Ngày 5/9/2019, Thông tư số 45/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành, với các quy định trong quản lý tài chính liên quan đến Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) đã chính thức đi vào hiệu lực. Trong đó
3 điểm đáng lưu ý là: kinh phí thuê chuyên gia, kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho các startup, và cơ sở tài chính để triển khai Đề án tại cấp địa phương. Đây cũng là văn bản pháp lý đầu tiên của Chính phủ quy định chính sách đầu tư và hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, hứa hẹn mở ra nhiều triển vọng trong giai đoạn 2020-2025.
Cũng trong năm 2019,
isev.vn – Hệ thống Quản lý thông tin Cơ sở dữ liệu Quốc gia Khởi nghiệp sáng tạo chính thức đi vào hoạt động, với mục tiêu kết nối các sở KH&CN địa phương với những tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trên khắp cả nước. Trong giai đoạn tới, việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, cùng huy động mạng lưới tổ chức, chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp được xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.
Năm 2016, Đề án 844 được phê duyệt, đánh dấu mục tiêu “Quốc gia khởi nghiệp” của Việt Nam và là cơ sở để các địa phương trong cả nước triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
Tính đến năm 2019 đã có 52 địa phương ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844. Trong đó có sự tham gia của 50 đơn vị chủ trì, hơn 37 các đơn vị liên danh nhằm phối hợp triển khai 61 nhiệm vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên khắp cả nước. Các hoạt động bao gồm đào tạo nâng cao năng lực, truyền thông, liên kết quốc tế, xây dựng pháp luật,...
Mục tiêu đến năm 2025, Đề án sẽ hỗ trợ phát triển được 2.000 dự án khởi nghiệp ĐMST; 600 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng
Trong năm 2019, đã có hơn 140 sự kiện khởi nghiệp được tổ chức trong khuôn khổ Đề án 844, khoảng 36% trong đó là sự kiện có quy mô lớn (trên 500 người tham dự). Các sự kiện ngày càng tập trung vào thúc đẩy tính liên kết trong hệ sinh thái, cũng như kết nối quốc tế để phát triển thị trường, huy động nguồn lực cho startup.
Năm 2019, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (Techfest Vietnam) đã được tổ chức tại các quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu như Hoa Kỳ (tháng 9), Singapore và Hàn Quốc (tháng 11). Chuỗi sự kiện này là cơ hội để startup tiêu biểu của Việt Nam kêu gọi nguồn vốn đầu tư quốc tế, giúp đất nước giới thiệu và quảng bá hệ sinh thái, cũng như thu hút lực lượng chuyên gia chất lượng cao trong và ngoài nước quy tụ về.
Techfest Hoa Kỳ đánh dấu việc thỏa thuận hợp tác chính thức giữa hệ sinh thái Việt Nam với các tổ chức khởi nghiệp ở Mỹ như trung tâm ươm tạo Ai20x và Quỹ đầu tư Pegasus Tech Venture - đơn vị tổ chức Startup World Cup. Cũng trong dịp này, các nhà quản lý của Bộ KH&CN đã tiếp xúc và đặt vấn đề làm việc cụ thể với nhiều đối tác quan trọng khác về tài chính, thúc đẩy kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái như Stripe Inc, Tim Draper, Republic, 500 Startups, Founder Institute.
Techfest quốc tế tại Singapore đã chứng kiến lễ Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) với Trường tổng hợp Temasek (TP) nhằm thúc đẩy hợp tác của hai bên trong việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam.
Techfest tại Seoul đã diễn ra một loạt hội thảo và sự kiện kết nối startup Việt với các đối tác quan tâm của Hàn Quốc. Từ chuyến đi này, đại diện Bộ KH&CN Việt Nam cho biết cơ quan quản lý NATEC đang trong quá trình đàm phán với Trung tâm khởi nghiệp Seoul và các quỹ đầu tư Hàn Quốc để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp hai bên.
Ba sự kiện Techfest quốc tế cũng đã góp phần lôi kéo nhiều nguồn lực quốc tế tham gia Techfest quốc gia tổ chức tại Quảng Ninh tháng 12.