Giãn cách xã hội và phong toả kéo dài đã ảnh hưởng không chỉ tới tình hình kinh tế mà còn tác động lên cả sức khỏe tinh thần của các hộ gia đình. Nhiều gia đình rơi vào tình trạng lo lắng trong ngày hoặc lo lắng suốt cả ngày, khó ngủ, dễ trở nên khó chịu, cáu kỉnh hoặc cảm thấy chán nản.

Sáng 24/9, UNDP đã công bố báo cáo đánh giá nhanh tác động kinh tế-xã hội của đại dịch COVID-19 đối với hộ gia đình dễ bị tổn thương ở Việt Nam.

Báo cáo do UNDP và Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện từ tháng 7/2021 với 498 hộ gia đình, trong đó có 84 hộ dân tộc thiểu số, 107 hộ do phụ nữ làm chủ hộ, 348 hộ ở nông thôn, và 249 hộ có thành viên gia đình làm việc trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề. Các gia đình này làm việc trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch và dịch vụ liên quan, kinh doanh bán lẻ…

Thu nhập chỉ bằng 44% so với tháng 12/2019

Kết quả, báo cáo chỉ ra, 88% các hộ gia đình phải chịu ít nhất một trong những tác động việc làm vào tháng 7/2021 như bị sa thải đối với lao động trả công; bị tạm thời nghỉ việc; bị giảm giờ làm việc. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức 63% được ghi nhận trong đợt khảo sát tương tự mà nhóm nghiên cứu thực hiện vào tháng 10/2020.

Những khó khăn mà các gia đình phải đối mặt do ảnh hưởng của COVID-19. Nguồn: UNDP

Trong các lĩnh vực được khảo sát, du lịch và các dịch vụ liên quan (bao gồm lữ hành, nhà hàng, khách sạn, vận tải) có tỷ lệ hộ gia đình bị tác động cao hơn đáng kể, ở mức 99,3% số hộ chịu ít nhất một tác động về việc làm; tiếp theo là sản xuất chế biến chế tạo công nghiệp và thương mại bán lẻ với tỷ lệ 96% và 94%.

66,9% các hộ gia đình bị giảm thu nhập từ 30% trở lên so với thời điểm trước đại dịch (tháng 12/2019). Tính trung bình, thu nhập của các hộ gia đình trong tháng 7/2021 chỉ bằng 44% thu nhập của tháng 12/2019. So sánh với điều tra tương tự vào tháng 10/2020 thì chỉ có hơn 30% hộ gia đình bị giảm thu nhập từ 30% trở lên.

Dù đã thực hiện cắt giảm chi tiêu bằng cách giảm khẩu phần ăn và giảm số bữa ăn nhưng vẫn có tới hơn 55% không còn tiền tiết kiệm cho tháng tiếp theo. Hơn một nửa các gia đình phải đối mặt với việc thiếu lương thực. Cụ thể, 52,5% số hộ phải giảm số bữa ăn trong ngày hoặc giảm khẩu phần ăn trong bữa. 48,7% số hộ gia đình cảm thấy quá khó khăn trong việc mua sắm lương thực và nhu yếu phẩm, chủ yếu do việc phong tỏa dẫn đến đóng cửa nhiều cửa hàng, làm gián đoạn nguồn cung. Tình trạng thiếu lương thực chủ yếu đến từ các hộ gia đình không có việc làm trong nhiều tháng, đặc biệt là người di cư. Tình hình nghiêm trọng hơn đã được ghi nhận ở các hộ gia đình có con nhỏ.

Hơn 70% gia đình gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần

Không chỉ bị ảnh hưởng về kinh tế, các hộ gia đình còn bị ảnh hưởng nặng nề về tinh thần. Cụ thể, có tới 66,4% các hộ gia đình cho biết bị lo lắng về tác động của COVID-19. Các vấn đề về sức khỏe tinh thần mà họ gặp phải khá đa dạng, từ việc cảm thấy thỉnh thoảng lo lắng trong ngày (41%), lo lắng suốt cả ngày (29%), khó ngủ (10,8%), không thể thư giãn (7,3%), dễ trở nên khó chịu hoặc cáu kỉnh (6,8%), và cảm thấy chán nản (6,5%).

Thu nhập trung bình của người dân vị ảnh hưởng
Thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nặng nề do COVID-19. Nguồn: UNDP

Có tới 81,6% nữ chủ hộ có vấn đề về sức khoẻ tinh thần (khó ngủ, lo lắng), trong khi tỷ lệ này ở nam chủ hộ là 62,8%. Điều này, theo nhóm nghiên cứu, chủ yếu xuất hiện ở những người di cư, sống ở nơi chật hẹp, đông đúc.

Dùng công nghệ để hỗ trợ nhanh người dân

Điều đáng nói là có gần 90% số người được hỏi chưa nhận được bất kỳ hỗ trợ nào. Gần một phần ba trong số họ cho biết khó đăng ký hỗ trợ, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Trở ngại chính đến từ sự hướng dẫn chưa đầy đủ, cụ thể, hữu ích của các cán bộ dân phố ở địa bàn. Nhiều hộ bị tổn thương không thuộc diện được chính phủ hỗ trợ.

Để giải quyết tình trạng này, đại diện nhóm nghiên cứu đề xuất cần ban hành một chương trình hỗ trợ tiền mặt mới với ngân sách khoảng 5% GDP hằng quý (khoảng 77 nghìn tỷ đồng) và giải ngân trong những tháng cuối năm 2021.

Cách nhanh nhất là thực hiện trợ cấp cho trẻ em. Ngoài ra, có thể áp dụng công nghệ để cá nhân tự đăng ký, chính quyền địa phương xác minh và thực hiện chuyển tiền hỗ trợ bằng cách chuyển khoản, không dùng tiền mặt.