Diễn ra trong ngày 23 và 24/10 tại TPHCM, chuỗi triển lãm trực tiếp và trực tuyến METALEX Vietnam 2020 giới thiệu nhiều công nghệ, thiết bị mới, cùng các giải pháp sản xuất tối ưu cho các ngành sản xuất, gia công cơ khí, và công nghiệp hỗ trợ.

Sự kiện do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) phối hợp với Công ty Reed Tradex Vietnam, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM, Trung tâm Phát triển công nghệ hỗ trợ TPHCM phối hợp tổ chức.

Hơn 80 doanh nghiệp trên thế giới đã giới thiệu trực tiếp và trực tuyến những thiết bị, công nghệ mới nhất về máy công cụ kim loại, máy tạo hình kim loại tấm, thiết bị đo lường và kiểm tra độ chính xác, vật liệu mài mòn, chế tạo khuôn mẫu, kỹ thuật thủy khí, truyền tải năng lượng, tự động hóa, hệ thống điều khiển và máy tính, công nghệ hàn,...

Chẳng hạn, Công ty TNHH sản xuất BANDO giới thiệu dòng sản phẩm dây đai băng tải PVC có thể sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực điện tử, bán dẫn, dược phẩm, đặc biệt trong dây chuyền sản xuất thực phẩm. Sản phẩm chịu nhiệt cao trong môi trường dầu, hóa chất, kháng khuẩn và chịu được tải trọng cao, mặc dù với kết cấu dây mỏng. Hay vòng cao su O – ring của Công ty Takaishi sử dụng được trong cả các điều kiện khắc nghiệt, dùng trong ngành sản xuất nước, thiết bị khí nén, thủy lực, gas,...

Tham quan, tìm hiểu sản phẩm trực tiếp tại
Doanh nghiệp tìm hiểu sản phẩm trực tiếp tại triển lãm. Ảnh: KA

Ngoài việc tìm hiểu một số thiết bị, sản phẩm trực tiếp tại triển lãm, khách tham quan có thể tìm hiểu trực tuyến các công nghệ, thiết bị của một số doanh nghiệp nước ngoài không tham gia trực tiếp tại Việt Nam do dịch Covid-19. Trong khuôn khổ triển lãm còn diễn ra sự kiện kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản và các hội thảo trực tuyến như Ngành hàn trong xu hướng hội nhập; Giải pháp thiết kế 3D nhanh chóng và đơn giản; Công nghệ tiên tiến và nhà máy thông minh cho công nghiêp 4.0;...

K
Khách tham quan có thể tìm hiểu các công nghệ, thiết bị bằng hình thức trực tuyến Ảnh: KA

Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí – điện TPHCM, hiện nay đã có một số doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại, hàng đầu của thế giới vào sản xuất. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đó còn khá ít, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển của ngành kinh tế. Trong khi đó, việc nghiên cứu và chế tạo máy trong nước phát triển còn khá chậm. Vì vậy, xu hướng đầu tư, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất, các doanh nghiệp cần xem xét kỹ lưỡng trong việc đầu tư thiết bị, công nghệ mới.

“Doanh nghiệp không nhất thiết phải đầu tư công nghệ hiện đại nhất, mới nhất, quan trọng phải tạo ra được sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường với chi phí, giá thành hợp lý để mang lại hiệu quả kinh doanh”, ông Tống nhấn mạnh.