Nếu xem dữ liệu từ Bản đồ thông tin hỏa hoạn để quản lý nguồn tài nguyên (FIRMS) do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) xây dựng dựa trên dữ liệu vệ tinh, ta sẽ thấy một loạt điểm cháy đỏ rực trải dài qua các nước Angola, Zambia và Cộng hòa Dân chủ Congo.
Khu vực đáng báo động này đã khiến một số người thắc mắc tại sao rất nhiều sự chú ý hướng tới cháy rừng ở Amazon, trong khi nhìn bề mặt thì có vẻ như châu Phi còn cháy sáng hơn.
Ngay cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (người vừa đứng ra gánh trách nhiệm cứu trợ quốc tế cho vụ cháy rừng ở Amazon và đưa ra cam kết viện trợ tiền cho Brazil) trước áp lực của cộng đồng cũng cho biết trên Twitter rằng ông sẽ "xem xét khả năng xây dựng một sáng kiến tương tự" cho khu vực châu Phi hạ Sahara.
Tuy nhiên có một số điều cần xem xét trước khi vội vã so sánh hai tình huống trên.
Nhiều đám cháy hơn không có nghĩa là thảm khốc hơn
Dữ liệu từ vệ tinh như FIRMS không đưa ra nguyên nhân hoặc loại đám cháy. Điều này có nghĩa những đám cháy có kiểm soát hay những vệt lửa đều nhìn giống như cháy rừng.
Các phóng viên tại văn phòng CNN ở Lagos (Nigeria) đã được thông báo rằng nhiều vụ hỏa hoạn ở miền trung châu Phi quanh Angola và Congo là kết quả của các đám cháy có kiểm soát do nông dân tạo ra, và dữ liệu sơ bộ cho thấy số lượng hoặc diện tích của các đám cháy này có thể thấp hơn mức bình thường một chút.
Thoạt nhìn, hình ảnh được NASA công bố về các đám cháy ở Angola và Tây Phi dường như rất đáng báo động: Hàng ngàn chấm đỏ trải dài khắp lục địa giống như một dấu hiệu báo động khẩn cấp. Tuy nhiên, NASA đã đưa kết luận rằng "Vị trí, tính chất phổ biến và số vụ cháy cho thấy những đám cháy này được cố tình thiết lập để quản lý đất đai". Những đám cháy kiểu này thực sự có tác dụng làm cho đất màu mỡ và dọn sạch nền để trồng vụ mùa mới. Nhưng báo cáo của NASA cũng chỉ ra điều này hoàn toàn không phải không có rủi ro: "Trong khi đốt lửa giúp tăng cường cho cây trồng mùa vụ và đồng cỏ, những đám cháy cũng tạo ra khói làm suy giảm chất lượng không khí".
Các chuyên gia về hỏa hoạn cảnh báo không nên đánh đồng tình huống ở châu Phi với Nam Mỹ. Lauren Williams, một chuyên gia về rừng của Global Forest Watch có trụ sở tại Kinshasa, thủ đô của Cộng hòa Dân chủ Congo, cho biết cháy ở Brazil và Bolivia diễn ra trên những khu rừng mưa nhiệt đới quan trọng, còn ở Trung Phi các đám cháy chỉ thiêu rụi vùng đất hoang và bụi rậm, chủ yếu ở rìa rừng nhiệt đới.
Trên bản đồ của NASA, ở Trung Phi, mỗi dấu chấm đại diện cho một đám cháy riêng biệt trong một khu vực địa lý rộng lớn - không phải là một đám cháy tổng thể lớn. Lauren Williams, thuộc tổ chức Global Forest Watch, cũng cảnh báo rằng công nghệ vệ tinh không phải lúc nào cũng hoàn hảo và đôi khi vệ tinh xác định “đám cháy” không có thực ở đó.
Ở Trung Phi cũng như nhiều nơi trên thế giới, thời điểm này trong năm là điển hình của các đám cháy. Một số đám cháy được phát sinh tự nhiên trong mùa khô, số khác do nông dân chủ ý làm để giải phóng mặt bằng và cải thiện năng suất cây trồng.
Từ nhiều thế hệ nay, các đám cháy do nông dân gây ra không phải là mối quan tâm chính. Nhưng thực trạng nhiệt độ tăng, lượng mưa giảm và các hoạt động công nghiệp như khai thác gỗ đã khiến các khu rừng ngày càng dễ bị tổn thương trước những sự việc mất kiểm soát. Một số chuyên gia vẫn lo ngại khả năng Trung Phi bị kết cục tương tự như Nam Mỹ và cảnh báo rằng các chính phủ Trung Phi có thể không đủ sẵn sàng nếu xảy ra tình huống cháy bùng như Amazon.
Irène Wabiwa Betoko, người quản lý rừng làm việc cùng Greenpeace có trụ sở tại Kinshasa, Cộng hòa dân chủ Congo, nhận thấy chính quyền khu vực ở đây ít được trang bị cả về kĩ thuật và tài chính hơn chính quyền Nam Mĩ. “Nếu cháy rừng nhiệt đới ở lưu vực Congo thì hậu quả sẽ còn tồi tệ hơn ở Nam Mỹ”, Betoko trao đổi trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với phóng viên The New York Times. “Chúng tôi đang kêu gọi các chính phủ đừng im lặng. Họ phải bắt đầu hành động ngay để đảm bảo những đám cháy này không vượt khỏi tầm kiểm soát.”
Dữ liệu được phân tích bởi Global Forest Watch cho thấy, hiện Angola đứng đầu về số lượng cảnh báo cháy theo tỉnh, trong khi Brazil đứng thứ hai, Zambia đứng thứ ba và Cộng hòa dân chủ Congo ở vị trí thứ tư.
Tình hình ở Amazon lại khác
Các chuyên gia cho rằng nạn phá rừng và việc chặt đốt cây là nguyên nhân gây ra ngọn lửa ở Amazon. Người ta chặt phá các mảng rừng rồi đốt, nhằm nhường chỗ cho nông nghiệp hoặc các loại hình phát triển khác. Trường hợp này là một kiểu phá hủy mang tính chất khác hoàn toàn.
“Những vụ hỏa hoạn diễn ra có chủ ý nhằm mục đích xóa bỏ rừng, phá rừng để làm đất nông nghiệp, cho người dân ăn thịt”, Cathelijne Stoof, điều phối viên của Trung tâm cứu hỏa tại Đại học Wageningen (WUR) Hà Lan nói. Những vệt lửa mất kiểm soát đã có thể nhanh chóng lan vào các vùng nhạy cảm, bao gồm cả khu bảo tồn.
Mặc dù mọi người luôn quan tâm tới các vụ hỏa hoạn gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc môi trường, lý do lớn hơn khiến đám cháy ở Amazon nhận được sự chú ý đặc biệt rộng rãi bởi nơi đây là nhà của 10% động thực vật trên trái đất. Uớc tính cho thấy gần 20 % oxy được tạo ra từ mặt đất đến từ những khu rừng mưa ở đây. Không lạ gì khi Amazon được coi là "lá phổi của thế giới".
Nếu Amazon bị chết, cây và thực vật diệt vong sẽ giải phóng hàng tỷ tấn carbon đã được lưu trữ trong nhiều thập kỉ – khiến chúng ta gần như không thể tránh khỏi một thảm họa khí hậu toàn cầu. Tất nhiên, những người gần đám cháy nhất sẽ chịu tác động ngay lập tức.
Vào ngày 24/8, sau nhiều tuần chịu áp lực quốc tế và nội bộ, Tổng thống Brazil Bolsonaro đã triển khai quân đội để giúp chống lại các đám cháy, gửi 44.000 binh sĩ đến sáu bang và máy bay hỗ trợ dập lửa.
Ông Barroso, chủ tịch ủy ban quản lý cháy rừng quốc gia ở Brazil cho biết đây là cuộc chiến “phức tạp và có rất nhiều thử thách”. Hơn 10.400 lính cứu hỏa đang phải kéo mỏng để hoạt động trên 5,5 triệu km2 tại Amazon. Các “điểm nóng” bùng phát ở những nơi họ không thể có mặt hết.
Cần nhiều thiết bị và cơ sở hạ tầng hơn để chống lại ngọn lửa ở Amazon. Có 778 khu tự quản trên khắp Amazon, nhưng theo ông Barroso, chỉ có 110 trong số đó có sở cứu hỏa. "Nói chung, chúng tôi không có một cơ cấu thích hợp để ngăn chặn, kiểm soát và chống lại các vụ cháy”.
Ông Barroso muốn thiết lập một hệ thống phòng chống cháy rừng ở Amazon, tập hợp các thực thể chính phủ, người bản địa, cộng đồng địa phương, quân đội, các công ty lớn, tổ chức phi chính phủ NGOs, và các trung tâm giáo dục - nghiên cứu. “Chúng ta cần tích hợp tất cả mọi người”, ông nói thêm, “Chúng ta cần tiền để làm được như vậy, cần phải có những khoản đầu tư khổng lồ”.
Sau khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra đề xuất kêu gọi các nước G7 cam kết sẽ chi 20 triệu Euro (khoảng 22 triệu USD) để điều máy bay chữa cháy và trồng lại những cánh rừng đã mất ở Amazon, Tổng thống Brazil Bolsonaro từ chối nhận khoản trợ giúp này (tính đến ngày 28/8) vì cho rằng động thái trên coi quốc gia Nam Mỹ như thể “một thuộc địa hay đất không người".
Chính phủ Brazil sau đó đã đưa ra thông báo hoan nghênh tất cả các đề nghị hỗ trợ tài chính quốc tế, song một khi tiền đã vào Brazil, việc sử dụng như thế nào phải do nước này tự quyết định. Ngày 28/8, Brazil đã chấp nhận 10 triệu bảng (khoảng 12,2 triệu USD) từ Anh để chống giặc lửa.
Các chuyên gia đồng ý rằng điều quan trọng là phải nhìn về phía trước để ngăn chặn các đám cháy khác. Xét cho cùng, tháng 8 chỉ là khởi đầu của mùa đốt lửa ở Brazil khi các hoạt động chặt và đốt cây được đẩy lên cao, trùng đỉnh với mùa thời tiết khô.
Kỹ thuật chữa cháy tốt nhất cho Amazon vẫn là ngăn chặn ngay từ đầu, bằng cách kiểm soát nạn phá rừng và quản lý các hoạt động nông nghiệp. Cathelijne Stagger (WUR) nói thêm, “Tất nhiên hiện giờ chiến đấu với đám cháy là quan trọng. Về lâu về dài, điều quan trọng hơn là phải tập trung vào nạn phá rừng”.
Rừng như ở Amazon hay lưu vực Congo là những lá phổi hấp thụ hàng tỷ tấn CO2 mỗi năm và là một trong những chìa khóa của thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nếu những khu rừng này bị tàn phá đến mức nghiêm trọng, con người sẽ phải thực sự lo ngại nó ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu toàn cầu và đời sống của tất cả mọi người trên hành tinh.