Làm sao để gọi được vốn luôn là câu hỏi thường trực của startup trong hành trình khởi nghiệp? Lựa chọn nhà đầu tư thế nào cho hợp khẩu vị? Cần chuẩn bị gì cho quá trình gọi vốn?


Anh Nguyễn Xuân Đông – Đồng sáng lập của Ecomobi đã chia sẻ những lưu ý để giúp startup này gọi vốn thành công, thậm chí số vốn gọi được còn vượt mục tiêu ban đầu nhiều lần.

Đang có khoảng gần 100 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động ở Việt Nam, trong đó có khoảng 20 quỹ nội. Mỗi quỹ đầu tư sẽ có khẩu vị, mạng lưới, thế mạnh khác nhau. Để thuyết phục được nhà đầu tư rót vốn, startup cần hiểu quỹ đầu tư và hiểu chính mình, như cách các cụ vẫn hay nói ‘biết người biết ta trăm trận trăm thắng’.

Ecomobi đã gọi vốn hai lần. Lần gần nhất là vào cuối năm 2019 đầu năm 2020 từ ESP Capital. Ban đầu, chúng tôi dự định gọi khoảng 2 triệu USD, nhưng kết quả, số tiền nhà đầu tư rót vào cho Ecomobi lớn hơn thế rất nhiều.

Gọi được vốn là một nghệ thuật, nhưng để có được nghệ thuật ấy, chắc chắn sẽ có nhiều thương đau. Hi vọng những kinh nghiệm của Ecomobi sẽ giúp các startup giảm bớt thương đau và thành công hơn khi gọi vốn.

Anh Nguyễn Xuân Đông – Đồng sáng lập của Ecomobi.

Gọi vốn là quá trình tốn nhiều thời gian và công sức. Mỗi nhà đầu tư khác nhau sẽ có những khẩu vị khác nhau. Việc của startup chính là tỉnh táo, biết mình cần gì và hiểu nhà đầu tư muốn gì để tự tin thuyết phục họ. Và nhớ là, đừng bán mình bằng mọi giá.

4 vấn đề cần xác định khi gọi vốn

- Xác định mục tiêu rõ ràng: Xác định số tiền cần gọi được. Kinh nghiệm của Ecomobi là xác định lượng tiền mình sẽ sử dụng và nhân lên 1,5-2 lần, để đảm bảo nếu có sự cố bất kỳ, startup vẫn có đủ tiền để chèo chống.

Khi có mục tiêu về tiền, startup sẽ xác định được nhóm nhà đầu tư cần tiếp cận. Nếu cần số tiền vừa phải, các nhà đầu tư thiên thần hay quỹ đầu tư là mục tiêu. Nếu cần nhiều hơn, startuo có thể tìm đến các Private Equity fund hoặc Venture-class corvette. Nếu cần rất nhiều tiền và có kế hoạch phát hành cổ phiếu thì các ngân hàng đầu tư sẽ là mục tiêu cần hướng đến, bởi họ có nguồn vốn rất lớn đồng thời cũng giúp startup chuẩn hoá quá trình kinh doanh, xây dựng hệ thống tài chính chuẩn chỉnh cho việc IPO.

- Xác định những giá trị nhà đầu tư có thể đem lại ngoài tiền. 1 triệu USD của nhà đầu tư nào cũng giống nhau nhưng networking, danh mục các công ty đầu tư, kinh nghiệm của họ lại hoàn toàn khác nhau. Ví dụ như Ecomobi khi làm việc với ESP Capital, chúng tôi xác định mạng lưới các doanh nghiệp mà ESP đầu tư là một trong những khách hàng quan trọng của Ecomobi trong giai đoạn vừa rồi.

- Tư duy đúng khi gọi vốn: Gọi vốn tức là mình bán cổ phần cho nhà đầu tư. Nhưng bán giá bao nhiêu và bán làm sao cho khéo là câu chuyện hoàn toàn khác. Với Ecomobi, chúng tôi thấy, cảm giác tốt nhất chính là sau khi chốt deal, cả người mua và người bán đều có chút tiếc nuối. Nghĩa là, bên mua tiếc vì không thể mua nhiều hơn và bên bán tiếc vì không được giá cao hơn. Những thương vụ như vậy, Ecomobi cảm thấy cả hai bên đều làm việc ăn ý hơn, và có thể cộng sinh hỗ trợ được. Đừng gọi vốn bằng mọi cách.

4 nhóm công việc chính cần làm và tạo tác động đến quá trình gọi vốn

Một là, chuẩn bị tài liệu để đảm bảo nhà đầu tư hiểu rõ công việc mà startup của bạn đang làm. Cần chuẩn bị nhiều phiên bản khác nhau vì hoàn cảnh tiếp cận các nhà đầu tư không giống nhau. Có người dành cho bạn 1 tiếng, nhưng có người chỉ dành cho bạn 10 phút, thậm chí là 30 giây trong thang máy.

Hãy tóm tắt công việc kinh doanh của startup trong một câu ngắn gọn. Ví dụ như Ecomobi, chúng tôi giới thiệu mình là startup cung cấp hệ thống và nền tảng giúp doanh nghiệp có thể bán hàng trên mạng xã hội. Với câu trả lời này, nhà đầu tư đã có hình dung cơ bản và sẽ có câu hỏi tiếp theo nếu họ quan tâm.

Hai là, quản lý thông tin liên lạc với các nhà đầu tư một cách rõ ràng. Đây là điều tối quan trọng nhưng không nhiều startup quan tâm và cũng là kinh nghiệm đau thương của tôi khi khởi nghiệp. Vì thiếu bước này nên chúng tôi đã quên không gửi tài liệu cần thiết thậm chí bỏ lỡ các cuộc họp với nhà đầu tư. Ecomobi đã xây dựng cả một công cụ để quản lý quan hệ với nhà đầu tư, từ phương thức liên hệ tới những việc phải làm trong từng ngày cụ thể.

Ba là, chuẩn bị data-room đầy đủ để nhân viên phân tích của nhà đầu tư có thông tin đầy đủ nhất. Các startup mà người sáng lập xuất thân làm công nghệ thường quên bước này. Dataroom thực tế chỉ là thông tin cơ bản về công việc kinh doanh, tài chính, thông tin cổ đông, chương trình cổ phiếu mà công ty đã cam kết với nhân viên…

Bốn là, xây dựng chiến lược tiếp cận với nhà đầu tư. Một trong những cách hiệu quả nhất mà Ecomobi đã làm là xây dựng kế hoạch kinh doanh và đi thi. 3/4 nhà đầu tư tại series A mà Ecomobi tiếp cận được là thông qua chương trình Khởi nghiệp Đông Nam Á vào năm 2019. Thậm chí, tại sân khấu của sự kiện đó, trong một buổi chiều, Ecomobi đã thực hiện 24 cuộc trao đổi với nhà đầu tư về kế hoạch gọi vốn cũng như hoạt động kinh doanh.

Nếu không có các cơ hội này, startup có thể trực tiếp tìm hiểu các nhà đầu tư có khẩu vị phù hợp với startup của mình để tiếp cận.

Gọi vốn là công việc quan trọng vì nếu không có tiền, startup sẽ không thể tồn tại và tiếp tục tham vọng của mình. Do đó, phải chuẩn bị rất kỹ và dành nhiều tâm sức. Thế nhưng, đừng vì mải lo chuẩn bị gọi vốn mà lơ là chuyện kinh doanh – bởi đây mới là điểm mấu chốt để nhà đầu tư ra quyết định. Nếu startup chuẩn bị rất kỹ nhưng lại không đạt các KPI đã đặt ra trong bản thuyết trình thì đương nhiên các bạn sẽ bị đánh trượt ở vòng thẩm định. Vì thế, chỉ cử 1-2 người lo việc này và để cả công ty vận hành bình thường như không có chuyện gì xảy ra.

Gọi vốn là quá trình tốn nhiều thời gian và công sức. Mỗi nhà đầu tư khác nhau sẽ có những khẩu vị khác nhau. Việc của startup chính là tỉnh táo, biết mình cần gì và hiểu nhà đầu tư muốn gì để tự tin thuyết phục họ. Và nhớ là, đừng bán mình bằng mọi giá.