Đó là phát hiện của một nghiên cứu được trình bày hôm 31/3 tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Mỹ (AACR).
Trong bài báo chưa đăng tải trên các tạp chí có bình duyệt, nhóm tác giả cho biết đã tiến hành thu thập và phân tích dữ liệu về hành vi sức khỏe răng miệng của những bệnh nhân – được chẩn đoán mắc ung thư miệng trong giai đoạn 2011 – 2014 tại phòng khám tai mũi họng thuộc trực Trung tâm Ung thư Toàn diện, Đại học Bang Ohio; sau đó đối chiếu với các bệnh nhân không ung thư (tới khám vì nguyên nhân khác như chóng mặt, ù tai …). Tất cả người tham gia được yêu cầu trả lời những câu hỏi khảo sát, liên quan đến các vấn đề thường nhật như tần suất sử dụng chỉ nha khoa, tới nha sĩ, thói quen hút thuốc và uống rượu...
Tác giả chính của nghiên cứu là Jitesh Shewale – hiện đang làm postdoc tại Trung tâm Ung thư MD Anderson của Đại học Texas (Houston) – cho biết, ung thư vòm miệng thường được chia làm hai dạng: do lây lan papillomavirus (HPV) qua đường tình dục, và những nguyên nhân khác. Sau khi điều chỉnh các yếu tố bao gồm tuổi tác, giới tính, địa vị kinh tế xã hội và chủng tộc, nhóm nghiên cứu nhận thấy: người âm tính với HPV thường tới nha sĩ ít hơn 1 lần/năm và có nguy cơ mắc ung thư vòm miệng cao gấp đôi so với những ai chăm chỉ đi khám. Tương tự, người sử dụng chỉ nha khoa ít hơn 1 lần/ngày cũng có nguy cơ âm tính với HPV cao gấp đôi nhóm còn lại. Nói cách khác, tình trạng vệ sinh răng miệng kém dường như có liên quan đến nguy cơ gia tăng ung thư miệng (không do HPV).
Mặc dù vậy, nghiên cứu trên đã không thể chỉ ra mối liên hệ nguyên nhân – kết quả giữa vệ sinh răng miệng kém với ung thư ở người đã bị nhiễm HPV đường miệng, bất chấp giả thuyết rằng các microbiome [trong khoang miệng] có thể đã đóng vai trò nào đó. Nhiều nghiên cứu trước đây cũng tìm thấy bằng chứng cho thấy, thực hành vệ sinh răng miệng kém sẽ gây ra những chuyển dịch bên trong hệ vi sinh vật [đường miệng], làm tăng cường nguy cơ viêm nhiễm mãn tính, và [có thể] cả sự tiến triển của ung thư. Trong khi ung thư miệng dương tính với HPV thường ảnh hưởng chủ yếu lên vùng lưỡi và amidan, thì HPV âm tính lại gây tổn hại đến khoang miệng.
Denise Laronde – Phó giáo sư nha khoa tại Đại học British Columbia, người không tham gia nghiên cứu – nhận định, đây thực sự là một nghiên cứu “thú vị”, tuy nhiên hãy còn quá sớm để đi đến kết luận cuối cùng do thiếu dữ liệu. Tuy nhiên, như phần lớn chúng ta thường ít quan tâm đến mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng với các phần còn lại của cơ thể, Laronde kỳ vọng nghiên cứu mới sẽ giúp thúc đẩy nhận thức về tầm quan trọng của việc sử dụng chỉ nha khoa, “không chỉ để làm sạch răng, mà còn là bảo vệ sức khỏe”.
Công Nhất (Theo Live Science)