Các nhà khoa học hy vọng kết quả thử nghiệm lâm sàng mới nhất sẽ dập tắt những nghi ngờ về vaccine Covid-19 của AstraZeneca sau một tuần đầy biến động.

Thông tin 'lỗi thời'

Tranh cãi xung quanh vaccine này bắt đầu sau khi AstraZeneca ra thông cáo báo chí vào ngày 22/3, nói rằng một phân tích sơ bộ cho thấy vaccine của họ có hiệu quả 79% trong một cuộc thử nghiệm trên hơn 32.000 người ở Mỹ, Chile và Peru.

Chưa đầy một ngày sau, Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ (NIAID), cơ quan đang giám sát thử nghiệm, đưa ra thông cáo nêu nghi vấn các tuyên bố của AstraZeneca.

Theo NIAID, các thành viên của ban giám sát an toàn dữ liệu của thử nghiệm (DSMB) đã bày tỏ lo ngại rằng AstraZeneca có thể đã sử dụng “thông tin lỗi thời”, chứ không phải dữ liệu cập nhật nhất, và “có thể cung cấp một cái nhìn không đầy đủ về dữ liệu hiệu quả vaccine”.

Đáp lại, AstraZeneca nói rằng con số hiệu quả 79% dựa trên một phân tích tạm thời vào giữa tháng Hai, và họ sẽ sớm đưa ra kết quả cuối cùng của toàn bộ thử nghiệm.

Kho vaccine Oxford-AstraZeneca tại một trung tâm tiêm chủng ở Vương quốc Anh.

Giới khoa học nhận định, những kết quả phân tích tạm thời đó cũng không khác quá nhiều so với kết quả công bố mới nhất, cho thấy vaccine hiệu quả 76% dựa trên 190 trường hợp nhiễm Covid-19 ở những người tham gia thử nghiệm, so với 141 trường hợp nhiễm Covid trong phân tích tạm thời. (AstraZeneca không nêu rõ có bao nhiêu ca nhiễm trong số này xảy ra ở những người được tiêm vaccine, và bao nhiêu ca nhiễm xảy ra ở những người được tiêm giả dược - những con số mà nhiều nhà nghiên cứu muốn biết).

Theo AstraZeneca, kết quả mới nhất được ước tính trong khoảng thời gian từ 15 ngày trở lên sau khi những người tham gia tiêm liều vaccine thứ hai, và kết quả tỏ ra nhất quán trên tất cả các nhóm tuổi, kể cả những người từ 65 tuổi trở lên. Không ai trong số những người tham gia tiêm chủng phát triển bệnh nặng hoặc phải nhập viện.

Nhưng vẫn còn 14 ca nhiễm trong thử nghiệm chưa được xác nhận mức độ nghiêm trọng và thuộc nhóm vaccine hay giả dược, nghĩa là các ước tính tổng thể về mức độ hiệu quả của vaccine vẫn có thể thay đổi một chút. Nếu bất kỳ trường hợp nào trong số 14 ca này thuộc nhóm tiêm vaccine, và được phân loại là nghiêm trọng, thì ước tính về hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và nhập viện (hiện là 100%) có thể giảm đáng kể, theo Hilda Bastian, nhà khoa học độc lập ở Victoria, Úc.

Vẫn còn nhiều câu hỏi

Eric Topol, bác sĩ kiêm nhà khoa học và là giám đốc của Viện nghiên cứu hệ gen Scripps ở La Jolla, California, nói, ông cảm thấy nhẹ nhõm khi con số hiệu quả giữa kết quả tạm thời và kết quả gần cuối mới công cố không khác nhau nhiều. Nhưng Topol đặt ra một vài câu hỏi: tại sao AstraZeneca lại vẫn báo cáo dữ liệu tạm thời, khi kết quả cuối cùng đã sắp công bố được? Topol không nghĩ rằng 14 trường hợp sót lại chưa được xác nhận sẽ tạo ra nhiều khác biệt trong kết quả, nhưng cho rằng đến bây giờ đáng nhẽ đã AstraZeneca đã phải có kết quả cuối cùng.

Ngoài ra, nhiều quốc gia châu Âu đã đình chỉ việc sử dụng vaccine AstraZeneca vào đầu tháng 3 sau những báo cáo ban đầu về ít nhất 15 ca tử vong. Hầu hết các nước này đã tiếp tục tiêm chủng lại sau khi Cơ quan Thuốc Châu Âu (EMA) khuyến nghị như vậy vào ngày 18/3với lý do lợi ích của vaccine hiện lớn hơn bất kỳ rủi ro nào.

AstraZeneca cho biết đã nộp đơn xin phép sử dụng khẩn cấp vaccine tới Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), đồng thời gửi kết quả thử nghiệm đi bình duyệt và công bố trên các tạp chí trong những tuần tới.

Topol hy vọng FDA - cơ quan có quy trình phân tích lại dữ liệu thử nghiệm thô - sẽ xác nhận một lần nữa kết quả của AstraZeneca và cấp phép sử dụng vaccine trong trường hợp khẩn cấp. Sự chấp thuận của FDA sẽ giúp khôi phục niềm tin với vaccine này, Ann Falsey, nhà khoa học vaccine tại Đại học Rochester, New York, nghiên cứu viên đồng phát triển quy trình thử nghiệm của AstraZeneca, nói thêm.

Nguồn: