Ngày 9/6, FPT Polytechnic đã tổ chức vòng chung kết toàn quốc Cuộc thi Thiết kế và Chế tạo tàu ngầm có điều khiển (FPT-ROV 2023) tại Đà Nẵng. Đây là lần đầu có một cuộc thi thuộc loại này dành cho sinh viên toàn quốc.
Dù mới lạ, các sự kiện trong suốt một tháng diễn ra cuộc thi đã thu hút hàng nghìn bạn trẻ ở nhiều địa phương. Cuộc thi còn được đồng hành bởi nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực tự động hóa, công nghệ, chế tạo máy.
Từ 46 đội tham gia, trải qua 4 vòng loại cơ sở tại bốn vùng Bắc – Trung – Tây – Nam, Ban tổ chức đã chọn ra 12 đội xuất sắc nhất vào vòng chung kết tại Đà Nẵng.
Tại vòng cuối cùng, các đội được bắt cặp thành 6 trận thi đấu đối kháng. Nhiệm vụ của các đội là điều khiển mô hình tàu ngầm của mình thực hiện các thử thách di chuyển, gắp - thả - đẩy đồ vật dưới nước.
Kết quả, đội FPT Poly Hà Nội và đội Kilogram đã tiến đến trận đấu tranh ngôi quán quân. Với thiết kế nhỏ gọn, linh hoạt, tàu ngầm của đội FPT Poly Hà Nội đã nhanh chóng hoàn thành phần thi trước đối thủ và giành giải nhất 30 triệu đồng.
Đội Kilograms của Trường cao đẳng FPT Polytechnic TPHCM và đội Young Bees của Trường cao đẳng FPT Polytechnic Cần Thơ lần lượt giành giải Nhì 20 triệu đồng và giải Ba 10 triệu đồng.
Lê Đăng Lĩnh, đại diện quán quân, chia sẻ: “Để chiến thắng cuộc thi này, cần có khá nhiều kiến thức, kỹ năng, trong đó, sự khéo léo và khả năng tập trung cao độ là yếu tố hàng đầu. Trong quá trình tham gia thi đấu, chúng em đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Nhà trường, giảng viên cùng các chuyên gia cố vấn của cuộc thi. Về kinh phí thiết kế, lắp đặt chiếc tàu ngầm, chúng em đã chi khoảng 12 triệu đồng, ngoài ra còn nhận được thêm kinh phí hỗ trợ từ phía Nhà trường. Qua cuộc thi này, em và các bạn trong đội thấy rằng bản thân đã học được thêm rất nhiều kiến thức mới, đặc biệt là về khả năng thiết kế - chế tạo, xử lý tình huống, khắc phục sự cố…”
Ngay từ những lượt thi đấu đầu tiên, BTC cho biết đã ghi nhận nhiều ý tưởng thiết kế tàu ngầm vô cùng sáng tạo, có tính khả thi. Là một lĩnh vực khó, ít thông tin, do vậy BTC đã tổ chức 10 buổi hướng dẫn, mời nhiều chuyên gia, kỹ thuật viên trong lĩnh vực đóng tàu, vận hành, thiết kế cố vấn, chia sẻ kinh nghiệm cho các thí sinh.
Ban giám khảo của vòng chung kết cũng là các chuyên gia đầu ngành, giảng viên bộ môn với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế và tự động hóa. Để chiến thắng cuộc thi, ngoài các khía cạnh kỹ thuật, các đội phải tính toán chiến lược phù hợp để tận dụng tốt nhất khả năng của tàu ngầm khi thực hiện các nhiệm vụ thi đấu.
Ông Vũ Chí Thành, Giám đốc khối đào tạo FPT Polytechnic kiêm Hiệu trưởng Trường FPT Polytechnic Hà Nội, tiết lộ "ngay trong cuộc thi, đã có doanh nghiệp sẵn sàng ký hợp đồng với một trong số những đội thi để làm các thiết bị thăm dò và bảo dưỡng tàu".
Cuộc thi là một trong những hoạt động của FPT Polytechnic nhằm thúc đẩy niềm đam mê chế tạo của sinh viên, cũng như tạo ra những sản phẩm có cơ hội ứng dụng vào thực tế.
Là một hệ thống đào tạo trong lòng doanh nghiệp, FPT Polytechnic áp dụng phương pháp học tập qua dự án (Project-based Learning) và học kết hợp (Blended Learning), cung cấp cho sinh viên tới 70% thời gian là thực hành, trải nghiệm môi trường học sát với thực tế.