Triển lãm quốc tế về Máy công cụ và Giải pháp cơ khí METALEX Vietnam 2020 sẽ được tổ chức trực tuyến trong ngày 23 và 24/10 với chủ đề Chuyển đổi số để thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.
Sự kiện do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) phối hợp với Công ty Reed Tradex Vietnam, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM, Trung tâm Phát triển công nghệ hỗ trợ TPHCM phối hợp tổ chức.
Hơn 80 doanh nghiệp trên thế giới sẽ giới thiệu những thiết bị, công nghệ mới nhất về máy công cụ kim loại, máy tạo hình kim loại tấm, thiết bị đo lường và kiểm tra độ chính xác, vật liệu mài mòn, chế tạo khuôn mẫu, kỹ thuật thủy khí, truyền tải năng lượng, tự động hóa, hệ thống điều khiển và máy tính, công nghệ hàn,... Tuy nhiên, 20 doanh nghiệp trong số đó sẽ trưng bày trực tiếp tại Triển lãm.
Ngoài ra, còn có sự kiện kết nối doanh nghiệp
Việt Nam – Nhật Bản, nơi doanh nghiệp Việt Nam gặp
gỡ trực tiếp các công ty Nhật Bản đang tìm kiếm nhà cung cấp tại
Việt Nam trong lĩnh vực thiết bị phục vụ phòng chống dịch Covid -
19 như máy lọc không khí.
Tại buổi giới thiệu Triển lãm ngày 7/10, ông Hirai Shinji - Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM - cho biết, theo khảo sát do JETRO thực hiện cuối năm 2019, 48,1% các công ty Nhật Bản có cơ sở ở nước ngoài chọn Trung Quốc, trong khi 41% chọn Việt Nam để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Chênh lệch giữa Việt Nam và Trung Quốc được thu hẹp từ mức 19,9% xuống còn 7,1% so với năm trước. “Điều này cho thấy, về việc mở rộng đầu tư quốc tế đối với doanh nghiệp Nhật Bản, Trung Quốc đang suy giảm vị thế, trong khi Việt Nam đang trên đà bắt kịp” – ông Hirai Shinji nói.
Ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc Công ty Reed Tradex Vietnam cũng cho rằng, Việt Nam đã chứng minh được là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ cơ sở hạ tầng, tiêu chuẩn sống ngày càng cao. Đặc biệt, thời gian qua, Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid – 19 và mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Việt Nam vẫn được kỳ vọng là thị trường kinh doanh đầy tiềm năng. Tuy nhiên, theo ông Tài, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức, trong đó có vấn đề công nghệ, thiết bị lạc hậu; sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; thiếu kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau.
“Để tận dụng cơ hội từ xu hướng thiết lập và mở rộng nhà máy tại Việt Nam của các tập đoàn quốc tế và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà sản xuất Việt Nam cần nâng cao lợi thế cạnh tranh bằng việc cập nhật máy móc, công nghệ mới, tăng năng suất, giảm tiêu hao, nâng cao trình độ nhân viên” - ông Tài nhấn mạnh.