UBND TP Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường
Mỗi năm phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ cần xử lý
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ước tính mỗi năm, thành phố Hà Nội phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, rất nhiều trong số đó bị người dân đốt bỏ trên cánh đồng. Quá trình đốt rơm rạ làm phát sinh khí thải CO2, CO, NO2 vào môi trường. Không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực đốt rơm rạ, mà các chất ô nhiễm còn theo gió phát tán ra vùng rộng lớn, làm gia tăng ô nhiễm không khí cho Thủ đô.
Để hạn chế tình trạng này, thành phố Hà Nội đã triển khai mô hình "Thành phố không đốt rơm rạ" với nhiều giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ người dân thu gom và xử lý rơm rạ thành các sản phẩm vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Mô hình nói trên bước đầu mang lại hiệu quả. Từ ngày 11-17/6/2020, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Cảnh sát môi trường đã tiến hành kiểm tra tình hình đốt rơm rạ tại 20 huyện ngoại thành Hà Nội. Kết quả kiểm tra cho thấy, tại các địa phương, tình trạng đốt rơm rạ đã giảm rõ rệt, cụ thể: huyện Mê Linh giảm xuống còn 30%; Quốc Oai: 15%; Thanh Oai: 1%; Thường Tín: 0,7%; …
Tuy nhiên, chưa địa phương nào khẳng định đã chấm dứt hoàn toàn việc đốt rơm, rạ sau thu hoạch. Việc đốt rơm rạ vẫn tái diễn theo mùa vụ. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa thực sự nhận thức được tác hại của việc đốt rơm rạ nên vẫn còn hiện tượng đốt rơm rạ tự phát nhỏ lẻ; các địa phương chưa chủ động nguồn kinh phí cho các xã để xử lý rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp; thiếu chế tài xử phạt và cơ chế giám sát về việc thực thi nhiệm vụ đốt rơm rạ...
Dấu mốc 2021
Cũng như Chỉ thị 15 về thay thế và
loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong ban hành năm ngoái, năm nay, UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 15 về việc giảm và cấm các hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo Chỉ thị mới, từ nay đến ngày 30/9/2020, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, các tổ dân phố, thôn, xóm, bản làng về chủ trương của thành phố trong việc thực hiện quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác theo quy định; đồng thời đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân đốt và giải pháp nhằm kiểm soát tốt công tác quản lý rác thải và rơm rạ, phụ phẩm cây trồng trên địa bàn quản lý.
Trước ngày 31/12/2020, thực hiện các biện pháp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau khi thu hoạch và chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường và bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng mô hình tính toán phát thải, giám sát và công bố công khai tình trạng đốt rơm rạ.
Thành phố đặt mục tiêu, từ ngày 1/1/2021, đảm bảo 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật môi trường; không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn thải sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn thành phố. Khi đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng các quy định liên quan để xử phạt vi phạm đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường không khí do đốt phụ phẩm nông nghiệp, chất thải rắn hoặc sử dụng bếp than tổ ong.
Năm 2021 cũng là năm Hà Nội cần hoàn thành mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn Thủ đô.