Có hiệu lực từ đầu tháng 9 vừa qua, Thông tư số 45/2019/TT-BTC quy định quản lý tài chính thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844) đã chính thức hình thành khung pháp lý cho phép địa phương sử dụng ngân sách nhà nước cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.
Tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động tài chính ở địa phương
Từ trước tới nay, vì chưa có quy định tài chính chính thức, việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 844 phải áp dụng theo hiệp y tài chính được Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ tại Công văn số 5321/BTC-HCSN ngày 24/04/2017. Tuy nhiên, hiệp y tài chính chưa có hướng dẫn cụ thể cho địa phương để thực hiện các hoạt động của Đề án 844, dẫn đến khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 45/2019/TT-BTC về quản lý tài chính thực hiện Đề án 844 đã cho phép cơ chế tài chính hoàn thiện, thông thoáng hơn. Đây là cơ sở pháp lý để chính quyền các địa phương tham khảo, xây dựng kế hoạch triển khai Đề án 844 dựa trên thế mạnh và đặc điểm riêng của địa phương mình, theo đó ngân sách cho phát triển hệ sinh thái có thể chi theo luồng “doanh nghiệp nhỏ và vừa” như hướng dẫn của Bộ KH&ĐT trong Nghị định 39/2018-NĐ-CP về việc thực hiện Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (2017) hoặc một số văn bản pháp luật liên quan khác.
Bên cạnh đó, Thông tư 45 cũng cho phép các tỉnh có cơ chế tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương (điều 5) như Techfest Vùng, với một số hỗ trợ nhất định về giải thưởng cuộc thi, hội thảo chuyên đề, chi tiếp đoàn khách quốc tế, thuê địa điểm, truyền thông,…
Thông tư cũng cho phép Ngân sách địa phương chi hỗ trợ sửa chữa, lắp đặt hạ tầng công nghệ thông tin cho Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo địa phương với mức hỗ trợ tối đa 1 tỷ đồng/dự án.
Tập trung một số mảng ưu tiên
Với Thông tư 45 được ban hành tập trung hỗ trợ theo chiều sâu đối với các nhiệm vụ của Đề án 844, giảm bớt tính “khuyến khích” phát triển theo chiều rộng của hệ sinh thái như thời gian đầu. Theo đó, NSNN chỉ chi cho một số mảng ưu tiên và đòi hỏi các tổ chức trung gian có năng lực mạnh hơn, khuyến khích sử dụng các nguồn xã hội hóa bên cạnh nguồn nhà nước.
Ví dụ với hoạt động đào tạo nâng cao năng lực, nguồn tài chính từ NSNN chỉ tập trung hỗ trợ việc thuê chuyên gia và tiền bản quyền chương trình đào tạo, mức hỗ trợ từ 50-100% tùy tính chất tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Các chi phí tổ chức, hội trường, truyền thông, in ấn, văn phòng phẩm,… sẽ do đơn vị tự đảm nhận, do vậy những tổ chức trung gian có sẵn cơ sở vật chất sẽ có lợi thế thực hiện nhiệm vụ trong khi những tổ chức yếu hơn phải chủ động tìm kiếm thêm các nguồn tài chính khác.
Tương tự, với nhiệm vụ truyền thông khi NSNN chỉ hỗ trợ tối đa 50% kinh phí xây dựng chương trình, so với mức 100% trước kia. Điều này đòi hỏi các đơn vị truyền thông xây dựng chương trình có chất lượng cao, thu hút các đơn vị khác phối hợp cùng triển khai nhiệm vụ của Đề án 844.
Nổi bật trong Thông tư 45 là những quy định về thuê chuyên gia. NSNN cho phép chi trả cho hai loại hình: chuyên gia đào tạo và chuyên gia kết nối, trong đó chi phí cho chuyên gia trong nước giới hạn ở mức 10-15 triệu/người/chương trình nhưng với chuyên gia nước ngoài sẽ không có mức trần mà phụ thuộc hoàn toàn vào thực tế phát sinh, khả năng ngân sách địa phương và năng lực thuyết minh bảo vệ của tổ chức trung gian trước hội đồng xét duyệt về chất lượng chuyên gia, sự cần thiết của họ với sự kiện và những tiêu chí đánh giá kết quả tác động…
Điều này cho phép các chương trình kết nối đầu tư (business matching) có thể thuê những chuyên gia có mạng lưới quan hệ mạnh để huy động nhiều quỹ đầu tư lớn tham gia. Các đòn bẩy trên sẽ giúp kéo yếu tố quốc tế về Việt Nam và góp phần đưa startup Việt Nam cạnh tranh trên thế giới. Các nhà hoạch định chính sách kì vọng “thầy giỏi sẽ tạo nên trò tốt”, rằng khi chất lượng các chuyên gia, khóa đào tạo, hội nghị, hội thảo, buổi kết nối được nâng lên sẽ có càng nhiều startup tiềm năng xuất hiện.
Không thể phủ nhận rằng khi áp dụng Thông tư 45, gánh nặng kinh phí nhà nước sẽ giảm. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ khiến nhiều đơn vị phải cân nhắc xem có thể tham gia được hay không. Điển hình như Trung tâm Ứng dụng và thông tin KHCN, Sở KH&CN Phú Thọ, một tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc gần đây bắt đầu nổi lên năng động trong các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong vùng, cho biết năm 2020, họ đăng kí thực hiện một nhiệm vụ thuộc Đề án 844, nhưng “đối với đơn vị sự nghiệp như chúng tôi thì việc triển khai vô cùng khó khăn khi phải đối ứng 50% kinh phí, do hiện tại trung tâm chưa tự chủ được tài chính, nguồn thu dịch vụ ít ỏi. Bên cạnh đó là một tỉnh đứng ra làm các hoạt động hỗ trợ cho vùng thì cũng không thể xin đối ứng của tỉnh được.”
Nhà nước đầu tư trực tiếp cho startup
Từ kinh nghiệm quốc tế, với đặc thù sáng tạo, đổi mới, có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng song hành với rủi ro cao, startup luôn là đối tượng cần sự hỗ trợ ban đầu của nhà nước trong việc cung cấp vốn mồi và các dịch vụ thiết yếu để vượt qua “thung lũng chết”. Ngược lại, ngân sách các nước như Việt Nam thường bị ràng buộc bởi nguyên tắc “bảo toàn vốn”, nên việc đầu tư trực tiếp cho startup là điều cần phải được cân nhắc.
Mặc dù từ khi thiết kế, Đề án 844 đã có cấu phần hỗ trợ doanh nghiệp trong hệ sinh thái, nhưng do cơ chế tài chính cũ nên phần lớn đối tượng được tài trợ trực tiếp là các tổ chức trung gian mà không phải startup. Thông tư 45 đã bắt đầu có những khoản tiền cho phép chảy trực tiếp xuống doanh nghiệp khởi nghiệp, bao gồm (1) hỗ trợ tối đa 50% chi phí tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn ở nước ngoài (2) hỗ trợ trả tiền công lao động trực tiếp, tối đa không quá một năm và (3) hỗ trợ tối đa 50% kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ.
Trước nhu cầu mới đặt ra này, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan đang gấp rút xây dựng bộ tiêu chí để chọn ra những doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng có khả năng nhận hỗ trợ. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho việc nhà nước dần thay đổi cơ chế để chấp nhận các khoản chi tiêu rủi ro. Tiến trình thay đổi hệ thống chính sách về khởi nghiệp này đặt ra hi vọng Việt Nam có thể hình thành được các Quỹ đầu tư, Quỹ mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để huy động vốn cho startup như các nước Singapore, Hàn Quốc, Mỹ, Phần Lan đang thực hiện.
Ngoài ra, các startup vẫn được nhà nước hỗ trợ gián tiếp thông qua việc Hỗ trợ kinh phí sử dụng dịch vụ của các tổ chức hỗ trợ trung gian (gồm: dịch vụ đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp; marketing, quảng bá sản phẩm, dịch vụ; khai thác, thông tin công nghệ, sáng chế; thanh toán, tài chính; đánh giá, định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ; tư vấn pháp lý, sở hữu trí tuệ, đầu tư, thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ) với giá trị không quá 80 triệu đồng/doanh nghiệp.