Trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII 2021 mới công bố, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế, sau khi số liệu GDP của Việt Nam được cập nhật theo tính toán mới.
Mặc dù thứ hạng tuyệt đối bị tụt giảm so với năm trước, nhưng theo các nhà thống kê học của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), nếu so về khoảng tin cậy, thứ hạng này của Việt Nam vẫn gần tương đương.
Năm 2021, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam đứng thứ 44 với khoảng tin cậy nằm trong khoảng 42 - 47. Năm 2020, thứ hạng này của Việt Nam là 42 và khoảng tin cậy là 41 - 50.
Về mặt kỹ thuật, các chuyên gia WIPO cho biết, do Việt Nam có sự thay đổi cách tính GDP trong thời gian qua khiến giá trị GDP dùng để tính toán chỉ số GII 2021 cao hơn khoảng 36% so với năm 2020. Điều này đã ảnh hưởng một phần đến việc giảm 2 bậc xếp hạng của Việt Nam do có tới 24 chỉ số thành phần của GII được tính dựa trên tổng giá trị chia GDP.
Việt Nam tiếp tục được WIPO nêu trong Báo cáo như hình mẫu đáng học hỏi về việc coi đổi mới sáng tạo là một ưu tiên quốc gia. Trong nhóm 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp trong danh sách GII năm 2021, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu.
WIPO gọi 4 nước TVIP (Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Ấn Độ và Philippines) là những nước đang bắt kịp đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống. Ngoài Trung Quốc, bốn nền kinh tế đặc biệt lớn này đều "có tiềm năng thay đổi bối cảnh đổi mới toàn cầu trong những năm tới”.
Chỉ có 5 quốc gia ở mức thu nhập trung bình cao đứng trên Việt Nam là Trung Quốc (12), Bungari (35), Malaysia (36), Thổ Nhĩ Kỳ (41) và Thái Lan (43); còn lại đều là các quốc gia/nền kinh tế phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao.
Theo nhận xét của các chuyên gia, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 phức tạp, ảnh hưởng lớn đến kinh tế- xã hội, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì vị trí trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu là một nỗ lực rất lớn.
Mặc dù các chỉ số đầu vào của GII Việt Nam có sự cải thiện, nhưng theo ông Sacha Wunsch-Vincent, Trưởng bộ phận kinh tế và thống kê, đồng biên tập GII, tốc độ cải thiện này chưa đủ nhanh. Các chỉ số đầu ra cũng có những thay đổi tích cực nhưng ở mức chậm hơn. Nhiều chỉ số vẫn ở thứ hạng thấp, chẳng hạn như xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao hay các đóng góp liên quan đến tài sản trí tuệ.
Đồng thời, ông Sacha lưu ý, việc bứt phá lên những vị trí thuộc top cao hơn như top 40 hay top 30 là điều không dễ dàng với nhiều quốc gia đang phát triển, do vậy Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn.
Bộ KH&CN cho biết, để tăng cường đổi mới sáng tạo, trong thời gian tới Việt Nam sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, gồm: cải thiện các trụ cột thể chế; tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ ICT; tăng chi cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; và xây dựng nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo.
Xem báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII 2021 đầy đủ
tại đây.
Xem các chỉ số GII 2021 của Việt Nam
tại đây.