Nghiên cứu do trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Tổng cục Môi trường phối hợp thực hiện chỉ ra, bụi PM2.5 là tác nhân chính ảnh hưởng đến chất lượng không khí của các trường tiểu học ở Hà Nội, với nồng độ trong nhà cao hơn mức tiêu chuẩn mà Bộ Y tế kiến nghị.
Cuối năm 2019, vấn đề ô nhiễm không khí đã trở thành mối quan tâm lớn của nhiều vị phụ huynh khi có những ngày Chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên trên mức nguy hại. Nhiều người kiến nghị chính quyền và trường học nên có các quy định về biện pháp phản ứng, ví dụ như nghỉ học, khi mức độ ô nhiễm ngoài trời lên trên ngưỡng nhất định.
Tuy nhiên, vào những ngày chỉ số AQI ngoài trời ở ngưỡng cho phép, ít ai quan tâm đến một loại ô nhiễm không khí khác không kém phần nguy hiểm vẫn diễn ra, đó là ô nhiễm không khí trong nhà.
Thuật ngữ “trong nhà” được hiểu là các khu vực có ít đường thông khí trực tiếp ra môi trường xung quanh, mà thường phải sử dụng những lối thông khí gián tiếp như điều hòa. Các không gian được coi như “trong nhà” bao gồm nhà ở, văn phòng, đồn trạm, công sở, lớp học, tòa nhà cao ốc, hoặc trong lòng các phương tiện giao thông ô tô, xe bus, tàu hỏa.
Số liệu thống kê cho thấy con người thường dành tới 87% thời gian trong các không gian kín như vậy. Trẻ em thường dễ bị tổn thương trước những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí hơn người lớn bởi chúng đang trong giai đoạn phát triển hệ miễn dịch và cần hít thở tỷ lệ khí trên khối lượng cơ thể cao hơn người lớn.
Trong môi trường học đường, trẻ em là nhóm nhạy cảm nhất khi chất lượng không khí suy giảm. Các chất ô nhiễm thường làm tăng tác động của các bệnh về da, mắt, làm giảm điều kiện sinh hoạt và hiệu suất học tập của các em. Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam có rất ít nghiên cứu xem xét mức độ ô nhiễm không khí trong môi trường học đường này.
Một nghiên cứu mới công bố tháng 3/2020 do PGS. TS. Hoàng Anh Lê, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội và bà Vũ Thị Quỳnh Linh, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT, thực hiện, đã chỉ ra rằng "giao thông và hoạt động của các khu dân cư xung quanh là hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng không khí của trường học".
Hai nhà nghiên cứu đo đạc nồng độ một số chất ô nhiễm không khí phổ biến (PM 2.5, PM10, CO2, NO2 và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi VOC) tại 10 trường tiểu học ở các quận nội thành Hà Nội trong 2 tuần (từ 19/03-04/04/2013). Các thiết bị đo được đặt trong lớp học và ngoài sân trường.
Do Việt Nam chưa có tiêu chuẩn về ô nhiễm không khí trong nhà, nhóm tác giả đã sử dụng các tiêu chuẩn của quốc tế đối với các chất CO2, VOCs và sử dụng tiêu chuẩn do Bộ Y tế đề xuất cho các chất PM 2.5, PM10 và NO2.
"Kết quả cho thấy bụi PM 2.5 là vấn đề ô nhiễm không khí chính trong các lớp học," PGS. TS. Hoàng Anh Lê nhấn mạnh.
Nồng độ bụi PM2.5 trong nhà trung bình ở các trường tiểu học là khoảng 130 µg/m3 (± 31), cao hơn mức tiêu chuẩn mà Bộ Y tế kiến nghị 65 µg/m3, và thấp hơn nồng độ bụi PM2.5 ngoài trời 168 µg/m3 (± 78). Đặc biệt, các trường học nằm gần đường giao thông có nồng độ bụi mịn PM 2.5 cao gấp 2 - 3 lần so với tiêu chuẩn trên.
Các trường nằm gần chợ và đường giao thông cũng có nồng độ VOCs trong lớp học và trong sân trường tương đối cao so với tiêu chuẩn. Tuy nhiên, ở tất cả các trường, nồng độ CO2 và NO2 đều ở ngưỡng cho phép.
Đối phó với ô nhiễm không khí trong nhà
Theo PGS. TS. Hoàng Anh Lê, mặc dù trong khuôn khổ nghiên cứu này, các mẫu trường tiểu học không thể đại diện cho toàn Hà Nội, nhưng nó cũng góp phần nâng cao nhận thức về vấn đề ô nhiễm không khí trong nhà - điều mà rất ít người quan tâm tới và càng ít thông tin nghiên cứu về nó hơn.
Nghiên cứu này đưa ra một số gợi ý cho việc cải thiện chất lượng không khí tại trường học. Trước hết, do không phải trường học nào cũng có hiện tượng ô nhiễm như nhau nên trong tương lai, khi các trường muốn đối phó với ô nhiễm không khí trong nhà, họ cần đo lường và xác định bối cảnh của riêng mình để có phương án lựa chọn thích hợp.
Chẳng hạn như quyết định lắp điều hòa trong các lớp. "Điều hòa có thể giải quyết được vấn đề này nhưng sẽ không giải quyết được vấn đề kia", PGS. TS. Hoàng Anh Lê nhận xét. Một mặt, điều hòa có thể giảm bụi, nhưng mặt khác lại tăng nồng độ CO2 do không gian kín và nhiều người hít thở. Như vậy, ông khuyên các lớp học dùng điều hòa nên mở cửa sau 1 vài tiếng sử dụng để trao đổi khí với bên ngoài.
Với các loại bụi, nghiên cứu chỉ ra rằng các hoạt động vui chơi, chạy nhảy trên sân trường của học sinh có thể làm bụi bốc lên, tăng nồng độ các chất bụi PM trong không khí. Do vậy các trường có thể lát phẳng nền sân để phần nào hạn chế tình trạng này.
Tương tự, những hợp chất hữu cơ dễ bay hơi VOCs [có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thần kinh] thường có trong các loại bàn ghế gỗ ép mới, chất tẩy rửa vệ sinh... Do vậy, lớp học cần bố trí thời gian, tần suất làm sao để các hoạt động vệ sinh không gây ảnh hưởng đến khung giờ học tập và vui chơi của các học sinh.
Mặc dù Việt Nam đã có những tiêu chuẩn về không khí trong nhà tại các nhà máy, cơ sở sản xuất, nhưng trong các không gian sinh hoạt, làm việc hằng ngày (nhà ở, văn phòng, trường học...) vẫn chưa có quy định này. PGS. TS. Hoàng Anh Lê hi vọng giống như vấn đề ô nhiễm không khí xung quanh, ô nhiễm không khí trong nhà sẽ ngày càng được quan tâm và quy định hiệu quả hơn nữa.