Trong bối cảnh hầu hết các cuộc thi về khởi nghiệp ở Việt Nam như VietChallenge, Vietnam Startup Wheel,... đều do các cơ quan nhà nước khởi xướng, cuộc thi Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm® Việt Nam của Qualcomm đã đem đến một “luồng gió mới” và cả những câu hỏi mới cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.
Trong những ngày cuối năm 2019, Qualcomm Việt Nam – đại diện công ty bán dẫn chuyên thiết kế, tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ viễn thông không dây ở Mỹ và là một trong những đơn vị hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất chip cho điện thoại thông minh, đã thông báo: bắt đầu vào năm 2020 mở Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm® Việt Nam (Qualcomm® Vietnam Innovation Challenge), một cuộc thi dành cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam chuyên phát triển sản phẩm trong các lĩnh vực 5G, IoT, học máy, đô thị thông minh, truyền thông đa phương tiện, các thiết bị đeo sử dụng nền tảng di động và công nghệ của Qualcomm Technologies. Cũng giống như phần lớn những cuộc thi khác dành cho các công ty khởi nghiệp, Qualcomm sẽ có những hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, phát triển mô hình kinh doanh, ươm mầm... đồng thời hướng dẫn đăng ký sáng chế để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho những sản phẩm làm ra.
Tại sao Qualcomm, một trong vô vàn công ty thương mại công nghệ chỉ quan tâm đến lợi nhuận lại đầu tư cho khởi nghiệp? Phải chăng khởi nghiệp Việt Nam là một sân chơi đầy hứa hẹn và dự báo có thể tạo ra nhiều sản phẩm để Qualcomm “đón lõng” hoặc “mua đứt” các ý tưởng mới? Dường như Qualcomm đã lường trước được những câu hỏi đó. “Có thể nhiều người sẽ nghi ngờ rằng tại sao lại hỗ trợ phi lợi nhuận như vậy, nhưng chúng tôi quan niệm rằng sự thành công của các công ty khởi nghiệp cũng chính là sự thành công của Qualcomm”, bà An Chen, giám đốc kỹ thuật cấp cao của Qualcomm, cho biết. Một trong những thông tin mà Qualcomm thông báo một cách rộng rãi tại buổi ra mắt cuộc thi là sẽ không yêu cầu nhận bất cứ cổ phần hay quyền sở hữu nào liên quan đến những sản phẩm hoặc ý tưởng sáng tạo của các nhà khởi nghiệp Việt Nam.
Chiến lược win - win
Trên thực tế, câu chuyện đầu tư cho khởi nghiệp của Qualcomm không phải là điều mới với các công ty công nghệ lớn cũng như với chính bản thân Qualcomm. “Chúng tôi đã có bề dày lịch sử ươm tạo startup, cụ thể từ 2016 đến nay, chúng tôi đã ươm tạo được hơn 64 công ty khởi nghiệp ở nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Đài Loan,... Trong số đó có 7 công ty thuộc danh sách 100 startup hàng đầu thế giới”, bà An Chen, Giám đốc kỹ thuật cấp cao của Qualcomm cho biết.
Là một người từng có nhiều năm học tập và nghiên cứu tại Nhật Bản, một quốc gia công nghệ với nhiều tập đoàn “cá mập” công nghệ, TS. Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Khoa học dữ liệu và Ứng dụng, Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) tỏ ra bình thản về thông tin cuộc thi khởi nghiệp của Qualcomm. “Ở những quốc gia có nền công nghệ phát triển như Nhật Bản, các công ty lớn thường hỗ trợ các công ty nhỏ ‘sống sót’, nếu công ty nào đủ khả năng tồn tại và phát triển được trong thị trường cạnh tranh sẽ trở thành đối tác của họ. Khi ở Nhật Bản, tôi từng tham gia một phát triển một nền tảng sản xuất phần mềm di động cho một công ty nhỏ. Lúc đó, dù sản phẩm của chúng tôi vẫn còn chưa hoàn thiện nhưng rất nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông như Docomo, NTT Data,... đã đến hỏi mua. Dù mua cũng chỉ ‘để đấy’ nhưng họ vẫn làm bởi họ tin rằng, đây là cách để các công ty nhỏ có thể tồn tại và phát triển được”.
Tuy nhiên, trong mối quan hệ này thì các công ty lớn không bao giờ chịu “lỗ” bởi đây là một chiến lược đầu tư lâu dài còn mang lại lợi ích cho chính họ. Việc đầu tư cho các công ty nhỏ tuy không đem lại lợi nhuận trực tiếp song sẽ giúp họ có được những “giá trị vô hình” như mạng lưới đối tác, vị thế, uy tín,... “Đây là cách những công ty lớn thường làm để xây dựng mạng lưới đối tác, tạo nền tảng trước khi tham gia vào một thị trường”, TS. Nguyễn Việt Anh nhận xét.
Với trường hợp của Qualcomm, chúng ta có thể thấy dù là một công ty rất mạnh trên thị trường thế giới nhưng tại Việt Nam, tên tuổi của họ dường như khuất lấp đằng sau những Samsung, Apple, thậm chí Oppo. Việc tạo dựng một cuộc thi không chỉ đơn thuần để tên tuổi Qualcomm xuất hiện trên mặt báo Việt Nam mà sâu xa hơn, là nhắm đến một thị trường đang không ngừng phát triển với 64% dân số sử dụng điện thoại thông minh, gần 70% dân số Việt Nam đang sử dụng internet, tăng gần 30% so với năm 2017 theo thống kê của công ty công nghệ thông tin Vnetwork năm 2019.
Đa dạng hệ sinh thái khởi nghiệp
Nhìn xa hơn, sự hỗ trợ của các tập đoàn lớn cho các công ty nhỏ là một tín hiệu tích cực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong một bài viết về phát triển thị trường khởi nghiệp trên báo Đầu tư vào năm 2018, Ths. Vũ Tuấn Anh, chuyên gia đào tạo tư vấn khởi nghiệp khẳng định, sự đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp, tập đoàn lớn là một thành tố quan trọng trong hệ thống khởi nghiệp quốc gia: “Tại các quốc gia mạnh về khởi nghiệp như Mỹ, Úc, Singapore,… cộng đồng này là động lực chính thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển và thành công”.
Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, hiện nay ngày càng nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam đưa ra các hình thức hỗ trợ tương tự. Mới đây, tập đoàn Phenikaa, một trong những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam về sản xuất vật liệu sinh thái và sản phẩm công nghệ cao đã ra mắt Quỹ đổi mới sáng tạo Phenikaa với quy mô ban đầu 1000 tỷ đồng. Theo công bố, quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sẽ tài trợ không hoàn lại cho các nhà khoa học và các startup có những đổi mới sáng tạo về công nghệ. Cuối năm ngoái, Vingroup cũng công bố Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Nghiên cứu, Quỹ đầu tư mạo hiểm, trong đó có dành một khoản hỗ trợ miễn phí cho các startup về cơ sở vật chất, mô hình kinh doanh,... trong vòng ba năm phát triển đầu tiên.
Rõ ràng, sự xuất hiện của một cuộc thi dành cho các nhà khởi nghiệp là một tín hiệu cho thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam bắt đầu đa dạng hóa thành phần, không chỉ có những cơ quan chính phủ, các vườn ươm công nghệ quốc gia và tư nhân mà còn có sự tham gia của các tập đoàn tư nhân, trong nước cũng như quốc tế. Trước những kỳ vọng về sự đầu tư của những tập đoàn lớn dành cho các công ty nhỏ, chị Nguyễn Đặng Tuấn Minh, người sáng lập tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp Kisstartup, cho rằng việc đưa ra các nhận định lúc này còn quá sớm. “Còn rất nhiều câu hỏi đặt ra lúc này, cần đợi đến khi có thể lệ chính thức hoặc có những kết quả hỗ trợ cụ thể”, chị nói.
Qualcomm nổi tiếng với nhiều bằng độc quyền sáng chế liên quan đến các công nghệ nền tảng trong các lĩnh vực 5G, IoT, học máy,... phần lớn doanh thu của hãng đến từ chi phí cấp phép bằng sáng chế, thậm chí Apple đã từng khởi kiện chống lại sự độc quyền của Qualcomm nhưng thất bại. Bởi vậy, dù Qualcomm không yêu cầu sở hữu bất cứ tài sản trí tuệ nào liên quan đến ý tưởng sáng tạo của các công ty tham gia cuộc thi, các công ty này vẫn khó tránh khỏi việc sử dụng những công nghệ nền tảng của Qualcomm trong quá trình phát triển sản phẩm.
Ông Jim Cathey, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Qualcomm kiêm Chủ tịch phụ trách hoạt động kinh doanh toàn cầu, Công ty Qualcomm Technologies, cũng cho biết: Thử thách Đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam là một chương trình mới và thú vị được tạo nên dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa chúng tôi với ngành công nghệ di động đang phát triển của Việt Nam trong nhiều năm qua. |