Hà Nội đã giảm được 72,8% số bếp than tổ ong so với năm 2017, tương đương 160.000 người không còn bị tiếp xúc với các chất ô nhiễm không khí từ đun nấu.

Đến hết năm 2020, Hà Nội được kì vọng sẽ bỏ được thói quen sử dụng bếp than tổ ong và không còn một bếp nào nữa | Ảnh: TNMT
Đến hết năm 2020, Hà Nội dự kiến sẽ loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong | Ảnh: TNMT

Ngày 3/7, trong buổi sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện Chỉ thị của UBND TP Hà Nội về việc loại bỏ bếp than tổ ong, bà Lê Thanh Thuỷ - Trưởng phòng Quản lý dự án và Truyền thông, Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết tính đến tháng 6 năm 2020, Hà Nội đã giảm 72,8% số bếp than tổ ong so với năm 2017.

Cụ thể, từ 56.670 bếp than tổ ong ghi nhận vào năm 2017, giờ đây thành phố chỉ còn 15.418 bếp trên địa bàn hơn 30 quận, huyện. Kết quả này tương đương với 160.000 nghìn người dân trong các hộ gia đình không còn bị tiếp xúc với những chất ô nhiễm không khí độc hại từ đun nấu như CO, NOx, SO2, PM2.5, ...

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã hợp tác với Viện Môi trường Stockholm (SEI) sử dụng mô hình LEAP IBC để kiểm kê phát thải ô nhiễm không khí từ bếp than tổ ong trước và sau khi số bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố giảm mạnh, chẳng hạn:

+ Giảm phát thải bụi PM2.5 từ mức 2.317 tấn/năm giai đoạn 2017 xuống còn 1.619 tấn/năm giai đoạn 2020 (tương đương 30,1%)

+ Giảm phát thải khí CO từ mức 26.784 tấn/năm giai đoạn 2017 xuống còn 8.073 tấn/năm giai đoạn 2020 (tương đương 69,8%)

+ Giảm phát thải khí CO2 từ mức 550.814 tấn/năm giai đoạn 2017 xuống còn 168.370 tấn/năm giai đoạn 2020 (giảm 69,4%)

"Nếu Hà Nội thành công vào năm 2021 trong việc chuyển đổi toàn bộ bếp than tổ ong thành một loại bếp thân thiện với môi trường hơn, chẳng hạn bếp gas LPG, thì có thể làm giảm 7,5% lượng khí thải CO2 từ khu vực dân cư trên toàn Việt Nam", bà Lê Thanh Thuỷ nhấn mạnh.

Theo thống kê, các quận đang đi đầu về tỷ lệ giảm bếp than tổ ong là quận Hoàn Kiếm (100%), huyện Sóc Sơn (99%), huyện Ứng Hòa (98%), quận Long Biên (91%). Ngược lại, vẫn còn khoảng 10 quận huyện của Hà Nội có số bếp than tổ ong lớn từ 500-2.000 bếp.

Theo lộ trình, từ nay đến ngày 31/12/2020, Thành phố sẽ áp dụng nhiều cách tiếp cận như tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân chuyển sang sử dụng các loại bếp khác an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Từ năm 2021, Hà Nội sẽ xóa bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong và áp dụng các chế tài xử phạt.

Chia sẻ trực tuyến từ Anh quốc, TS. Chris Mailey ở Viện Môi trường Stockholm cho biết, mô hình kiểm kê phát thải LEAP IBC cho phép Hà Nội lượng hóa quy mô của phát thải (ví dụ khối lượng CO2, NOx, PM2.5...) và các nguồn ô nhiễm chính (đốt rơm rạ, đốt rác lộ thiên, bếp than tổ ong, giao thông, xây dựng, công nghiệp,...), từ đó chọn được các đối tượng giảm phát thải một cách hiệu quả. Mô hình còn có thể giúp các nhà hoạch định chính sách theo dõi sự thay đổi của các chất ô nhiễm theo thời gian để đánh giá tính hiệu quả của các chính sách hoặc dự báo mức độ ảnh hưởng của những thay đổi đi kèm trong tương lai.

Để làm được điều đó sẽ cần có các dữ liệu đặc thù của từng quận huyện, dữ liệu chung của thành phố và các chỉ số phát thải lấy theo nghiên cứu quốc tế hoặc nghiên cứu trong nước nếu có. Trong thời gian tới, SEI và GIZ sẽ tiếp tục hỗ trợ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xây dựng các bảng hỏi và mẫu template excel dễ sử dụng để từng quận huyện thu thập dữ liệu, đồng thời tổ chức các buổi trao đổi trực tuyến (1-2 tuần/lần) nhằm kiểm kê các nguông phát thải.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng cho biết, đến cuối năm 2020, họ sẽ có thêm các kết quả nghiên cứu liên quan đến ô nhiễm không khí và tác động của nó tới môi trường, sức khỏe của người dân, góp phần làm nên cơ sở để Thành phố xây dựng kế hoạch hành động cải thiện chất lượng không khí trong tương lai.