Quá nhiều muối, không đủ ngũ cốc, trái cây và rau quả, có thể sẽ lấy đi mất nhiều năm tuổi thọ của chúng ta.
Đó là kết quả của một nghiên cứu công bố trên tạp chí y khoa Lancet. Trong đó, các nhà khoa học đã khảo sát thói quen ăn uống của người dân tại 195 quốc gia trên thế giới nhằm xác định mối liên hệ giữa chế độ ăn – đủ dinh dưỡng hay nghèo nàn – với tỷ lệ tử vong.
Kết quả đáng kinh ngạc là, mỗi năm có tới gần 11 triệu người trên toàn thế giới chết do thiếu hụt, toàn bộ hoặc phần nào, đối với một số loại thực phẩm nhất định. Trong đó, gần 3 triệu ca là do thừa natri, 3 triệu khác do thiếu ngũ cốc nguyên hạt, và hơn 2 triệu là thiếu trái cây. Vấn đề ở đây, theo nhà dịch tễ học Ashkan Afshin tại Đại học Washington – tác giả chính của nghiên cứu, không chỉ là những gì mọi người đang ăn, mà còn ở những gì họ không ăn.
Afshin cho biết, nhóm của ông đã thu thập và phân tích dữ liệu liên quan đến chế độ ăn, doanh số bán thực phẩm và chi tiêu của các hộ gia đình ở những quốc gia được khảo sát trong suốt 3 thập kỷ qua, nhằm đánh giá tác động của chế độ ăn đối với tỷ lệ tử vong không do các bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn bệnh tim – nguyên nhân gây chết người [liên quan đến ăn uống] hàng đầu thế giới, sau đó mới đến ung thư và tiểu đường.
Khẩu phần ăn Địa Trung Hải – chứa nhiều trái cây, rau, quả hạch và các loại dầu tốt cho sức khỏe như ô liu – đã giúp người dân nơi đây sống khỏe mạnh nhất, trong đó Israel đứng số 1 thế giới về tỷ lệ tử vong [liên quan đến ăn uống] thấp nhất, theo sau là Pháp và Tây Ban Nha; trong khi Hoa Kỳ xếp thứ 43; còn nước cộng hòa Uzbekistan (thuộc Liên Xô cũ) nơi bánh mì và mì ống (chứa nhiều carbohydrate tinh chế) là thực phẩm chủ lực thì lại vô cùng tồi tệ, khi có tỷ lệ tử vong lên tới 891/100.000 dân.
Bruce Lee – Phó giáo sư tại Trường Y tế công cộng ĐH Johns Hopkins, giám đốc điều hành Trung tâm Phòng chống béo phì toàn cầu – nhận định: nghiên cứu trên đã giúp bổ sung cho nhiều phát hiện trước đó về chế độ ăn uống nghèo nàn [dẫn tới các bệnh không truyền nhiễm] đã trở thành tác nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Mặc dù vậy, ông cũng lưu ý, rằng dinh dưỡng không phải là nguyên nhân duy nhất, mà cần phải tính đến cả những yếu tố khác như môi trường, kinh tế, xã hội lẫn hoạt động thể chất … Ngoài ra, còn một vấn đề nữa liên quan đến thực trạng “thực phẩm trở nên kém lành mạnh sau khi trải qua quá trình chế biến và bổ sung thêm nhiều chất phụ gia, thành phần nhân tạo để tiện lưu trữ, vận chuyển …” đang rất phổ biến trong chuỗi cung ứng thức ăn toàn cầu.
Theo Afshin, phát hiện mới sẽ góp phần thúc giục chúng ta cố gắng xây dựng cho mình chế độ ăn uống tốt, đầy đủ dinh dưỡng hơn … bên cạnh kêu gọi các nhà chức trách cần hành động để ban hành những chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy tiêu thụ các loại thực phẩm lành mạnh.
Nguồn: sciencealert.com
Phạm Nhật