Theo mô phỏng của Trung tâm nghiên cứu Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu, ĐH Quốc gia TPHCM, nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại TP HCM trong nhiều ngày từ 18/9 – 22/9/2019 là do các vụ cháy rừng từ Indonesia.
Hơn 1 tuần nay, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của nhiều tỉnh phía Nam ở mức màu cam đến đỏ, là mức cảnh báo có hại cho sức khỏe con người. Trong các thành phần ô nhiễm thì bụi PM2.5 trên mức 100 µg/m³, cao hơn gấp 4 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và gần 10 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trên thực tế, một số nơi ở TP.HCM đã xuất hiện các lớp sương mù dày đặc cả ngày. Không ít người dân bày tỏ sự lo ngại và phản ánh tình trạng bụi, đau mắt, khó thở.
Các nhà nghiên cứu nhận định tình trạng này có khả năng do các đám cháy tại đảo Sumatra và đảo Borneo (Indonesia) làm bụi không khí tăng cao đột biến và theo gió bay sang Việt Nam.
PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM, đã chạy mô hình mô phỏng (ngày 22/9) để truy tìm nguồn gốc ô nhiễm không khí tại TP. HCM theo 2 chiều, và đưa ra kết luận khẳng định giả thiết trên.
Theo kết quả mô phỏng đường đi của ô nhiễm không khí từ cháy rừng bên Indonesia sang các nước khác (Hình 2), những vùng bị còn bị ảnh hưởng là biển Ấn Độ Dương, Malaysia, Nam Thái Lan và Việt Nam (vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ).
Ngược lại, Mô hình truy ngược ô nhiễm không khí tại TP. HCM và Phía Nam Việt Nam để tìm nguồn phát thải (Hình3), cho thấy không khí TP.HCM tại thời điểm đó bị ảnh hưởng từ các vùng Hồng Kông, Malaysia, Nam Thái Lan, đảo Sumatra và đảo Borneo (Indonesia).
Như vậy, có thể khẳng định cháy rừng từ Indonesia phát tán chất ô nhiễm sang Việt Nam.
Mặc dù nguyên nhân gây ô nhiễm không khí mặt đất ở TP. Hồ Chí Minh có thể từ nhiều nguồn như phát thải giao thông, phát thải công nghiệp, sinh hoạt của người dân, sương mù và nghịch nhiệt làm cho các khí ô nhiễm nằm lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được, hoặc do thảm họa như các vụ cháy rừng.
Tuy nhiên, TS. Hồ Quốc Bằng cho rằng thậm chí những ngày cuối tuần Thứ Bảy, Chủ nhật trước đây, dù có xuất hiện sương mù thì chất lượng không khí cũng không ô nhiễm nặng đến vậy, nên nguyên nhân gây ô nhiễm phải là một nguồn bất thường.
Anh cũng cho rằng, “Chúng ta có quyền hít không khí trong lành và các quốc gia đều phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc giữ gìn chất lượng bầu không khí chung”.
Hàng năm, hết mùa thu hoạch, các đồn điền cọ và giấy ở Indonesia được phơi khô, đốt để chuẩn bị cho vụ mùa năm sau và phát quang rừng. Những lớp than bùn khô và giàu carbon có thể cháy trong nhiều tuần. Gần như toàn bộ các vụ cháy rừng ở Indonesia xảy ra do yếu tố con người.
Theo CNN, thứ 5 tuần trước (19/9) nước láng giềng Malaysia – quốc gia thường xuyên phải chịu ảnh hưởng không khí từ Indonesia – đã khẩn cấp tuyên bố
phân phát 2 triệu khẩu trang cho học sinh ở những khu vực bị ảnh hưởng. Trong vài ngày nay, Malaysia và Indonesia đã đóng cửa gần 5.000 trường học để đảm bảo an toàn cho học sinh và chính phủ đã có thông báo chính thức về việc này.
Tại Việt Nam, một số nhà môi trường trong nước khuyến cáo người dân cần tự bảo vệ sức khỏe của mình, như không nên tập trung, thể dục ngoài trời; nếu cần ra đường thì phải đeo khẩu trang chuyên dụng chống ô nhiễm không khí; nếu có điều kiện nên lắp các máy lọc khí trong nhà và chú ý theo dõi diễn biến không khí qua các website/thiết bị cung cấp dữ liệu về AQI.
Đây cũng là thời điểm nhiều khu vực của Việt Nam đốt rơm rạ để phát quang ruộng đồng.