Buổi làm việc của Phó Thủ tướng Nga Dmitri Chernyshenko tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VinAtom), dù chỉ diễn ra trong vòng gần một tiếng đồng hồ nhưng đã mở ra rất nhiều triển vọng mới.

Với Việt Nam, cơ hội nâng cao hơn nữa các ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình từ mối hợp tác với Nga, quốc gia thuộc top đầu thế giới về năng lượng nguyên tử, đã ở trong tầm tay.

TS Trần Chí Thành, Viện trưởng VinAtom trao đổi với Phó thủ tướng Nga Dmitri Chernyshenko và đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko. Ảnh: Mỹ Hạnh
TS Trần Chí Thành, Viện trưởng VinAtom trao đổi với Phó Thủ tướng Nga Dmitri Chernyshenko và đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko. Ảnh: Mỹ Hạnh

Trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung và công nghệ hạt nhân nói riêng, có một đặc điểm hết sức quan trọng là sự hợp tác, hỗ trợ phải dựa trên nền tảng hiểu biết và tin cậy lẫn nhau một cách thực sự. Điều đó đã có ở Việt Nam bởi sự hình thành và phát triển của ngành năng lượng nguyên tử cũng như VinAtom dựa trên tình hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai quốc gia. Thật may mắn là trước thềm kỷ niệm bốn thập kỷ công trình khôi phục và nâng cấp lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu Đà Lạt với sự hỗ trợ của Nga (Liên Xô trước đây), VinAtom đã đón tiếp và làm việc với Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko, nhân dịp ông có chuyến thăm và đồng chủ trì Khóa họp lần thứ 24 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Nga từ ngày 5 đến 7/4/2023.

Đây là buổi làm việc mà Phó Thủ tướng Nga nhấn mạnh trong phần phát biểu là “mang tính chất biểu tượng” bởi sẽ duy trì và mở rộng sự hợp tác về năng lượng nguyên tử với VinAtom, “một đối tác đầy triển vọng” ở Việt Nam. Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định tại buổi làm việc, năng lượng nguyên tử là một phần quan trọng trong mối quan hệ hợp tác về KH&CN với Nga, vốn “trải rộng từ lĩnh vực năng lượng nguyên tử, công nghệ sinh học, vật liệu mới, điện tử, tự động hóa đến KHXH&NV trong nhiều năm qua đã góp phần vào xây dựng và bảo vệ, phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam”.

Thúc đẩy dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia

Có lẽ, trong thế giới KH&CN, không có lĩnh vực nào lại tồn tại mối liên kết một cách chặt chẽ với các lĩnh vực còn lại và đem đến những tác động sâu sắc đến hầu hết các khía cạnh của đời sống xã hội như năng lượng nguyên tử. Đầu tư cho năng lượng nguyên tử, theo nghĩa đó, sẽ đem lại nhiều “lãi” ở tương lai, bởi nói như PGS. TS Phạm Đức Khuê, Viện trưởng Viện KH&KT hạt nhân, một viện thành viên của VinAtom, “đầu tư cho năng lượng nguyên tử là đầu tư cho tiềm năng và tiềm lực của đất nước”.

Đó là lý do VinAtom, trong cả thập kỷ qua, đã cùng với Tập đoàn RosAtom (Nga) lên kế hoạch xây dựng một trung tâm tầm cỡ quốc gia và quốc tế về hạt nhân, đi kèm lò phản ứng nghiên cứu mới đa mục tiêu tại Đồng Nai. Ở thời điểm trung tâm này chưa đi vào vận hành thì thật khó nói một cách tường tận về những gì trung tâm này có thể đem lại cho Việt Nam nhưng nếu làm một phép so sánh thì phổ ứng dụng của lò phản ứng nghiên cứu mới 10MW ở Đồng Nai sẽ vượt trội so với lò phản ứng nghiên cứu 500 KW ở Đà Lạt, một lò phản ứng có công suất thuộc loại nhỏ thế giới. Nếu chỉ xét ở một khía cạnh là sản xuất đồng vị phóng xạ trong y tế thì lò Đà Lạt cũng có hạn chế. ThS. Dương Văn Đông, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, từng cho biết, “buộc lòng phải vận hành lò nhiều ngày để chế tạo dược chất và đồng vị phóng xạ. Mình chạy 100 giờ mới tạo ra được 2 curie trong khi các lò công suất lớn chạy ngần ấy giờ là sản xuất được 100 curie. Nếu bây giờ làm vi cầu phóng xạ cho 5, 7 bệnh nhân thôi chẳng hạn, lò khác chỉ cần chiếu xạ trong vòng một, hai ngày là có ngay còn mình phải mất đến vài tuần”. Mặt khác, nếu vận hành lò phản ứng mới, VinAtom có thể cung cấp nhiều loại dược chất phóng xạ hơn. “Về nguyên tắc, chúng tôi cũng có thể sản xuất nhiều loại nhưng để cho có ý nghĩa thì phải sản xuất với số lượng nhiều. Tuy nhiên lò Đà Lạt công suất nhỏ, chỗ chiếu xạ cũng không đủ nên sản lượng không đáng kể”, ThS Dương Văn Đông nói.

Chính vì vậy, một trong những trọng tâm của buổi làm việc giữa đoàn công tác của chính phủ Nga với VinAtom vào ngày 7/4/2023 là thúc đẩy dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia, một dự án được thiết lập theo Hiệp định liên Chính phủ ký kết vào năm 2011. Sau rất nhiều khó khăn và thách thức mà RosAtom và VinAtom đã trải qua trong vòng hơn một thập niên, đã có những tín hiệu tích cực xuất hiện với dự án. “Tôi đã được thông báo rằng địa điểm đã được chọn cho trung tâm mới, cấu hình của lò phản ứng mới đã được xác định, nguồn vốn [dành cho dự án] đã được xác định và nghiên cứu tiền khả thi của dự án đã được phê duyệt. Nhà thầu Nga hiện đang chuẩn bị hồ sơ đề xuất”, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko trao đổi tại buổi làm việc.

Một số nội dung hợp tác đang được triển khai hợp tác giữa VinAtom cùng RosAtom và các đối tác Nga trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử:

- RosAtom đang chuẩn bị đầu tư vào Công ty Chiếu xạ Cần Thơ, là đơn vị chiếu xạ kiểm dịch phục vụ xuất khẩu nông sản phẩm, thuỷ hải sản Việt Nam.

- Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đang tiến hành các thủ tục để mua nhiên liệu cho lò nghiên cứu Đà Lạt để vận hành thêm 10 năm. Đối tác phía Nga là Công ty nhiên liệu hạt nhân TVEL.

- VinAtom cùng Tập đoàn Hưng Thịnh đang bắt đầu trao đổi hợp tác với RosAtom trong chế biến sâu sa khoáng ven biển (với trữ lượng gần 100 triệu tấn tại Bình Thuận), hướng tới tách nguyên tố đất hiếm, sản xuất zirconium, bột titan và titan kim loại.

- Trao đổi hợp tác về sản xuất dược chất phóng xạ mới tại Việt Nam để điều trị ung thư, nâng cao năng lực y học hạt nhân hướng tới lò nghiên cứu mới.

- Trong thời gian tới, VinAtom mong muốn RosAtom và VinAtom hợp tác khoa học, trao đổi thông tin, nâng cao năng lực về công nghệ và an toàn điện hạt nhân, đào tạo nhân lực (chuẩn bị cho trường hợp nếu Việt Nam quay lại chương trình phát triển điện hạt nhân).

TS. Trần Chí Thành

Kể từ thời điểm Chính phủ Việt Nam phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vào năm 2018, dự án xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân Quốc gia (CNST) đã ghi nhận những mốc thời gian mới, trong đó đáng nhớ là “hồ sơ yêu cầu đã được chuyển cho RosAtom trong tháng 3/2023, và Viện Thiết kế chuyên ngành GSPI của RosAtom đang chuẩn bị hồ sơ đề xuất dự thầu. Dự kiến ngày 17/4/2023 sẽ mở thầu và nếu đáp ứng, hai bên sẽ nỗ lực đàm phán để có thể ký kết Hợp đồng nghiên cứu khả thi FS (Feasibility Study) vào giữa năm nay”, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng VinAtom báo cáo. Trong quá trình xây dựng dự án, “VinAtom đã tích cực đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu với Viện Nghiên cứu hạt nhân Dubna, và gửi cán bộ sang làm việc tại Dubna nhằm đào tạo đội ngũ đầu đàn cho dự án”, anh cho biết thêm.

Kinh nghiệm chuẩn bị cho Trung tâm CNST và lò phản ứng nghiên cứu mới của Việt Nam đã được tích lũy theo thời gian. Việc tham khảo thực tế triển khai của quốc tế, ví dụ như chuyến công tác tại Jordan vào tháng 11/2022, cho thấy chiến lược của VinAtom “xây dựng lò nghiên cứu – đẩy mạnh đào tạo nhân lực – đưa lò vào vận hành và sản xuất đồng vị phóng xạ, từng bước triển khai nghiên cứu và ứng dụng tiên tiến trên lò” hoàn toàn phù hợp với Việt Nam, TS. Trần Chí Thành trao đổi sau chuyến công tác tại Jordan.

Việc sản xuất dược chất phóng xạ trên lò phản ứng Đà Lạt hạn chế do công suất nhỏ. Ảnh: Tư liệu
Việc sản xuất dược chất phóng xạ trên lò phản ứng Đà Lạt hạn chế do công suất nhỏ. Ảnh: Tư liệu

Trong vòng 10 năm tới, lò phản ứng Đà Lạt, một trong những lò phản ứng hiệu quả bậc nhất ở các quốc gia đang phát triển theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), sẽ dừng vận hành và khép lại vai trò lịch sử của nó trong chiếu xạ, sản xuất dược chất phóng xạ, đồng vị phóng xạ… Do đó, việc triển khai dự án CNST sẽ là sự tiếp nối cần thiết để giữ mạch phát triển và khai thác các kỹ thuật hạt nhân cho các lĩnh vực đời sống xã hội.

Gợi mở về một tương lai xa hơn

“Hạt nhân không phải là một người lính mà là người thợ”, câu nói của Igor Kurchatov, người đặt nền móng cho chương trình hạt nhân của Liên Xô vào những năm 1940, đã dự báo một cách chính xác về vai trò của năng lượng nguyên tử trong xã hội hiện đại. Việc phát triển và nâng cao năng lực trong lĩnh vực này, không chỉ đem lại một đội ngũ các chuyên gia xuất sắc mà còn đưa Việt Nam trở thành một trung tâm về khoa học hạt nhân ở tầm quốc tế. Hệ quả của nó, không chỉ là danh tiếng mà còn là sự mở rộng thêm tiềm năng phục vụ sự phát triển của đất nước trên một phạm vi rộng lớn, từ sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp, công nghiệp, y tế… đến vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh, chống xói mòn, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên nước… Sống trong một thế giới mà việc làm chủ các nguồn tài nguyên đều mang một ý nghĩa đặc biệt đối với mọi quốc gia thì Trung tâm CNST thực sự hứa hẹn là một nguồn tài nguyên mới của Việt Nam ở tương lai, khi được đưa vào vận hành.

Có thể thấy được sự phát triển nội tại của VinAtom trong quá trình chuẩn bị cho CNST. 40 năm trước, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm khi khôi phục và nâng cấp lò phản ứng Đà Lạt thì hiện tại, một nhóm các nhà khoa học của VinAtom đã hiểu biết sâu sắc về cấu hình và tính toán, mô phỏng, có năng lực thiết kế kênh ngang dẫn dòng neutron trong lò phản ứng nghiên cứu, quan trọng hơn là đủ sức thảo luận với các chuyên gia của RosAtom và Dubna về lò phản ứng mới. Đó là lý do mở đầu phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko nhấn mạnh đến việc “coi Viện là một đối tác đầy triển vọng”, đồng thời đề cập đến một trong những vấn đề bàn thảo, bên cạnh vấn đề Trung tâm CNST, là “mở rộng hợp tác tại thành phố Dmitrovgrad của Nga liên quan Trung tâm nghiên cứu quốc tế dựa trên lò phản ứng neutron nhanh đa năng (MBIR)… Tôi được biết, các nhà khoa học của VinAtom đã tham gia vào công việc của Hội đồng Tư vấn [khoa học của MBIR]”.

Mặc dù không phải là một chuyên gia hạt nhân nhưng ông cũng đưa ra một nhận xét xác đáng về hiệu quả có thể thu được qua sự hợp tác này đối với các chuyên gia Việt Nam: “Quan trọng là Việt Nam phải trở thành thành viên đầy đủ của Trung tâm quốc tế này. Điều đó sẽ [góp phần] tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của toàn bộ ngành nguyên tử của Việt Nam”.

Hợp tác giữa RosAtom và VinAtom sẽ còn được gắn kết hơn với những hướng mới mà theo TS. Trần Chí Thành “VinAtom mong muốn RosAtom và các đối tác viện nghiên cứu Nga hợp tác, chuyển giao công nghệ và cùng chế tạo máy gia tốc chùm tia điện tử (Electron Beam - EB) tại Việt Nam cho nhu cầu chiếu xạ, chiếu cáp điện trong nước, cũng như khu vực”. Đây là một vấn đề nằm trong tầm tay của RosAtom. Vì vậy Phó thủ tướng Nga cho rằng, là quốc gia đi đầu trên thế giới trong các lĩnh vực như kỹ thuật, năng lượng, y học và nghiên cứu vũ trụ…, “Nga sẵn sàng giúp đỡ [Việt Nam] về mọi thứ. Tập đoàn RosAtom có đủ năng lực cần thiết trong lĩnh vực sản xuất máy gia tốc điện tử và có nhiều kinh nghiệm trong việc cung cấp [thiết bị này] cho các đối tác nước ngoài”.

Khi nhìn vào phạm vi khai thác của kỹ thuật hạt nhân tại Việt Nam trong tương lai, Phó Thủ tướng Nga nêu “Khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên chủ quyền công nghệ và độc lập năng lượng thì năng lượng hạt nhân cung cấp cũng sẽ [giúp Việt Nam] đạt được tự chủ năng lượng… Nga sẵn sàng tham gia và giúp đỡ Việt Nam nếu các quyết định về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, cả công suất lớn và nhỏ, được đưa ra từ Việt Nam. Và tôi tin rằng các đồng chí có thể tư vấn để lãnh đạo đất nước đưa ra quyết định lịch sử giành chủ quyền năng lượng”. Ông cũng phân tích một ý nghĩa quan trọng của quyết định này là “cho phép Việt Nam tiến gần hơn và đẩy nhanh mục tiêu đạt được sự cân bằng về khí hậu và giành được chủ quyền về năng lượng… cân bằng năng lượng của đất nước và có thể là toàn bộ khu vực Đông Nam Á”. Đó cũng là lý do Phó thủ tướng Nga ghi lại trong cuốn sổ lưu niệm của VinAtom, nơi trong 40 năm qua lưu nhiều bút tích của các vị khách quan trọng trong nước và quốc tế đến thăm và làm việc với Viện, “Tôi chúc các bạn thành công trong việc tăng cường tiềm năng năng lượng Nga-Việt và hiện thực hóa chủ quyền năng lượng hạt nhân!”.

Trong giai đoạn chuẩn bị cho chương trình phát triển điện hạt nhân trước đây của Việt Nam, có nhiều lo ngại về sự thiếu hụt lực lượng tham gia vận hành nhà máy điện hạt nhân và cả đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực hạt nhân. Điều này đã được Phó Thủ tướng Nga hóa giải bằng một đề xuất táo bạo, không chỉ có lợi cho ngành hạt nhân mà còn với cả giáo dục đại học Việt Nam là trong trường hợp Việt Nam quyết định trở lại với điện hạt nhân “Bộ Giáo dục và Khoa học Nga sẽ cân nhắc việc thành lập một trường đại học của Nga tại Việt Nam trên cơ sở trường Đại học của Tập đoàn RosAtom để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ để làm việc tại các nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam. Tôi chỉ đạo Bộ Giáo dục và Khoa học Nga đưa việc chuẩn bị quyết định như vậy vào lộ trình của Kế hoạch 2030, việc thành lập Kế hoạch này đã được quyết định tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam”.

Tất cả đủ sức gợi lại một ký ức lịch sử hơn 65 năm trước: vào tháng 7/1955, chủ tịch Hồ Chí Minh đi thị sát Obninsk, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên nối lưới điện trên thế giới, với sự hướng dẫn của nhà vật lý Dmitry Blokhintsev, tổng công trình sư nhà máy này. Câu nói của ông “Đây thực sự là tương lai của nhân dân tôi, chúng tôi phải làm bằng được!” đã khắc vào trí nhớ Blokhintsev.

Giờ đây, một chặng đường mới đầy hứa hẹn của hợp tác đã được mở ra.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko cho biết, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế quốc tế thường niên ở St. Petersburg (SPIEF), diễn ra vào cuối tháng 6/2023, Nga sẽ khánh thành tượng đài Hồ Chí Minh tại thành phố này, kỷ niệm 100 năm người lãnh đạo tương lai của Việt Nam đặt chân tới đất nước Xô viết non trẻ.

Hãng thông tấn TASS dẫn lời Phó Thủ tướng Nga, cho biết Nga sẽ hợp tác với Việt Nam về nghiên cứu biển, đồng thời trao cho Trung tâm KH&CN Nhiệt đới Việt – Nga các thiết bị hiện đại, xây dựng các phòng thí nghiệm liên hợp để cùng nghiên cứu về công nghệ an toàn sinh học, an toàn hóa học, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường... “Chúng tôi không chỉ hướng đến việc tiếp tục thực hiện nghiên cứu tại Việt Nam, nơi có các điều kiện khí hậu mà Nga không có mà còn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho đối tác Việt Nam của chúng tôi nghiên cứu ở Bắc Cực”, ông nói với TASS.

Theo Sputnik Việt Nam, Phó Thủ tướng Nga cho rằng Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga cần mở rộng hợp tác nghiên cứu với các tổ chức khoa học hàng đầu của Nga, ví dụ Viện Kurchatov – cơ sở khoa học hàng đầu về các dự án trong lĩnh vực di truyền học, khoa học vật liệu và nghiên cứu bức xạ synchrotron. Hai bên cũng cần chuẩn bị cho Thỏa thuận bàn giao tàu nghiên cứu “Gagarinsky” phục vụ thám hiểm biển chung giữa hai nước tại Việt Nam.