Việc tạm dừng triển khai có thể làm gia tăng thêm nghi ngờ trong cộng đồng, khiến nhiều người né tránh vaccine hơn, trong khi bằng chứng thử nghiệm và thực tế đều cho thấy vaccine an toàn.

Ở châu Âu, việc tiêm phòng vaccine chống Covid-19 đang khởi đầu khá chậm chập. Cứ mỗi 100 người ở Liên minh Châu Âu thì mới có 11 người được tiêm vaccine, so với 32/100 người ở Mỹ và 38/100 ở Anh. Tệ hơn nữa, làn sóng Covid tiếp theo dường như đang xuất hiện ở một số quốc gia.

Chưa hết, trong những ngày gần đây, tốc độ tiêm vaccine không còn là lo ngại chính, thay vào đó là lo ngại về an toàn. Vào ngày 15/3, Pháp, Đức và Ý gia nhập danh sách hơn 10 quốc gia châu Âu tạm ngừng sử dụng vaccine Covid-19 do AstraZeneca, một công ty dược phẩm Anh-Thụy Điển, sản xuất.

Lí do là dữ liệu từ một cơ quan quản lý y tế Na Uy báo cáo bốn trường hợp đông máu ở người lớn được tiêm vaccine. Các báo cáo tương tự cũng xuất hiện ở Đan Mạch, Ý và Áo.

Vaccine Covid-19 của AstraZeneca

Vậy, vaccine AZ có an toàn không?

Gần như chắc chắn là có. Các quan chức châu Âu đã cẩn thận gọi việc tạm hoãn tiêm vaccine chỉ là biện pháp tạm thời. Ronan Glynn, phó giám đốc y tế của Ireland, cho biết không có bằng chứng nào cho thấy vaccine đã gây đông máu. Tổ chức Y tế Thế giới và Cơ quan Thuốc châu Âu (EMA) cũng cho biết họ không có lý do gì để tin rằng vaccine này không an toàn.

Vấn đề thường xảy ra trong y học là phân biệt giữa mối quan hệ nhân quả và mối quan hệ tương quan, đặc biệt là với các loại thuốc tiêm cho hàng triệu người. Đông máu là tình trạng phổ biến trong dân số. Và vaccine Covid thì ngày càng tiêm cho nhiều người. EMA ước tính đã có 30 “ca thuyên tắc huyết khối” trong số khoảng 5 triệu người đã được tiêm vaccine của AstraZeneca. Khả năng một số người bị đông máu đồng thời cũng là người có tiêm vaccine Covid-19 cũng chỉ như khả năng một số người bị đông máu đồng thời là người có uống vitamin bổ sung, paracetamol hoặc ăn bữa sáng. Câu hỏi đặt ra là liệu tiêm vaccine có tạo ra số ca đông máu cao hơn so với dự kiến ​​hay không - và đến nay câu trả lời là không. EMA cho biết: “Số ca đông máu ở những người được tiêm chủng không cao hơn số lượng thấy trong dân số chung".

Dữ liệu từ những nơi khác cũng cho kết quả tương tự. Trong các thử nghiệm lâm sàng được sử dụng để đánh giá vaccine, 38% số người được tiêm đã báo cáo ít nhất một tác dụng phụ, chủ yếu là đau tại vị trí tiêm, nhức đầu hoặc sốt nhẹ. Các "tác dụng phụ" tương tự cũng xuất hiện ở 28% những người trong nhóm được tiêm giả. Mỗi nhóm chỉ có dưới 1% số người gặp bất kỳ bệnh nghiêm trọng nào; và trong số những người gặp bệnh nghiêm trọng thì phần lớn là thuộc về nhóm giả dược.

Dữ liệu thử nghiệm cũng nhất quán với thực tế triển khai ở các quốc gia khác. Đến ngày 28/2, Anh đã tiêm 9,7 triệu liều vaccine AstraZeneca và 11,5 triệu liều vaccine do Pfizer, một công ty của Mỹ hợp tác với BioNTech của Đức sản xuất.

Cơ quan quản lý thuốc và chăm sóc sức khỏe của Anh tính toán rằng cả hai loại vaccine đều gây ra từ 3 đến 6 báo cáo về tác dụng phụ cho mỗi 1.000 liều được phân phối, hầu hết đều nhẹ. Ở Anh, 227 người đã tử vong sau khi tiêm một liều vaccine của Pfizer-BioNTech, và 275 người tử vong sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca. Tính đến ngày 14/3, Anh đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine Covid cho 24,45 triệu người, tương đương gần một nửa dân số trưởng thành. Tất cả những con số này đều nằm trong ngưỡng dự kiến trong dân số nói chung và những trường hợp tử vong không có vẻ gì liên quan đến vaccine. Khoảng nửa triệu người chết ở Anh mỗi năm, và cần lưu ý những người già và rất ốm yếu là những đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine.

Một tờ báo của Đức, dựa trên một nguồn ẩn danh, đã tỏ ra nghi ngờ hiệu quả của vaccine ở những người trên 65 tuổi, nghi ngờ này sau đó đã được chứng minh là không chính xác. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, có lúc cho rằng vaccine "gần như không hiệu quả" ở những người lớn tuổi, nhưng sau đó đã thay đổi quan điểm của mình khi Pháp tìm cách đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng.

Một vấn đề khác là sự nghi ngờ đối với vaccine ở châu Âu. Kinh nghiệm với các loại vaccine khác cho thấy, những nghi ngờ, dù không đủ bằng chứng, một khi đã ăn sâu vào cộng đồng, thì rất khó loại bỏ. Thông tin về việc vaccine sởi, quai bị và rubella (MMR) gây ra chứng tự kỷ hoàn toàn không đủ bằng chứng và đến nay đã bị bác bỏ hoàn toàn, nhưng các "thuyết âm mưu" về MMR vẫn cứ lan rộng. Nhiều quốc gia giàu có tiêm chủng cho trẻ em vaccine chống lại virus u nhú ở người (HPV), nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung. Nhưng sau khi có báo cáo về tác dụng phụ vào năm 2013, Nhật Bản đã đình chỉ chương trình tiêm chủng HPV, và dù đến nay có nhiều bằng chứng về tính an toàn của vaccine HPV, chương trình tiêm chủng vẫn chưa được phục hồi. Một nghiên cứu ước tính, hậu quả của việc ngừng tiêm vaccine HPV là từ 5.000 đến 5.700 phụ nữ Nhật Bản sinh trong khoảng từ năm 1994 đến 2007 đã thiệt mạng.

Châu Âu, sau khi phải tranh giành để mua vaccine AstraZeneca vào tháng Giêng, hiện chỉ chất vaccine trong kho mà không sử dụng. Các quan chức y tế công cộng đang ở trong một tình thế khó khăn: Nếu người dân đã nghi ngờ một loại vaccine, việc tạm dừng triển khai có thể được coi là một cam kết về sự nghiêm túc và thận trọng; nhưng bản thân việc tạm dừng có thể gây thêm nghi ngờ, khiến nhiều người né tránh vaccine hơn, kéo dài đại dịch và lấy đi mạng sống của thêm nhiều người.

Nguồn: