Các nhà khoa học đã theo dõi san hô tại Việt Nam và Đài Loan để hiểu hơn về mức độ xói mòn trầm tích từ đất liền ra biển, đồng thời so sánh với sự phát triển kinh tế của hai khu vực theo từng mốc thời gian.

d
Các nhà khoa học đã xem xét rạn san hô Porites khổng lồ ngoài khơi Đài Loan. Với độ dài hàng mét, san hô lưu trữ dữ liệu xói mòn trong hơn 2 thập kỷ, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế của khu vực. Ảnh: Yi Liu

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên Journal of Geophysical Research: Oceans, quá trình mở rộng kinh tế để lại những dấu vết không thể xóa nhòa đối với thành phần hóa học của san hô. Bằng cách phân tích nồng độ barium trong lõi san hô, các nhà khoa học có thể tiếp cận một “ghi chép" kéo dài hàng thập kỷ về tốc độ phát triển và xói mòn của khu vực.

Khu vực Đông Á và Đông Nam Á đã trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng trong sáu thập kỷ qua. Các tòa nhà đã mọc lên, các cánh đồng nông nghiệp mở rộng, còn các khu rừng biến mất, biến khu vực này thành nơi có tốc độ xói mòn đất nhanh nhất trên thế giới. Các chuyên gia dự đoán rằng tốc độ xói mòn vẫn sẽ tiếp tục tăng.

Đối với các quốc gia đang phát triển nhanh chóng, việc hiểu rõ khu vực và tốc độ đất bị xói mòn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sản lượng nông nghiệp. Tuy nhiên, tại nhiều khu vực ở Đông và Đông Nam Á, dữ liệu về xói mòn vẫn còn rất ít ỏi.

Hóa ra, san hô lưu trữ tất cả lượng thông tin. Khi các trầm tích từ đất liền đổ ra biển, chúng mang theo các nguyên tố như barium. Những nguyên tố đó làm thay đổi tính chất hóa học của đại dương và xâm nhập vào khung xương đá vôi của san hô và các sinh vật biển khác ở vùng nước nông. Bởi vì phần lớn barium có nguồn gốc từ các lục địa (mảng đất liền nằm trên bề mặt lớp vỏ Trái đất) nên sự hiện diện của nó trong các khung xương san hô có thể phản ánh mức độ xói mòn trầm tích từ đất liền ra biển.

Xiaohua Li (Viện Hải dương học, Viện Khoa học Trung Quốc) và các đồng nghiệp trình bày một quá trình xói mòn kéo dài trong nhiều thập kỷ, dựa trên nồng độ barium và đồng vị từ lõi san hô. Họ đã thu thập các lõi san hô tại vùng biển phía Nam Đài Loan và miền Trung Việt Nam. Mỗi lõi cung cấp dữ liệu trong khoảng hai thập kỷ, với mức độ khác biệt cách nhau theo đơn vị tháng.

San hô từ Đài Loan phát triển từ năm 1980 đến năm 2004. Từ năm 1980 đến khoảng năm 1995, cả tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đài Loan và hàm lượng barium trong san hô của khu vực này đều tăng lên, cho thấy mối liên hệ giữa tiến trình phát triển và xói mòn. Bắt đầu từ năm 1996, GDP tiếp tục tăng nhưng mức độ xói mòn giảm. Các tác giả cho biết sự chênh lệch đó có thể phản ánh những nỗ lực bảo tồn đất hiệu quả.

San hô Việt Nam, phát triển từ năm 1978 đến 2003, cũng cho thấy mối tương quan giữa phát triển kinh tế và xói mòn. Từ những năm 1990 đến những năm 2000, các khu vực đô thị của Việt Nam đã phát triển khoảng 10 lần và nồng độ barium trong san hô cũng tăng lên mức kỷ lục.

San hô có thể là một bằng chứng lịch sử quan trọng cho thấy mức độ xói mòn đất và quá trình phát triển kinh tế. Song trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, axit hóa đại dương và lượng trầm tích đổ vào biển ngày càng nhiều, san hô có thể không sống sót nổi và sẽ nhanh chóng biến mất trên quy mô lớn.