Chỉ khoảng 1% số doanh nghiệp ở TPHCM quan tâm đến việc thành lập Quỹ phát triển KH&CN. Bên cạnh đó, do khó khăn về thủ tục chi, các doanh nghiệp cũng ngại ngần sử dụng Quỹ.
Tại Hội thảo “Đề xuất giải pháp giúp các doanh nghiệp sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN phục vụ chuyển đổi số” do Sở KH&CN TPHCM tổ chức ngày 22/9, ông Phan Quốc Tuấn - Phó Trưởng Phòng quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, Sở KH&CN TPHCM - cho biết, TPHCM hiện có 121 doanh nghiệp thành lập Quỹ với tổng số tiền là 4.146 tỷ đồng, nhưng mới chỉ có 1.123 tỷ đồng (khoảng 27%) được sử dụng. Cũng theo khảo sát với hơn 900 doanh nghiệp mới đây của Sở KH&CN TPHCM, số doanh nghiệp quan tâm đến việc thành lập Quỹ chưa đến 1%.
Ông Tuấn cho rằng, Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT – BKHCN – BTC về hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp chưa có những hướng dẫn sử dụng Quỹ cụ thể đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, đào tạo nhân lực KH&CN,…
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn lúng túng về các thủ tục quyết toán đối với các nội dung sử dụng từ Quỹ do nội dung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Quỹ chưa được thống nhất ở các cán bộ thuế. Chẳng hạn, Thông tư 12 không bắt buộc doanh nghiệp phải được Sở KH&CN xác nhận đang hoạt động trong lĩnh vực KH&CN, nhưng nhiều cán bộ thuế lại yêu cầu xác nhận.
Một số doanh nghiệp phản ánh, việc sử dụng quỹ phát triển KH&CN giống như sử dụng ngân sách nhà nước với thủ tục kiểm soát chi chặt chẽ, rất khó chủ động cho doanh nghiêp. Trong thời hạn 5 năm kể từ khi trích doanh thu để lập Quỹ, nếu không sử dụng hết 70%, doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên số tiền Quỹ còn lại và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó. Điều này cũng khiến các doanh nghiệp không mặn mà trong việc thành lập Quỹ.
Ông Phan Đình Tuệ, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM thì cho rằng, việc doanh nghiệp ngại sử dụng Quỹ là do lo lắng việc sử dụng sai mục đích. Vì vậy, theo ông, các cơ quan quản lý nhà nước cần đơn giản hóa để Quỹ dễ sử dụng hơn; đồng thời có hướng dẫn chi tiết để việc sử dụng Quỹ có hiệu quả.
Trong khi đó, ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội tin học TPHCM, đề nghị thống nhất các văn bản pháp luật liên quan đến thuế và hoạt động KH&CN. Đặc biệt, phải xây dựng được khung hướng dẫn chi tiết để cho doanh nghiệp dễ dàng sử dụng Quỹ theo các quy định đã ban hành.
Tại Hội thảo, Sở KH&CN TPHCM cũng nêu một số lĩnh vực phục vụ chuyển đổi số, hỗ trợ phát triển KH&CN của doanh nghiệp mà Quỹ Phát triển KH&CN có thể đầu tư như hệ thống trang thiết bị phục vụ việc sản xuất, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin số, bao gồm mạng văn phòng, internet, máy tính, cơ sở dữ liệu; thiết bị đảm bảo an ninh mạng, bảo mật thông tin; đào tạo quản trị, quản lý về công nghệ thông tin; công nghệ viễn thám, điện toán đám mây;…