So với người lớn, trẻ em nhiễm COVID-19 ít có khả năng tạo ra kháng thể và miễn dịch thích ứng hơn, dù có các triệu chứng và mức độ virus khi nhiễm bệnh tương đương, theo nghiên cứu mới.

Nghiên cứu mới công bố trên JAMA Network Open vào ngày 9/3 phân tích 57 trẻ em ở độ tuổi trung bình là 4, và 51 người lớn ở độ tuổi trung bình là 37. Tất cả đều có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trong khoảng thời gian từ ngày 10/5 đến ngày 28/10/2020. Những người tham gia có các triệu chứng nhẹ, chẳng hạn như nhức đầu và sốt, hoặc không có triệu chứng. Nghiên cứu do nhóm tại Viện nghiên cứu trẻ em Murdoch, Úc, thực hiện.

Nhóm lấy mẫu dịch từ mũi và cổ họng để đo nồng độ virus của người tham gia và lấy mẫu máu để kiểm tra nồng độ kháng thể immunoglobulin G chống lại virus.

Kết quả, trẻ em và người lớn có tải lượng virus tương tự nhau, nhưng chỉ 37% số trẻ tạo ra kháng thể chống lại SARS-CoV-2, so với 76% nhóm người lớn.

Trước đó, nghiên cứu của nhà miễn dịch học Donna Farber tại Đại học Columbia, Mỹ cũng cho thấy người lớn tạo ra nhiều kháng thể ngăn chặn virus hơn so với trẻ em. Nghiên cứu mới xác nhận và mở rộng những phát hiện của nhóm Farber.

Nguyên nhân trẻ em tạo ra ít kháng thể hơn có thể vì trẻ có phản ứng miễn dịch bẩm sinh mạnh hơn người lớn. Đồng thời, trẻ phản ứng tốt hơn với các bệnh nhiễm trùng qua họng hoặc mũi. Vì thế, cơ thể trẻ em loại bỏ virus một cách nhanh chóng và virus không tồn tại đủ lâu để kích hoạt phản ứng thích ứng tạo ra kháng thể.

Một số trẻ em không tạo ra kháng thể chống lại SARS-CoV-2 sau khi nhiễm bệnh.

Nhóm nghiên cứu ở Úc cũng đo mức độ tế bào miễn dịch trong máu của một số người tham gia. Cụ thể, số lượng một số loại tế bào B và tế bào T ở trẻ em thấp hơn so với người lớn. Kết quả này cho thấy ngoài kháng thể, trẻ em cũng ít có phản ứng miễn dịch thích ứng hơn so với người lớn. Các tế bào này không có xu hướng giảm theo thời gian như kháng thể, và tế bào T có thể nhận ra nhiều vị trí trên virus ngay cả khi virus mang nhiều đột biến. Phản ứng của tế bào T tương quan với khả năng bảo vệ khỏi COVID-19 nặng trong các mô hình động vật và cả các nghiên cứu lâm sàng ở người.

Các nhà nghiên cứu lo ngại rằng nếu trẻ em có kháng thể và phản ứng miễn dịch thích ứng kém hơn, thì nguy cơ tái nhiễm sẽ cao hơn. Tuy nhiên chưa thể kết luận chắc chắn, theo Kerstin Meyer, nhà di truyền học tế bào tại Viện Wellcome Sanger, Anh.

Nghiên cứu ở Úc chỉ xem xét những người bị nhiễm các biến thể SARS-CoV-2 vào năm 2020, và kết quả có thể khác đối với các biến thể Delta và Omicron. Phân tích sơ bộ về những người bị nhiễm Delta vào năm 2021, một đồng tác giả nghiên cứu cho biết hầu hết trẻ em và người lớn đều tạo ra kháng thể sau khi nhiễm, có thể là do Delta tạo ra tải lượng virus cao hơn. Nhóm hiện đang thu thập dữ liệu miễn dịch học từ những người đã bị nhiễm Omicron.

Nguồn: