Diễn ra trong ba ngày từ 4-6/12, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Vietnam 2019) đã thu hút trên 6,500 lượt người tham dự, 300 gian hàng khởi nghiệp tham gia triển lãm; hơn 120 diễn giả và trên 100 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng trao giải quán quân cuộc thi Tìm kiếm tài năng KN ĐMST Việt Nam 2019. Đội Multi Glass sẽ đại diện Việt Nam tham dự Startup World Cup 2020 được tổ chức tại San Francisco, Mỹ.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng trao giải quán quân cuộc thi Tìm kiếm tài năng KN ĐMST Việt Nam 2019. Đội Multi Glass sẽ đại diện Việt Nam tham dự Startup World Cup 2020 được tổ chức tại San Francisco, Mỹ.

Trước đó, tại bốn vùng kinh tế trọng điểm: Vùng Đông Nam Bộ (tại Bà Rịa - Vũng Tàu); Vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc (tại Hà Nội); Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (tại Cần Thơ); Vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ (tại Lâm Đồng) đã đăng cai tổ chức Techfest vùng nhằm thúc đẩy liên kết giữa các chủ thể của hệ sinh thái từ trung ương đến địa phương, tìm kiếm các doanh nghiệp khởi nghiệp xuất sắc nhất để tham gia Techfest Vietnam 2019.

Năm nay cũng là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức các Techfest quốc tế tại những quốc gia có hệ sinh thái phát triển là Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore nhằm quảng bá hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam với quốc tế và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam tiếp cận nhà đầu tư, lôi kéo nguồn lực về với Việt Nam.

Nơi gặp gỡ của xu hướng, cơ hội và tinh thần doanh nhân

Techfest tại Quảng Ninh năm nay có 12 làng công nghệ tiêu biểu và các tiểu ban, gồm Làng Công nghệ Du lịch và Ẩm thực (Tourism village), Làng Công nghệ Tài chính (Fintech village); Làng Công nghệ Giáo dục (EdTech village), Làng Công nghệ Nông nghiệp (AgriTech village), Làng Công nghệ Tác động xã hội (Impact village), Làng Công nghệ Y tế/Chăm sóc sức khỏe (MedTech village), Làng Công nghệ Nền tảng (Platform technology village), Làng Đô thị Thông minh (SmartCity village); Làng Dịch vụ Hỗ trợ Startup (Startup Support Services Village); Làng Đầu tư Quốc tế (International Investment Pavilion); Làng Công nghệ 4.0 (Technology 4.0 Pavilion) và Làng Địa phương (Local Pavilion). Mỗi làng đều có gian trưng bày của doanh nghiệp tiêu biểu nhất được lựa chọn.

Năm nay, các làng vẫn tiếp tục tổ chức theo hình thức hợp tác công tư – nhà nước xây dựng khung chương trình và tài trợ một phần địa điểm; toàn bộ hoạt động, startup, hội thảo, cuộc thi, diễn giả, nhà đầu tư của mỗi làng đều do các trưởng làng uy tín trong ngành đứng ra tổ chức.


Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực ASEAN về sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, chỉ sau Inndonesia và Singapore. Số thương vụ giao dịch lẫn số vốn đầu tư trong nửa năm đầu 2019 đã tăng gấp sáu lần so với 2017. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có 58 thương vụ thành công với số vốn 246 triệu USD.

Theo Báo cáo ES Capital và Cento Ventures


Ở sự kiện kết nối đầu tư của Techfest, đã diễn ra hơn 250 cuộc với tổng số tiền quan tâm đầu tư khoảng 14 triệu USD. Con số này của năm 2018 là 7,89 triệu USD và năm 2017 là 4 triệu USD, cho thấy các nhà đầu tư ngày càng quan tâm vào startup và thị trường Việt Nam, đặc biệt là các đối tác đến từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Malaysia,… Xu hướng này cũng đang diễn ra trên bình diện cả nước.

Trong suốt thời gian diễn ra Techfest đã có các buổi tọa đàm, hội thảo theo lĩnh vực của từng làng, trong đó nổi bật là các nội dung về Khởi nghiệp số trong bối cảnh chuyển đổi số, GEN và du lịch số, Y tế số và chăm sóc sức khỏe, Công nghệ tài chính, Kết nối nguồn lực thương mại điện tử và Logistics, Kết nối viện - trường - doanh nghiệp thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong giáo dục, Khởi nghiệp tạo tác động xã hội,… Các chuyên gia trong mỗi ngành đều đưa ra nhận định về xu hướng và mô hình quan trọng trong từng lĩnh vực, đặc biệt gắn với các từ khóa lớn của đất nước hiện nay là “chuyển đổi số”, “phát triển bền vững” và “nhân lực tài năng”.

Hội thảo “ Mô hình kết nối nguồn lực khởi nghiệp toàn cầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 “ với sự tham dự của hơn 100 khách mời và dại diện của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hội thảo “Mô hình kết nối nguồn lực khởi nghiệp toàn cầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 “ với sự tham dự của hơn 100 khách mời và dại diện của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tại Techfest 2019 còn có nhiều hoạt động tương tác sôi nổi như cuộc đua trí tuệ nhân tạo Deep Racer do Công ty Amazon Web Services tổ chức; Thuyết trình TED@Techfest tạo cảm hứng; Sân khấu Free Talk dành cho bất kì dự án nào muốn giới thiệu sản phẩm với công chúng,...

Trong khuôn khổ Techfest 2019 cũng diễn ra Chung kết cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2019”. Sau hơn bốn tháng triển khai thu hút hơn 400 dự án, startup thuộc 12 Làng Công nghệ khởi nghiệp, các cuộc thi Techfest vùng, các vườn ươm khởi nghiệp uy tín trên cả nước, cuộc thi đã chọn được 50 dự án xuất sắc tham gia pitching các vòng trong ba ngày diễn ra Techfest.

Chiến thắng chung cuộc thuộc về đội MultiGlass – dự án thiết bị kính thông minh hỗ trợ người khuyết tật sử dụng máy vi tính chỉ bằng việc cử động mắt, đầu cũng như cảnh báo giảm tai nạn giao thông do mệt mỏi cho các tài xế đường dài. Quán quân MultiGlass sẽ trở thành đại diện Việt Nam tham dự Startup World Cup 2020 được tổ chức tại San Francisco, Mỹ. Giải Nhì thuộc về Journey of the Senses - hệ thống nhà hàng cao cấp và dịch vụ sáng tạo bởi người khuyết tật, cân bằng giữa lợi ích thương mại với việc tạo cơ hội cho các nhóm yếu thế trong xã hội. Giải Ba thuộc về ứng dụng học tiếng Anh eJOY thông qua video và film tùy chọn theo chủ đề.

Câu chuyện của 2 startup dẫn đầu cho thấy sự lên ngôi của việc kinh doanh tạo tác động và những giá trị nhân văn, bền vững hơn. Những năm gần đây, việc tạo tác động xã hội đã không chỉ là yếu tố “thêm vào” mà thực sự đã trở thành một thành tố trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam.

Các diễn đàn cấp cao & Hợp tác quốc tế

Các diễn giả tại diễn đàn.
Các diễn giả tại diễn đàn.

Kết nối với chủ đề “Nguồn lực hội tụ“ năm nay của Techfest, các hội nghị cấp cao với sự tham gia của lãnh đạo khu vực chính phủ, tổ chức quốc tế và những tập đoàn lớn trên thế giới, đã tập trung vào vấn đề kết nối các nguồn lực, từ nhân lực, công nghệ, tài chính và các nguồn lực khác ở các nước trong khu vực, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển ở tầm khu vực và toàn cầu.

Tại Lễ khai mạc Techfest 2019 vào tối ngày 4/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định trong thời gian qua, Việt Nam đã có những bước tiến dài về phát triển hệ sinh thái đổi mới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhờ có sự vào cuộc của đông đảo các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước. Hai ví dụ nổi bật là việc năm 2019 chứng kiến mức độ tăng nhanh gấp rưỡi về số lượng của các quỹ đầu tư mạo hiểm trong đó có 20 quỹ có pháp nhân Việt Nam hoặc thuần Việt, cộng với số lượng không gian làm việc chung tăng gấp 2,5 lần so với năm ngoái, cho thấy bước chuyển đổi lớn trong môi trường thu hút khởi nghiệp.


Đặt niềm tin vào Startup để đất nước tăng trưởng nhanh hơn

Trong Bảng xếp hạng về sự sẵn sàng cho nền sản xuất mới của WEF, mặc dù Việt Nam đã có bước cải thiện rất mạnh mẽ nhưng vẫn đứng khoảng thứ 67-68. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất lớn, có những cách làm mới để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, nhất là để thoát ra khỏi dạng nước phát triển trung bình, thu nhập trung bình. Làm thế nào để tăng trưởng trên 7%/năm trong hơn 20 năm tới đây. Câu hỏi này đã được đặt ra nhiều lần bởi cả cơ quan hoạch định chính sách và cả cộng đồng doanh nghiệp. Khi quy mô của nền kinh tế đã lớn thì mức tăng trưởng cao hơn là rất khó nhưng vẫn có thể bởi nguồn lực trong dân, trong đó nguồn lực con người còn rất lớn. Môi trường kinh doanh vẫn còn dư địa về cải cách hành chính, tháo gỡ những ràng buộc đối với doanh nghiệp để khai thác nguồn lực, đi nhanh hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gian hàng triển lãm tại Techfest.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gian hàng triển lãm tại Techfest.

Trong bối cảnh đó, có thể đặt niềm tin vào cộng đồng startup, những người sẵn sàng dấn thân, chấp nhận thất bại, rủi ro để bước nhanh hơn, mạnh hơn bằng cách những ý tưởng rất mới, tạo ra sản phẩm mới, cách tiếp cận thị trường mới, thậm chí tạo ra một phân khúc thị trường mới, cơ bản dựa trên nền tảng công nghệ mới. Bằng cách làm đấy, một doanh nghiệp, một địa phương, một cộng đồng, một quốc gia có thể phát triển nhanh hơn.

Sự thành công bước đầu của các doanh nghiệp startup ở Việt Nam không chỉ góp phần trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, quan trọng hơn là lan tỏa đến bộ máy chính quyền các cấp và toàn xã hội tinh thần “nếu sẵn sàng đưa ra ý tưởng mới, cổ vũ, chung tay biến nó thành hiện thực thì chúng ta sẽ thành công”.

Lược thuật phát biểu Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại “Lễ Khai mạc Techfest 2019”


Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cũng khẳng định sau hơn 3 năm triển khai, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã chứng kiến sự hình thành được hành lang pháp lý cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo thông qua Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Chuyển giao công nghiệp năm 2017 và các văn bản hướng dẫn; các chính sách thí điểm cũng đang được các Bộ, ngành tích cực xây dựng, triển khai như: sandbox trong lĩnh vực fintech, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đưa startup tham gia các chương trình huấn luyện tại nước ngoài; hiện 52/63 địa phương đã ban hành kế hoạch và bố trí nguồn lực hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp v.v…

Với môi trường cởi mở như vậy, các đối tác quốc tế giờ đây đã tìm đến Việt Nam. Mặc dù được đánh giá cao về sự phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đáng kinh ngạc so với các nước châu Á khác, các nhà đầu tư và chuyên gia nước ngoài như ông Axel Schultze (Sáng lập viên Quỹ Diễn đàn đổi mới thế giới) hay ông Bill Reichert (Giám đốc điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm Garage Technology Ventures) vẫn nhấn mạnh trong tọa đàm khai mạc rằng nước ngoài mong muốn “một môi trường đầu tư có tính minh bạch hơn”.


Bà Thạch Lê Anh - Nhà sáng lập Vietnam Silicon Valley Accelerator
Bà Thạch Lê Anh - Nhà sáng lập Vietnam Silicon Valley Accelerator

“Sự phát triển khởi nghiệp ở Việt Nam chỉ tập trung ở các thành phố lớn dẫn đến các lĩnh vực mà doanh nghiệp khởi nghiệp lựa chọn thường là bán lẻ, thanh toán và giáo dục. Tuy nhiên, những lĩnh vực kể trên sau một số năm phát triển đã dần được định hình với những ông lớn trong ngành khiến việc các startup mới rất khó tham gia vào thị trường nều không có nguồn lực mạnh. Trong khi đó những lĩnh vực như văn hoá, sáng tạo và nông nghiệp vốn là thế mạnh truyền thống cho Việt Nam thì lại ít được quan tâm thậm chí là bỏ ngỏ không khai thác”.

Trích phát biểu của bà Thạch Lê Anh tại Chương trình “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2019 – Cơ hội, thách thức và giải pháp để phát huy lợi thế”


Đây cũng là chủ đề được nhiều đại diện các tổ chức quốc tế như UNDP, Đại sứ quán Israel, Đại sứ quán Thụy Điển, Cao ủy thương mại Chính phủ Anh đề cập ở tọa đàm về Sự dịch chuyển nguồn lực trên thế giới diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao sáng ngày 4/12. Các đại diện tổ chức nước ngoài đề cập đến việc Việt Nam cần phải thiết lập cơ chế pháp lý linh hoạt cho phép nhân lực tài năng, tiền bạc, công nghệ, dữ liệu... trao đổi thuận tiện giữa biên giới các nước một cách thuận tiện nhưng an toàn, đồng thời cũng phải có nhiều công cụ giúp startup và nhà đầu tư điều hướng trong hàng loạt văn bản, quy định pháp luật đã và sẽ có.

Tại hội thảo “Liên minh nhà đầu tư thiên thần Đông Nam Á” cũng chứng kiến sự gặp gỡ của 11 mạng lưới nhà đầu tư thiên thần trong khu vực ASEAN, bàn về chủ đề đầu tư xuyên biên giới và chia sẻ sự phát triển của hoạt động đầu tư thiên thần tại mỗi nước trong khu vực. “Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở” cũng đề cập đến cách thức hợp tác giữa tập đoàn lớn với startup trong việc cùng phát triển sản phẩm. Hai hội thảo về phát triển hệ sinh thái cũng diễn ra thu hút được tất cả thành phần quan trọng để chia sẻ kinh nghiệm và các chính sách mới của nhà nước và các tổ chức hỗ trợ liên quan đến khởi nghiệp.

Với nền tảng là Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Đề án 844), sự kiện Techfest đã được tổ chức thường niên, liên tục trong 5 năm qua và ngày càng đi vào chiều sâu, có những kết quả cụ thể và thu hút được sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Bế mạc Techfest 2019, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định trong giai đoạn tới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục triển khai Đề án 844 và hỗ trợ các địa phương triển khai Đề án một cách hiệu quả và nghiêm túc tiếp thu những chỉ đạo từ Lãnh đạo Chính phủ trong Lễ Khai mạc sự kiện.


Kiến tạo, phát triển và kết nối các nguồn lực là những hoạt động trọng tâm để phát triển một hệ sinh thái bền vững. Do đó, việc thu hút nhân tài, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, hành lang pháp lý thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đẩy mạnh kết nối quốc tế đang được nhiều quốc gia quan tâm, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt. Tính cạnh tranh toàn cầu này được định danh bằng khả năng phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, khả năng thu hút nguồn lực chất xám cũng như tính khả dụng trong môi trường kinh doanh.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng


Đây là năm đầu tiên Techfest quốc gia được tổ chức tại Quảng Ninh – địa phương đang đi đầu về cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Từ năm 2017, cũng như nhiều địa phương trên cả nước, Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tỉnh giai đoạn 2017-2020. Đại diện UBND tỉnh cho biết họ dành tối thiểu 4% tổng chi thường xuyên cho phát triển KHCN, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thực hiện quy hoạch Khu công viên CNTT tập trung tại Tuần Châu (TP Hạ Long) và tổ chức các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật. Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp thực sự được coi là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở đây không nhiều và sự quan tâm của thanh niên cũng như người dân chưa cao như một số trung tâm nguồn lực khác như Hồ Chí Minh, Hà Nội hay Đà Nẵng. Có lẽ, các hoạt động Techfest sẽ góp phần nào khơi nguồn cảm hứng để thúc đẩy những kết nối khởi nghiệp tại nơi đây.

Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật giới thiệu sách khoa học tại Techfest Vietnam 2019

Trong khuôn khổ Techfest quốc gia 2019 diễn ra tại Hạ Long, Quảng Ninh từ ngày 4-6/12/2019, Nhà xuất bản KH&KT (Bộ KH&CN) đã tham gia gian hàng triển lãm và giới thiệu tới độc giả 02 cuốn sách mới.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng tham quan gian hàng của Nhà xuất bản KH&KT tại Techfest Vietnam 2019.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng tham quan gian hàng của Nhà xuất bản KH&KT tại Techfest Vietnam 2019.

Hai cuốn sách này bao gồm “Vươn ra khỏi thung lũng Silicon” của Michael Goldberg, giáo sự trợ lý về thiết kế và Đổi mới sáng tạo tại trường Quản lý Wealtherhead và “Dữ liệu lớn – cuộc cách mạng thay đổi chúng ta và thế giới” của Rob Thomas, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển sản phẩm phụ vụ quản trị thông tin và dữ liệu lớn của IBM Software Group và Patrick McSharry, Nghiên cứu viên cao cấp tại Trường Doanh nghiệp và Môi trường Smith, Giảng viên Viện Tài chính định lượng Oxford Man thuộc Đại học Oxford.

Tin, ảnh: Đăng Minh