư và kiến trúc sư.

Theo IFLA, thư viện VGU là một tòa nhà mang tính biểu tượng, được liên kết chặt chẽ với khuôn viên trường và được thiết kế dựa trên mục tiêu tiết kiệm năng lượng.

Website của VGU cho biết, nhận thấy tầm quan trọng của việc tích hợp các chính sách môi trường vào hoạt động của thư viện, giám đốc thư viện của trường đã đồng sáng lập nhóm Cảm hứng Xanh và thành lập nhóm thư viện xanh.

Các dự án và chiến dịch do các nhóm này khởi xướng đã tạo ra những thay đổi và tác động đáng kể đến cộng đồng VGU thông qua việc nâng cao nhận thức về tính bền vững cả ở trong nước và quốc tế. Thư viện VGU cũng truyền cảm hứng hành động và nâng cao nhận thức về môi trường thông qua các bộ sưu tập thư viện, dịch vụ, không gian và cơ sở dùng chung, chương trình giáo dục cho người dùng, chia sẻ kiến ​​thức xanh, và các thực hành bền vững trong thư viện.

Một góc của thư viện VGU. Ảnh: Trường Đại học Việt Đức

Bên cạnh đó, thư viện VGU còn cam kết thực hiện các ý tưởng sáng tạo về sử dụng tài nguyên xanh (như giấy, điện, nước) theo Sáng kiến ​​3R “Reduce-Reuse-Recycle” (Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế); khả năng tiếp cận xanh và nền kinh tế chia sẻ xanh (như khả năng tiếp cận dịch vụ, nguồn thông tin, không gian, cơ sở vật chất, dịch chuyển xanh). Đồng thời, thực hiện các ý tưởng về năng lượng và tài nguyên xanh (như tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng nước thải và giảm sử dụng nước, không sử dụng giấy tờ); nhóm thư viện xanh và văn phòng xanh (tất cả các nhóm cam kết vì sự bền vững, có cây xanh ở mọi góc thư viện).

Ngoài ra, thư viện VGU còn có chính sách 6 xanh (Sử dụng xanh, Tài nguyên xanh, Thùng rác xanh, Quyên góp xanh, Văn phòng xanh, Chia sẻ kiến ​​thức xanh) do nhóm Cảm hứng Xanh thiết lập.

Để đảm bảo tính bền vững lâu dài, thư viện VGU và nhóm Cảm hứng Xanh còn có kế hoạch thực hiện một số chương trình, bao gồm giảm tiêu thụ nhựa, giảm thiểu mua sắm trực tuyến do đóng gói quá mức, trồng thêm cây xanh xung quanh thư viện và khuôn viên, cũng như triển khai hiệu quả Hệ thống quản lý tập trung để giảm sử dụng năng lượng và tài nguyên. Thư viện cũng dự định lắp đặt nhiều hệ thống năng lượng mặt trời tái tạo hơn.

Giải thưởng sẽ công bố thư viện thắng cuộc trong phiên Mở của ENSULIB (Bộ phận Môi trường, Tính bền vững và Thư viện) tại Đại hội Thư viện - Thông tin thế giới (IFLA WLIC 2023) vào tháng 8 tới.


Danh sách đề cử Giải thưởng Thư viện Xanh 2023

1. Thư viện Xanh Tốt nhất (Best Green Library)

- Colombia: Thư viện EPM
- Hungary: Thư viện “Illyés Gyula” của hạt Tolna
- Việt Nam: Thư viện Trường ĐH Việt Đức

2. Dự án Thư viện xanh tốt nhất

- Canada: Thư viện kỷ niệm West Vancouver
- Ý: Thư viện dân sự Villa Valle
- Hàn Quốc: Thư viện Thủ đô Seoul