Một chục quốc gia châu Âu mới đây cho biết họ sẽ tiếp tục tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca, sau khi Cơ quan Thuốc châu Âu (EMA) kết luận vaccine này “an toàn và hiệu quả”.

Nhiều chuyên gia y tế công cộng, những người cho rằng không nên chậm trễ tiêm chủng Covid-19 vào thời điểm mà số ca bệnh đang gia tăng rất nhanh ở châu Âu, ủng hộ quyết định này. Trước đó, hơn 20 quốc gia châu Âu đã ngừng tiêm vaccine của AstraZeneca, sau các báo cáo về rối loạn đông máu nghiêm trọng và các loại đột quỵ hiếm gặp ngay sau khi tiêm vaccine.

Tại buổi họp báo hôm 18/3, EMA cho biết, cuộc điều tra của họ chưa thể loại trừ mối liên hệ giữa vaccine với một số chứng rối loạn đông máu và chảy máu bất thường, nhưng họ kết luận rằng lợi ích của vaccine rõ ràng lớn hơn rủi ro. Cơ quan này cho biết sẽ thêm cảnh báo tác dụng phụ vào thông tin sản phẩm vaccine. EMA khuyến cáo, những người tiêm vaccine gặp các triệu chứng như chảy máu dai dẳng, đau ở ngực hoặc dạ dày, đau đầu dữ dội hoặc hoặc mờ mắt nên tìm kiếm hỗ trợ y tế ngay lập tức.

Một bác sĩ tiêm vaccine của AstraZeneca ở Dippoldiswalde, Đức, hôm 15/3 - đúng ngày mà chính phủ Đức cho biết sẽ tạm dừng sử dụng vaccine này do lo ngại về tính an toàn.

Trong vòng vài giờ sau tuyên bố của EMA, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan và ít nhất bảy quốc gia châu Âu khác cho biết sẽ bắt đầu lại chương trình tiêm chủng.

EMA nói sẽ tiếp tục kiểm tra các ca rối loạn đông máu và chảy máu. “Bằng chứng mà chúng tôi có hiện tại vẫn chưa đủ để kết luận chắc chắn liệu những tác dụng phụ này có thực sự do vaccine gây ra hay không," Sabina Straus, chủ tịch Ủy ban Đánh giá Rủi ro và Cảnh giác Dược của EMA, cho biết.

Còn theo Peter Arlett, trưởng bộ phận cảnh giác dược của EMA, sẽ tiếp tục có các nghiên cứu về mức độ phổ biến của các ca rối loạn đông máu và "thực hiện các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để xem liệu có đặc điểm gì nổi bật ở các bệnh nhân bị đông máu sau khi tiêm vaccine.

Một số nhà nghiên cứu e rằng việc tạm dừng tiêm vaccine có thể làm xói mòn niềm tin vào vaccine AstraZeneca - các cuộc khảo sát cho thấy vaccine này vốn đã bị coi là kém hơn so với vaccine mRNA của Pfizer và Moderna. Nhưng hiệu ứng ngược lại cũng có thể xảy ra. Stephan Lewandowsky, chuyên gia về giao tiếp rủi ro tại Đại học Bristol, nói: "Vaccine phải được công chúng chấp thuận. Và nếu công chúng không thích rủi ro, như ở châu Âu, thì có thể có lợi khi tạm dừng tiêm, kiểm tra kỹ lưỡng và sau đó kết luận rằng 'bằng chứng, khi được xem xét trên phạm vi xuyên quốc gia, cho thấy vaccine an toàn và có thể tiếp tục tiêm chủng'."

Nhiều người khác không lạc quan như vậy. Michael Bang Petersen, nhà khoa học chính trị tại Đại học Aarhus ở Đan Mạch, cho rằng: “Ít nhất là trong ngắn hạn, toàn bộ chuỗi sự kiện này đã có một số tác động tiêu cực đến việc chấp nhận vaccine Covid”. Từ khi xảy ra đại dịch, Petersen đã tiến hành một nghiên cứu, diễn ra trong 1 tuần của mỗi tháng, khảo sát một mẫu đại diện gồm người dân ở 8 quốc gia về thái độ của họ đối với đại dịch, bao gồm cả vaccine. Cuộc khảo sát của tháng này bắt đầu vào ngày 10/3, vào thời điểm trước khi Đan Mạch tạm dừng việc tiêm vaccine AstraZeneca, cho phép so sánh thái độ trước và sau thông báo tạm dừng tiêm chủng.

Kết quả nghiên cứu tháng 3 của Peterson cho thấy quyết định dừng tiêm của Đan Mạch khiến niềm tin vào vaccine giảm khoảng 11% ở nước này. Quyết định của Đan Mạch cũng làm niềm tin vào vaccine ở các nước khác suy giảm, nhưng mức độ suy giảm không nhiều bằng. Tuy nhiên, theo Peterson, việc minh bạch về các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như thông điệp rõ ràng rằng lợi ích của vaccine mang lại lớn hơn nguy cơ rủi ro tương đối nhỏ, có thể cải thiện tình trạng niềm tin suy giảm.

Nguồn: