Những chính sách môi trường nói chung và quản lý ô nhiễm không khí (ONKK) ở Việt Nam nói riêng chỉ có thể khả thi nếu dữ liệu đầu vào của chính sách bắt nguồn từ các nghiên cứu khoa học về ô nhiễm, cùng với sự hợp tác giữa các nhà quản lý với các nhà nghiên cứu.
Đó là ý kiến của TS. Lý Bích Thủy, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (INEST), trường ĐH Bách khoa Hà Nội, một nhà nghiên cứu trẻ, năng động trong lĩnh vực ô nhiễm không khí (ONKK) trong cuộc trao đổi với báo Khoa học & Phát triển.
Xin chị cho biết chúng ta đã có những nghiên cứu gì giúp ích cho việc hiểu và xây dựng các chính sách chống ô nhiễm không khí?
Việt Nam đã có một số nghiên cứu về hiện trạng nồng độ các chất ô nhiễm, kiểm kê nguồn thải ở một số địa phương, ngành, xây dựng hệ số phát thải của nguồn thải, tính toán đự đoán nguồn thải bằng phương pháp mô hình tiếp nhận, tính toán dự đoán đồng độ chất ô nhiễm bằng phương pháp mô hình, đánh giá ảnh hưởng sức khỏe, đánh giá ảnh hưởng kinh tế …
Từ khi về ĐH Bách khoa, gần 10 năm trước, tôi đã nhận được sự chỉ dẫn giúp đỡ và kế thừa hiểu biết của nhiều nhà nghiên cứu ONKK thế hệ đầu, cả bên trong và bên ngoài trường. Nếu nói đến cá nhân, hai giáo sư có thành quả nổi bật có dấu ấn lớn về công bố khoa học thì có thể kể đến GS.Phạm Duy Hiển (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt) với công trình bài bản từ những năm 2000 về bụi và thành phần bụi, được trích dẫn nhiều và có tính đặt nền tảng cho nhiều nghiên cứu sau ở Việt Nam; GS Nguyễn Thị Kim Oanh (Giảng viên cao cấp Học viện Công nghệ châu Á) (AIT) với rất nhiều công trình đã công bố cả về mảng quan trắc và mô hình, đồng thời được xem là người có đủ kinh nghiệm cùng sự thừa nhận quốc tế để tham gia bao quát tất cả công đoạn về xây dựng chính sách.
Một số nhóm nghiên cứu có truyền thống nghiên cứu lâu năm và nhiều thành quả công bố về ONKK có thể kể đến như nhóm của trường ĐH Khoa học Tự nhiên-ĐHQGHN về quan trắc và mô hình hóa môi trường; nhóm của trường ĐH Bách khoa Hà Nội về quan trắc chất lượng không khí, nguồn thải, xây dựng hệ số phát thải v.v; nhóm của trường ĐH Xây dựng; nhóm của trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM về quan trắc chất lượng không khí; nhóm của Viện Môi trường và Tài nguyên TP.HCM về mô hình dự báo và đánh giá tác động của ONKK, biến đổi khí hậu. Gần đây cũng có nhiều nhóm mới hoạt động rất tích cực như nhóm của trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN về mô hình hóa chất lượng không khí dựa trên dữ liệu vệ tinh, quản trị dữ liệu. Ngoài ra còn có một số viện, trường khác có nghiên cứu về vấn đề này.
Mặc dù vậy, các công trình vẫn chưa thể đủ về số lượng và thiếu khả năng liên kết để phục vụ hiệu quả nhất cho quá trình xây dựng chính sách.Chúng ta không có quá nhiều nhóm nghiên cứu về không khí ở Việt Nam, đặc biệt khi so sánh với các quốc gia xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc. Số lượng chuyên gia ONKK người Việt có khoảng vài chục người, bao gồm cả những người thiết kế chính sách, quản lý nhà nước, nghiên cứu viên tại các viện, trường, bộ ngành và tổ chức phi chính phủ liên quan.
ONKK đang là một vấn đề quốc tế, không chỉ ảnh hưởng đến một quốc gia, nên nó cũng mở ra cơ hội hợp tác quốc tế về nghiên cứu ONKK và thu hút tài chính từ các quỹ quốc tế đổ vào. Các nguồn tài trợ đa dạng đã giúp cải thiện tình hình nghiên cứu trong nước khá nhiều. Tuy nhiên, việc có tiền và có tiền để làm nghiên cứu đúng chỗ là hai thứ không đồng nhất, bởi một số dự án nghiên cứu nhận tài trợ nước ngoài có thể có đề tài đặt hàng trước nên chưa chắc sẽ đáp ứng hiệu quả nhu cầu trong nước.
Nghiên cứu không khí ô nhiễm có những khó khăn đặc thù nào so với các loại hình ô nhiễm khác?
Nhìn chung, việc nghiên cứu về không khí chưa được quan tâm nhiều như những dạng ô nhiễm dễ nhìn thấy, sờ nắm được và có các ảnh hưởng nhanh chóng khác như ô nhiễm nước hay đất. Trước đây, ô nhiễm nước từ các nhà máy, khu dân cư đổ ra sông biển là vấn đề cực kì được coi trọng, trong khi ONKK chưa phải là vấn đề quá nóng hổi, nên việc xin đề tài nghiên cứu về nước bao giờ cũng thuận lợi hơn. Ngay cả hiện nay, khi người dân đang dấy lên lo ngại về ô nhiễm bụi ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh thì vẫn có nhiều người nhìn vào đấy và nghĩ “Bụi thì còn gì để nói, ai cũng biết rồi” hoặc “Đã có nghiên cứu tổng quát về nó, không cần đi theo hướng đó nữa”. Nhưng nếu tìm hiểu sâu ra, sẽ thấy bụi có rất nhiều kích thước, thành phần và rất nhiều vấn đề liên quan.
Thử so sánh tương quan một thí nghiệm hấp thụ xem loại vật liệu nào có khả năng xử lý ô nhiễm tốt nhất, thì nghiên cứu về nước có thể cho vật liệu vào cốc nghiệm, khuấy lắc, và đo. Trong khi không khí - với đặc tính phân tán, chịu nhiều ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, hơi nước, sẽ đòi hỏi một hệ thống thí nghiệm chuyên dụng và thiết bị đo phù hợp thường không phổ biến bằng thiết bị đo các thông số trong nước.Do đó, từ việc thiết lập thí nghiệm đến đo đạc đều không hề dễ dàng.
Khi các thiết bị đo giá rẻ chưa phổ biến như bây giờ, muốn tìm thiết bị đo có độ chính xác tương đối để làm thí nghiệm là điều không đơn giản. Viện INEST nơi tôi làm việc có thuận lợi lớn so với nhiều cơ sở nghiên cứu khác là đã có sẵn các thiết bị đo tạm gọi “chuẩn”và được cấp giấy chứng nhận theo Nghị định 127/2014/NĐ-CP.
Đối với các nghiên cứu sử dụng mô hình, việc thiếu thông tin về lượng phát thải (kiểm kê) dẫn đến các khó khăn trong việc chạy và sẽ đưa ra những đề xuất bị hạn chế.Thêm vào đó, những mô hình về dự đoán hoặc đánh giá tác động không chỉ cần dữ liệu không khí mà còn cả dữ liệu kinh tế, xã hội, dân sinh…Ở Việt Nam, câu chuyện thiếu số liệu để nghiên cứu không phải là chỉ là vấn đề riêng của ngành môi trường mà là câu chuyện chung cần các bên nỗ lực tìm cách tháo gỡ.
Nhưng rõ ràng là mối quan tâm, sức ép của dư luận xã hội về vấn đề này đang ngày càng tăng lên?
Đúng vậy, việc cộng đồng quan tâm hơn đến vấn đề ô nhiễm không khí rất tốt, giúp cho người dân có thể bảo vệ tốt hơn cho sức khỏe gia đình mình, một số người có thể đóng góp cho việc cải thiện chất lượng không khí. Ngoài ra đó cũng là sức ép cần thiết khiến nhiều chính phủ phải nhìn nhận tầm quan trọng của vấn đề này và thúc đẩy nghiên cứu ô nhiễm không khí. Nhìn sang các nước xung quanh sẽ thấy những diễn biến khá thú vị.
Ví dụ ở Hàn Quốc, tôi cho rằng không hẳn vì vấn đề ô nhiễm bụi đang nghiêm trọng lên trong những năm gần đây, mà do người dân của họ cảm nhận về vấn đề tốt hơn, khiến chính phủ quyết tâm cải thiện chất lượng không khí mạnh hơn, do đó đã đổ hàng triệu đô la vào việc nghiên cứu để nắm rõ nguyên nhân, cách thức hoạt động của bụi và tăng cường khả năng dự báo ô nhiễm. Thái Lan cũng đã có truyền thống nghiên cứu về ô nhiễm không khí bài bản. So với Việt Nam thì họ có bộ số liệu kiểm kê rất đầy đủ, hệ thống quan trắc không khí cũng hoạt động rất hiệu quả. Trung Quốc thậm chí có những bài báo trên tạp chí Nature chỉ để giới thiệu về cách thức họ đã nghiên cứu làm cơ sở xây dựng chính sách cải thiện không khí.
Tại Hà Nội, có thể nói rằng không có dấu hiệu cho thấy ONKK tăng lên như nhiều nhận định, nhưng tại sao mọi người lại coi trọng vấn đề hơn trước kia? Điều đó có công của các bảng xếp hạng và do các nước xung quanh cũng có sự cải thiện đáng kể. Khi nhận thức của mọi người tăng lên, họ sẽ có nhu cầu biết rõ hơn, sâu hơn và cần đến thông tin từ các nghiên cứu. Đồng thời, các nhà quản lý cũng càng nhận ra tầm quan trọng của các nghiên cứu để hỗ trợ cho các việc lập kế hoạch và ra quyết định. Đó là cơ hội để các nhà khoa học đóng góp.
Lấp đầy chỗ trống trong nghiên cứu ô nhiễm không khí Việt Nam đã có những chính sách về không khí từ khá lâu, như các quy chuẩn quốc gia về khí thải, Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025,… Tuy nhiên, một điểm khác biệt là hiện nay các kế hoạch của chúng ta thường không có định lượng khả thi. Ví dụ như nếu Hà Nội muốn trong vòng 5 năm nữa giảm nồng độ bụi ô nhiễm xuống còn ½ mức hiện tại thì cần có các nghiên cứu cụ thể, chi tiết để biết số lượng nguồn thải, lượng phát thải của từng nguồn, có thể cắt giảm bao nhiêu, bằng giải pháp nào, hiệu quả của mỗi giải pháp, chi phí cần bỏ ra và tác động thu lại.
Ngay cả khi có được con số và giải pháp khả thi từ phía các nhà khoa học, sẽ vẫn còn câu chuyện trao đổi thông tin giữa giới khoa học và chính quyển, cồng đồng để cùng phối hợp xây dựng kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí, thống nhất trong mục tiêu cũng như nguồn kinh phí cam kết. Ví dụ như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh muốn triển khai việc thu phí phương tiện cá nhân vào trung tâm thành phố liệu có nhận được sự đồng tình của người dân? Hay nếu phải bỏ ra một khoản ngân sách lớn để loại bỏ một số nguồn ô nhiễm lớn thì chính phủ/địa phương có thể đáp ứng không?
Gần đây, World Bank cũng giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường phát triển Hướng dẫn lập kế hoạch chi tiết quản lý chất lượng không khí, nhưng khi bắt tay làm, cả hai bên nhận thấy trong giai đoạn này Việt Nam chưa thể đặt ra kế hoạch quản lý với các mục tiêu định lượng do không đủ thông tin nền. Trong khi đó, theo quy định mới, sắp tới các địa phương có thể phải tự xây dựng các kế hoạch quản lý chất lượng không khí của riêng mình. Do đó, nếu không nhanh chóng lấp đầy các chỗ trống về nghiên cứu ONKK thì các kế hoạch hành động sẽ bị đẩy lùi thêm vài năm nữa và khó có hiệu quả.
TS. Lý Bích Thuỷ |
Cảm ơn chị!