Hai năm sau khi đại dịch bùng phát, hàng trăm chương trình thử nghiệm chuẩn bị đưa ra các thuốc mới hoặc tìm cách tái sử dụng các thuốc đã có để điều trị COVID-19.

Lawrence Tabak mất khoảng 15 phút chỉ để đọc tên tất cả các thuốc điều trị COVID-19 đang được thử nghiệm trong chương trình mà ông giám sát, một danh sách dài bao gồm các thuốc diệt virus, làm dịu viêm, ngăn đông máu,... Trong hai năm qua, chương trình thử nghiệm lâm sàng ACTIV của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) đã bao gồm hơn 30 nghiên cứu về các phương pháp điều trị tiềm năng. 13 trong số đó vẫn đang tiến hành, và một số sẽ báo cáo kết quả trong nửa đầu năm nay.

Đó mới chỉ là chương trình của NIH; hàng trăm chương trình thử nghiệm khác đang được tiến hành trên khắp thế giới. Gần hai năm sau đại dịch, thế giới mỗi ngày vẫn có hơn một triệu ca nhiễm mới và hàng nghìn ca tử vong. COVID-19 tiếp tục làm quá tải các hệ thống chăm sóc sức khỏe. Vaccine là cách quan trọng nhất để kiềm chế đại dịch, nhưng vẫn cần các liệu pháp điều trị cho những người không thể - hoặc chọn không - tiêm vaccine, hoặc bị nhiễm dù đã tiêm vaccine.

Một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm trong dây chuyền sản xuất molnupiravir, một loại thuốc kháng virus đường uống mà một số quốc gia đã cho phép sử dụng trong điều trị COVID-19.

Các thuốc điều trị mới

Các thuốc điều trị COVID-19 được phát triển sớm nhất, từ đầu đại dịch, đều hướng đến điều trị COVID-19 nặng để cứu sống bệnh nhân và giảm bớt áp lực cho các bệnh viện. Cụ thể, vào giữa năm 2020, các nhà khoa học phát hiện dexamethasone, một loại steroid có tác dụng làm giảm các phản ứng miễn dịch quá mức - nguyên nhân tử vong ở nhiều ca bệnh nặng. Các loại steroid tương tự đến nay vẫn là phương pháp điều trị hiệu quả nhất để giảm tử vong do COVID-19 ở các ca bệnh nặng.

Ngoài ra đã có các loại thuốc hoạt động theo cơ chế khác, nhắm mục tiêu trực tiếp vào virus, nhưng cũng chỉ dành cho bệnh nhân bệnh nặng hoặc điều trị nội trú. Chẳng hạn như thuốc kháng virus Remdesivir dạng tiêm truyền, hoặc kháng thể đơn dòng. (Có hơn 200 loại kháng thể đơn dòng đang được phát triển, một số loại đã được cấp phép, nhưng nhìn chung phương pháp này đắt tiền so với các phương pháp khác và có nguồn cung hạn chế.)

Trọng tâm phát triển thuốc đang bắt đầu chuyển sang các loại dễ sử dụng hơn, để bất kỳ ai nhiễm COVID-19 đều có thể tự điều trị và ngăn không cho bệnh trở nặng như hai thuốc kháng virus đường uống Molnupiravir của Merck và Paxlovid của Pfizer. Tuy nhiên, một số quốc gia, bao gồm cả Pháp và Ấn Độ, không cho phép sử dụng Molnupivarir do lo ngại các tác dụng phụ của nó. Và việc sử dụng Paxlovid cũng khá hạn chế vì nó có thể phản ứng với nhiều loại thuốc được sử dụng phổ biến.

May mắn là sẽ sớm có thêm các loại thuốc kháng virus đang thử nghiệm nhắm vào một trong hai protein chính của virus, ngăn không cho virus nhân lên. Khoảng 40 hợp chất có cơ chế tương tự như Molnupivarir, nhắm vào protein RNA polymerase, và khoảng 180 chất khác hoạt động giống như Paxlovid, ngăn chặn protein protease có nhiệm vụ cắt các protein của virus thành dạng hoàn thiện cuối cùng, hiện đang được phát triển. Trong số các chất ức chế protease này, ứng viên tiềm năng nhất đến nay là S-217622 của Shionogi ở Nhật Bản, đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng.

Các loại thuốc kháng virus hoạt động theo các cơ chế khác cũng đang được phát triển. Chẳng hạn như plitidepsin ngăn chặn sự sản xuất các protein thụ thể của người mà SARS-CoV-2 sử dụng để xâm nhập vào tế bào, thay vì ngăn chặn các protein của virus. Việc nhắm mục tiêu vào protein của người, cụ thể là eEF1A trong trường hợp thuốc plitidepsin, có thể khiến virus khó đột biến để né tránh thuốc, nhưng lại dẫn đến khả năng gây độc, theo José Carlos Menéndez Ramos, nhà nghiên cứu thuốc tại Đại học Complutense, Madrid. Hy vọng hiện nay là liều lượng plitidepsin cần sử dụng đủ thấp, và thời gian điều trị đủ ngắn, để đảm bảo tính an toàn.

Nghiên cứu tác dụng của thuốc với bệnh nhân nặng

Bên cạnh đó, còn có các thử nghiệm để kiểm tra xem các thuốc đường uống mới có tác dụng với bệnh COVID-19 nặng hay không. Các thử nghiệm lâm sàng về Molnupiravir ở những người phải nhập viện cho thấy thuốc không có tác dụng đối với bệnh vừa hoặc nặng. Nhưng các nghiên cứu này vẫn quá nhỏ để có thể kết luận chắc chắn, theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Peter Horby tại Đại học Oxford, Vương quốc Anh. Đây là một vấn đề phổ biến trong đại dịch: nhiều thử nghiệm nhanh, nhỏ, quá ít người tham gia nhưng lại được dùng làm kết luận cuối cùng, do đó một số phương pháp điều trị bị loại trừ quá sớm.

Một nhân viên chăm sóc sức khỏe xét nghiệm mẫu từ những người có COVID-19 trong ANTICOV, chương trình thử nghiệm tái sử dụng các thuốc đã có trong điều trị COVID-19.

Chươn trìnhRECOVERYcủa Anh sẽ thử nghiệm Molnupiravir và Paxlovid ở bệnh nhân bệnh nặng. Theo Horby, một trong những nghiên cứu viên chính của chương trình này, các loại thuốc với nguồn cung tương đối khan hiếm nên ưu tiên cho bệnh nhân nặng. Hầu hết những người nhiễm COVID-19 không phát triển bệnh nặng, và dùng thuốc cho những người bị bệnh nhẹ sẽ không mang lại nhiều lợi ích như dùng cho những người bị bệnh nặng.

RECOVERY cũng sẽ thử nghiệm để tìm hiểu liệu các thuốc kháng virus có hiệp đồng với nhau không.

Tái sử dụng

Đối với các nước đang phát triển, do năng lực điều trị hạn chế, điều cần làm là ngăn không cho bệnh trở nặng. Trong khi đó, phần lớn các nghiên cứu ban đầu về điều trị COVID-19 nhẹ tập trung vào kháng thể đơn dòng, loại thuốc quá đắt, khó bảo quản và khó sử dụng.

Để có các giải pháp thiết thực hơn, các nước có thu nhập thấp và trung bìnhtập trung vào thử nghiệm các thuốc sẵn có, phổ biến, vốn được phát triển để điều trị các bệnh khác. 13 nước châu Phi cận Sahara đang tiến hành thử nghiệm lớn ANTICOV, tìm hiểu khả năng tái sử dụng thuốc chống ký sinh trùng ivermectin, một loại steroid dạng hít được gọi là budesonide, và thuốc fluoxetine chống trầm cảm trong điều trị COVID-19. (Một loại thuốc chống trầm cảm tương tự, fluvoxamine, đã cho kết quả hứa hẹn trong một số thử nghiệm lâm sàng ban đầu.)

Một vài thuốc trong số này đã thất bại trong các thử nghiệm lâm sàng nhỏ hơn. Đặc biệt, Ivermectin đã trở thành một phương pháp điều trị COVID-19 phổ biến nhưng gây tranh cãi ở nhiều quốc gia vì một số thử nghiệm đến nay cho thấy thuốc không hoạt động như một chất kháng virus trong giai đoạn đầu của bệnh. ANTICOV sẽ kiểm tra Ivermectin về các đặc tính chống viêm tiềm ẩn của nó ở những người bị COVID-19 nặng và sẽ kết hợp nó với một loại thuốc trị sốt rét. Dữ liệu tiền lâm sàng rất hứa hẹn, theo các nghiên cứu viên của thử nghiệm.

Việc tiến hành thử nghiệm trong đại dịch rất phức tạp: các biến thể virus mới nổi có thể thay đổi phổ triệu chứng, mức độ nghiêm trọng của bệnh và nhóm dân số bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chẳng hạn, các biến thể mới đã khiến các liệu pháp COVID-19 đầu tiên - đặc biệt là một số kháng thể đơn dòng - trở nên lỗi thời. Ngược lại, các loại thuốc tác dụng rộng hơn như Remdesivir - được phát triển vào năm 2015 để điều trị hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS), hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và Ebola - có thể trở thành những công cụ hữu ích trong tương lai đại dịch. Rất khó để biết liệu pháp nào trong số nhiều liệu pháp đang được thử nghiệm hiện tại sẽ thành công, tình hình sẽ liên tục thay đổi, các nhà nghiên cứu cho biết.

Nguồn: