Gần 20 năm qua, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, Viện NLNTVN, đã lặng lẽ sử dụng bức xạ ion hóa chiếu xạ nông sản xuất khẩu và từ đầu năm 2023, chính thức cung cấp dược chất phóng xạ cho các bệnh viện.

Các thành viên trong dây chuyền sản xuất dược chất phóng xạ của HIC. Ảnh: Mỹ Hạnh
Các thành viên trong dây chuyền sản xuất dược chất phóng xạ của HIC. Ảnh: Mỹ Hạnh

Trong bối cảnh Việt Nam, khi những thông tin và cả niềm tin về tiềm năng rộng lớn của năng lượng nguyên tử vẫn còn chưa thực sự lan tỏa thì việc một cơ sở nghiên cứu và triển khai kỹ thuật hạt nhân như Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (HIC) đưa ứng dụng công nghệ bức xạ, kỹ thuật đồng vị vào các lĩnh vực của đời sống xã hội hẳn lắm gian truân. Tuy nhiên điều đó không ngăn cản HIC kiên trì cả thập kỷ để đưa thêm một sản phẩm mới cho y học hạt nhân Việt Nam tại khu vực phía Bắc: 18 F-FDG, một trong những chất đánh dấu phóng xạ đầu tiên và phổ biến nhất hiện nay trên thế giới để chẩn đoán ung thư. “Khi gắn một phân tử hydro của đường gluco với fluorine-18 thành hỗn hợp 18F-FDG, hợp chất này được tiêm vào cơ thể, nó thường tập trung vào một số mô nhất định của tế bào ung thư, sau đó nó phát tia bức xạ. Lúc đó, máy quét có đầu dò phóng xạ sẽ dò được những nguồn phát này và tính toán được khoảng cách từ nguồn phát để xác định vị trí, kích thước khối u trong cơ thể người bệnh”, TS. Trần Minh Quỳnh, Phó Giám đốc HIC, cho biết.

Hầu hết các bệnh viện Việt Nam dùng 18 F-FDG trong chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) với não, tim, tuyến giáp, xương, nhằm chẩn đoán sớm ung thư và xạ trị điều trị các khối u bên trong cơ thể. Điểm hay của dược chất này là ở chỗ nó có chu kỳ bán rã ngắn 110 phút nên không tồn tại trong cơ thể quá lâu. Do đó, sau khi chiếu chụp, bệnh nhân có thể về nhà mà không phải mất thời gian lưu lại bệnh viện, qua đó góp phần giảm tải bệnh viện, giảm cả chi phí điều trị, chẩn đoán cho bệnh nhân nữa.

Cho đến nay, chúng tôi mới chỉ sản xuất được một đồng vị phóng xạ là fluorine-18 nhưng đây là cơ sở để chúng tôi sản xuất những dược chất khác nhau khi gắn nó với nhiều loại hạt nhân khác nhau, mỗi loại sẽ tương ứng với một loại ung thư. TS. Đặng Quang Thiệu

Dẫu vậy, điểm hay của 18 F-FDG cũng là điểm trừ của nó, bởi với chu kỳ bán rã này, sau 110 phút, hoạt độ phóng xạ của giảm một nửa nên việc vận chuyển đường xa vô cùng khó khăn còn nhập khẩu là điều không thể. Đó là lý do mà những người ở HIC không nản lòng, quyết theo đuổi đến cùng kế hoạch sản xuất và cung cấp dược chất phóng xạ này, bất chấp những khó khăn trong việc nâng cấp đáp ứng tiêu chuẩn GMP WHO, cũng như các thủ tục để có các giấy phép của ngành Y.

Kiên trì theo đuổi giấy phép 18 F-FDG


“Từ năm 2007, chúng tôi đã được cử đi đào tạo ở nước ngoài về sản xuất fluorine-18, sau đó chuyên gia quốc tế cũng sang đây đào tạo đội ngũ nhân lực nữa. Hai năm cho một quy trình như vậy”, ThS. Nguyễn Quang Anh, người phụ trách bộ phận sản xuất đồng vị phóng xạ và dược chất phóng xạ trên máy gia tốc của HIC, cho biết. “Thật ra mà nói, loại dược chất này cũng không có gì mới, công nghệ sản xuất đã được định hình vì đã được nghiên cứu từ cuối những năm 1970 và phổ biến trên thế giới từ những năm 1990”.

So với các dược chất khác, dược chất phóng xạ có một đặc điểm độc đáo, đó là dù nó được sản xuất ở bất cứ nơi đâu nhưng hễ đảm bảo một quy trình nghiêm ngặt và đạt tiêu chuẩn dược châu Âu, Mỹ hay WHO thì cũng đều có chất lượng tương đương nhau. Vậy tại sao, các nhà nghiên cứu ở HIC lại phải mất đến 10 năm để xin giấy phép? Đó là một chu trình mà họ buộc phải tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế. “Mặc dù mình có thể mang hẳn một nhà máy sản xuất dược chất từ Mỹ về đặt ở Hà Nội thì sau đấy vẫn phải tuân thủ đúng các quy định của Luật Dược”, TS. Đặng Quang Thiệu, giám đốc HIC, chia sẻ.

Câu chuyện sản xuất và cung cấp dược chất phóng xạ 18 F-FDG của HIC không chỉ bắt đầu từ việc đội ngũ ở đây vận hành máy gia tốc Cyclotron 13 MeV làm chủ công nghệ mà còn diễn tiến với việc họ hợp tác với các nhà chuyên môn lâm sàng ở Bệnh viện Quân đội 108 để nghiên cứu, đánh giá tiền lâm sàng dược chất này thông qua một dự án cấp Bộ. “Năm 2015, dự án này được nghiệm thu nhưng song song với đó, chúng tôi còn phải chuẩn bị thêm những điều kiện khác để được cấp phép”, TS. Trần Minh Quỳnh kể lại.

.
.
Là một đơn vị nghiên cứu và triển khai về công nghệ hạt nhân và năng lượng nguyên tử nhưng HIC không phải là nơi đương nhiên có quyền sản xuất, chế biến chất phóng xạ chất phóng xạ. Để có được quyền này, họ phải lập hồ sơ xin cấp phép đến các cấp có thẩm quyền. Khi lập hồ sơ, HIC mới phát hiện ra là còn thiếu tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy được quy định trong Luật Phòng cháy chữa cháy 2013 và Nghị định 79/2014/NĐ-CP. Thiếu bước này, họ không thể được cấp phép sản xuất. Con đường để được công nhận được nối dài thêm một chặng nhưng những người như TS. Đặng Quang Thiệu, TS. Trần Minh Quỳnh và ThS Nguyễn Quang Anh cảm thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn để một ngày gần nhất có thể đem sản phẩm này cho những người cần nó. Có lẽ, từ lúc lập hồ sơ, họ không ngờ rằng phải đến năm 2018, mình mới chính thức nhận được cấp giấy phép sản xuất dược chất phóng xạ từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế).

Nhưng cũng như các đồng nghiệp ở Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nơi từ nhiều năm cung cấp các sản phẩm an toàn và chất lượng cho các cơ sở y tế như tấm áp P-32 để điều trị các bệnh ngoài da, dung dịch I-131 để chẩn đoán và điều trị bệnh bướu cổ hay Tc-99m để hiện hình tìm các khối u bất thường trong não và tuyến nước bọt…, HIC còn một mối lo khác: để có thể sản xuất đồng vị và dược chất phóng xạ, họ phải đạt tiêu chuẩn Thực hành sản xuất thuốc tốt GMP WHO, một bộ tiêu chuẩn liên quan đến chất lượng dược phẩm, nhân sự và đào tạo, thiết kế nhà xưởng và máy móc thiết bị, vệ sinh và điều kiện vệ sinh…

Con đường đưa sản phẩm 18 F-FDG của HIC lại được nối thêm một đoạn đường: củng cố, bổ sung cơ sở vật chất để đạt tiêu chuẩn GMP WHO. Đây là một công đoạn khá tốn kém và đòi hỏi một lượng đầu tư không nhỏ. Vậy kinh phí ở đâu ra? “Chúng tôi không xin được ngân sách nhà nước, nhưng nếu xin được thì sẽ phải khó lắm lâu lắm. Rất may là trung tâm cũng có tiết kiệm được ít tiền từ công tác dịch vụ chiếu xạ để cho việc đột xuất này”, TS. Đặng Quang Thiệu nói và TS. Trần Minh Quỳnh bổ sung “Lúc đó, chúng tôi phải mời tư vấn bên ngoài để họ hỗ trợ mình. Cũng phải mất hơn một năm trời mới xong và đến cuối năm 2020 mới được chấp nhận và đến đầu 2021 mới có giấy”.

Cũng như nhiều đơn vị khác của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, hiện nay Trung tâm rất khó tuyển người vừa giỏi vừa tâm huyết bởi những vướng mắc từ quy định mới trong tuyển dụng, mặt khác là lớp trẻ không còn tha thiết lựa chọn các ngành kỹ thuật đặc biệt như năng lượng nguyên tử.

Ở thời điểm tưởng chừng có thể sẵn sàng hội tụ đủ điều kiện để sản xuất và cung cấp dược chất cho các bệnh viện, các nhà nghiên cứu ở HIC mới phát hiện ra một sự thật hiển nhiên: Trung tâm không có chức năng cung cấp thuốc cho các cơ sở y tế này mà chỉ có chức năng là sản xuất thôi, không đủ tiêu chuẩn điều kiện để đăng ký ngành nghề kinh doanh dược. Tình thế này buộc họ phải tìm được một đối tác có chức năng cung cấp thuốc, đồng thời phải có thêm giấy phép lưu hành thuốc.

Lòng kiên nhẫn của HIC một lần nữa được thử thách. Một câu hỏi mấu chốt đặt ra: Ở đâu, đối tác đủ tiêu chuẩn? Trên thực tế thì số lượng này không ít, “nhiều công ty tìm đến với chúng tôi. Họ biết tường tận là ở Hà Nội có ba cái máy gia tốc, trong đó có chúng tôi”, TS. Đặng Quang Thiệu nói. Nhưng rút cục, trước cảnh quy trình thủ tục giấy tờ vô cùng tỉ mỉ, phức tạp cùng quy trình đưa thuốc vào bệnh viện khiến chỉ có ai tâm huyết và kiên trì mới trụ lại. Cuối cùng, may mắn HIC chọn được công ty Bách Khang. Và “cho đến tận tháng 12/2022, chúng tôi mới được cấp phép lưu hành để hoàn thiện một quy trình từ sản xuất đến việc đưa thuốc vào bệnh viện”, ông cho biết.

Gian truân ai thấu

Những gì HIC gặp phải trong vòng 10 năm trên con đường đưa dược chất đến các bệnh viện thật thách thức lòng kiên trì. Vậy điều gì khiến họ cảm thấy phải nỗ lực và nhẫn nại để vượt qua? Sự hứa hẹn của nguồn thu mới chăng? Ồ không hẳn, dù với bất cứ hoạt động sản xuất kinh doanh nào thì có lời luôn là đích đến. Với HIC, trách nhiệm xã hội được đặt lên trên cả doanh thu. TS. Đặng Quang Thiệu nói “Chúng ta không thể nhập khẩu 18 F-FDG được vì chu kỳ bán rã của nó rất ngắn, vì vậy cần phải sản xuất tại chỗ. Nếu sản phẩm của chúng tôi giúp chẩn đoán sớm có thể cứu sống người bệnh hay kéo dài thời gian cho họ thêm vài năm với người thân cũng là đáng quý. Đó là lý do dù khó cỡ nào, chúng tôi vẫn phải cố gắng để sản xuất và cung cấp dược chất bằng được”.

Cho đến bây giờ, sau gần năm tháng có giấy phép lưu hành, công việc sản xuất 18 F-FDG đã được khởi động ở HIC. Ban đầu, họ mỗi tuần hai buổi cung cấp cho bệnh viện 198, nơi cũng đang áp dụng các hoạt động chiếu chụp trên máy PET/CITY bằng 18 F-FDG. Tuy số lượng không nhiều nhưng để đảm bảo thời gian quy định, các ê kíp của HIC phải đến trung tâm từ một, hai giờ đêm, khởi động quy trình sản xuất và kiểm nghiệm sản phẩm trước khi giao cho bệnh viện vào lúc bảy giờ sáng.

Dĩ nhiên, việc mới vận hành chính thức được vài tháng chưa thể đem lại cho các nhà nghiên cứu một quy trình chuẩn theo nghĩa vừa đảm bảo chất lượng và hiệu suất sản xuất để đủ có một nguồn nhất định đầu tư cho việc mở rộng làm chủ công nghệ và sản xuất những dược chất tiếp theo trong tương lai. Với các nhà khoa học, không bao giờ có một cái tốt duy nhất. “Bây giờ thì chúng tôi cũng sản xuất được một vài mẻ nhưng cũng còn nhiều vấn đề”, TS. Trần Minh Quỳnh chia sẻ. “Thứ nhất là phải làm có được một quy trình vận hành sản xuất một cách tối ưu và hiệu quả; Thứ hai, nhu cầu bệnh viện phải đủ lớn để nâng cao sản lượng; Thứ ba, trong các vấn đề có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất thuốc như nguồn nhân lực cũng rất quan trọng. Hiện chúng tôi có thể tự sửa chữa các sự cố đơn giản trên máy gia tốc nhưng về lâu dài cần có những chuyên gia giỏi để có thể xử lý những sự cố lớn có thể xảy ra”.

Rõ ràng, câu chuyện này của HIC có nhiều nỗi niềm ẩn giấu, nếu muốn chuẩn bị cho một tương lai dài rộng hơn và nghĩ đến khả năng có thể cung cấp dược chất phóng xạ đa dạng hơn. Hiện tại, cũng như nhiều đơn vị khác của Viện NLNTVN, Trung tâm rất khó tuyển người vừa giỏi vừa tâm huyết bởi những vướng mắc từ quy định mới trong tuyển dụng, mặt khác là lớp trẻ không còn tha thiết lựa chọn các ngành kỹ thuật đặc biệt như năng lượng nguyên tử. Điều này có thể khiến nhiều hướng chuyên ngành sẽ bị mai một. “Không phải quá lo xa nhưng trước mắt tôi đã thấy lĩnh vực điện tử hạt nhân, không chỉ ở trung tâm mà nhiều nơi khác, đang không giữ được vị thế. Trước đây, IAEA đánh giá rất cao Việt Nam ở hướng này”, TS. Đặng Quang Thiệu nói. Với HIC, sự hụt hẫng thế hệ điện tử hạt nhân có thể sẽ dẫn đến khả năng nay mai sẽ phải mời chuyên gia quốc tế vào xử lý các sự cố trên máy gia tốc, mà khi ấy liệu kinh phí của họ có kham nổi?

Không dễ gì một sớm một chiều giải quyết được những vấn đề này, nhất là đối với những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách. Nó nằm ngoài phạm vi mà một trung tâm hay của Viện NLNTVN có thể tự lực xử lý. Ở thời điểm này, khó có thể định lượng được đầy đủ những tác động của việc mất mát năng lực và hiểu biết như vậy đối với xã hội nhưng rõ ràng, ở các lĩnh vực quan trọng trong đời sống như y học, nông nghiệp, môi trường… sẽ phải chịu ảnh hưởng đáng kể…

Dẫu có thể mường tượng ra một bức tranh màu xám như vậy trong tương lai gần nhưng đâu đó trong bức tranh này vẫn có những gam màu tươi sáng và lạc quan, ít nhất trên dây chuyền sản xuất dược chất phóng xạ, không chỉ vì nó có thể giúp các bác sĩ nhận diện được chính xác hơn tình trạng sức khỏe của người bệnh mà vì tấm lòng của những người sản xuất. “Chúng tôi luôn biết rõ công việc của mình, đó là tạo ra loại thuốc phóng xạ dạng tiêm với một quy trình sản xuất, quy trình kiểm nghiệm chất lượng hết sức nghiêm ngặt”, ThS Quang Anh, người phụ trách công việc sản xuất và kiểm nghiệm cho biết. “Trong quá trình mình mua vật tư về sản xuất thì mình cũng phải lựa chọn nhà cung cấp có uy tín làm sao cho chất lượng thuốc của mình phải là tốt nhất, chứ không phải là mình ham rẻ mà mua những hóa chất vật tư kém chất lượng có thể khiến dư lượng tồn dư một số chất trong thuốc sẽ cao. Chúng tôi biết rằng bệnh nhân ung thư đã là những người rất yếu rồi, cho nên nếu như mà có vấn đề gì thì thuốc có thể gây sốc cho người ta”. Mỗi một mẻ thuốc xuất xưởng của Trung tâm đều phải đảm bảo 13 tiêu chí, “bất kể một mục nào trong 13 mục đấy không đạt tiêu chuẩn theo dược điển thì cũng phải hủy hết, không được phép đóng gói và xuất đi”, anh cho biết thêm.

Ở thời điểm này, Trung tâm bắt đầu chuẩn bị cho những kế hoạch sản xuất nhiều hơn các dược chất trong tương lai bởi họ nhìn thấy những giá trị mà nó sẽ đem lại cho người bệnh. “Hiện chúng tôi mới chỉ sản xuất được một đồng vị phóng xạ là fluorine-18 nhưng đây là cơ sở để chúng tôi sản xuất những dược chất khác nhau khi gắn nó với nhiều loại hạt nhân khác nhau, mỗi loại sẽ tương ứng với một loại ung thư”, theo TS. Đặng Quang Thiệu. “Bên cạnh đó, cũng có cơ hội để chúng tôi làm ra những dược chất điều trị ung thư chứ không riêng gì dược chất giúp chẩn đoán ung thư. Quả thật chúng tôi đang đứng trước rất nhiều cơ hội do công nghệ mang lại, cơ hội không chỉ đem lại sự đa dạng hóa sản phẩm cho chúng tôi mà còn có ý nghĩa lớn hơn, hy vọng cho những bệnh nhân ung thư”.