Sau hơn một thập kỷ tồn tại với cơ chế tiên phong, Quỹ NAFOSTED đang đứng trước một yêu cầu mới của các nhà khoa học: cần đem lại sự phát triển đột phá cho khoa học Việt Nam. Nhưng điều này có dễ thực hiện?

Phòng thí nghiệm ĐH Phenikaa. Nguồn: ĐH Phenikaa
Phòng thí nghiệm ĐH Phenikaa. Nguồn: ĐH Phenikaa

Cuộc hội thảo “Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu KH&CN và phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN trình độ cao ở các trường đại học”, do Quỹ NAFOSTED phối hợp với trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức vào tháng 4/2023, đã trở thành một cuộc thảo luận giữa các nhà nghiên cứu với các nhà quản lý về những giải pháp quan trọng đảm bảo đầu tư cho KH&CN, đào tạo, qua đó góp phần đưa KH&CN có nhiều đóng góp hơn cho sự phát triển của đất nước. Nền tảng của những giải pháp này được đặt trên các chính sách đã được áp dụng tại Quỹ NAFOSTED cũng như những văn bản mới liên quan như “Chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030”, Nghị định 109/2022/NĐ-CP quy định về tổ chức và quản lý hoạt động KH&CN trong cơ sở giáo dục đại học…

Có lẽ, đã qua thời trường đại học chỉ tập trung vào nhiệm vụ lên lớp giảng dạy và các viện nghiên cứu chỉ lặng lẽ thực hiện nghiên cứu trong phạm vi nội bộ mà không có sự kết nối với các trường, viện khác để thực hiện những dự án liên ngành, xuyên ngành. Những nhân tố mới và sức sống mới của khoa học Việt Nam, từ các trường, viện, đã xuất hiện qua các đề tài nghiên cứu cơ bản, sau là đề tài ứng dụng và các tài trợ/hỗ trợ của quỹ. Qua một thống kê về tác động của nghiên cứu cơ bản do NAFOSTED tổng kết vào năm 2018 thì các chương trình tài trợ, hỗ trợ của quỹ không chỉ cần thiết để quyết định nhà khoa học ở lại Việt Nam (37,14% số người trả lời cho biết), quyết định tăng số lượng công bố cho các nhà khoa học (gần 65%), tăng chất lượng nghiên cứu (62%)… mà còn tác động trực tiếp đến xây dựng nhóm nghiên cứu (gần 42%), duy trì hướng nghiên cứu mong muốn (gần 52%), duy trì hợp tác với đồng nghiệp trong nước (hơn 65%), tạo dựng mối quan hệ hợp tác với đồng nghiệp quốc tế (60%)…

10 năm hoàng kim đã qua, NAFOSTED đang được các nhà khoa học chờ đợi có những đột phá về chính sách để vượt qua “bẫy chất lượng trung bình” của các công bố và sản phẩm nghiên cứu khác từ các đề tài, dự án do quỹ tài trợ. Một sự chờ đợi không dễ đáp ứng trong bối cảnh mới.

Bẫy “chất lượng trung bình”


“Quỹ đã rất xuất sắc khi đảm trách được sứ mệnh ở giai đoạn đầu là tạo ra trào lưu nghiên cứu và công bố theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam. Nhưng trong thời gian tới, chúng ta nên tập trung vào các nghiên cứu xuất sắc, tập trung vào các nhà khoa học của chúng ta và đầu tư cho họ thật xứng đáng”, chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Quốc Hưng (ĐH Việt Đức), Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành Cơ học và kỹ thuật NAFOSTED tại hội thảo đã gói ghém được suy nghĩ của rất nhiều nhà khoa học. Những giá trị mà NAFOSTED đem lại cho khoa học Việt Nam, không phải bàn cãi gì nữa, nhưng chưa đủ để nâng tầm, đem lại sự phát triển đột phá trong giai đoạn tới. Cần phải nghĩ khác đi và hành động khác đi, nếu muốn vượt qua “bẫy chất lượng trung bình”, một nhà khoa học từng nhiều năm nhận được tài trợ từ NAFOSTED cho biết.

Trong tương lai, xu thế open access sẽ hoàn toàn bao phủ xuất bản khoa học. Hiện Việt Nam không có ưu đãi nào cho xuất bản open access và cũng chưa có chuẩn bị nào cho tương lai này. GS. Nguyễn Xuân Hùng

Không phải ở thời điểm này, các nhà khoa học mới nghĩ đến việc nâng cao chất lượng công bố - sản phẩm của các đề tài và dự án do Quỹ tài trợ, hỗ trợ. Cách đây chừng 5, 7 năm, tại một cuộc gặp mặt tổng kết cuối năm của NAFOSTED, giáo sư Nguyễn Hữu Việt Hưng (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN), một thành viên Hội đồng khoa học ngành Toán, nói ông và một số đồng nghiệp đã từng dự đoán cho đến một ngày, sẽ có rất nhiều công bố mà Quỹ nhận được từ các chủ trì đề tài nằm ở ranh giới của nhóm tạp chí có chất lượng chuyên môn cao và nhóm tạp chí chất lượng thấp, nghĩa là thuộc nhóm trung bình. Việc “đếm bài” khi nghiệm thu đề tài, trong một giai đoạn lịch sử nhất định, sẽ rất hữu ích nhưng đến một giai đoạn nào đó, cần phải xem xét lại để có được những nghiên cứu tốt. Thực tế cho thấy, dự đoán của các nhà khoa học tâm huyết đã không chệch khỏi đường ray này: mặc dù một số nhà khoa học Việt Nam bắt đầu có công trình được xuất bản trên các tạp chí uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chuyên ngành hẹp của mình nhưng vẫn là những trường hợp đơn lẻ và ít ỏi.

Đây cũng là lý do mà một vài năm trở lại đây, Quỹ NAFOSTED đã điều chỉnh lại danh mục tạp chí quốc tế uy tín, loại bỏ một số tạp chí chất lượng thấp, điều chỉnh tiêu chí nghiệm thu đề tài như khuyến khích đăng bài trên tạp chí chất lượng cao với quy đổi hai bài tạp chí thường lấy một bài trên tạp chí này… Bên cạnh đó, NAFOSTED cũng bắt đầu triển khai một loạt chính sách về hỗ trợ nâng cao năng lực của nhà nghiên cứu trẻ, tài trợ cho postdoc, tài trợ cho nhóm nghiên cứu mạnh…, đi kèm với những yêu cầu cũng rất khắt khe và đòi hỏi nhà nghiên cứu làm việc một cách nghiêm túc để đáp ứng được những yêu cầu này. Vì vậy, trong đợt đầu xét hồ sơ postdoc, khởi động vào cuối năm 2019 thì đến gần giữa năm 2020, NAFOSTED mới nhận được 23 hồ sơ, trong đó có 11 hồ sơ qua vòng xét chọn của các hội đồng khoa học. Tài trợ và hỗ trợ từ những chính sách mới này được coi là động cơ mới cho các nhà khoa học Việt Nam, làm việc ở các viện nghiên cứu và trường đại học trên cả nước, tìm đến những đột phá khoa học, hoặc nói một cách khiêm tốn hơn là nâng cao chất lượng nghiên cứu.

Tuy nhiên, những chính sách này chưa đủ sức trở thành cây đũa thần để đưa các ngành khoa học cơ bản của Việt Nam bước qua lằn ranh “chất lượng trung bình”, trong bối cảnh hôm nay.

Vượt qua bằng cách nào?

Từ nhiều năm qua, câu chuyện về nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm nghiên cứu xuất sắc đã được nhắc đến trong các cuộc tọa đàm của Tia Sáng. Có lẽ, không ai có thể xây dựng một nền tảng KH&CN tiên tiến dựa vào nội lực lại có thể bỏ qua những khối cơ bản của nó – nhà nghiên cứu xuất sắc, nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm xuất sắc… “Chúng tôi rất trông chờ vào sự đột phá của các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm nghiên cứu xuất sắc”, giáo sư Trần Xuân Nam, Phó giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự và Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành Khoa học máy tính NAFOSTED nhấn mạnh tại cuộc hội thảo tạo trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

Các đồng nghiệp của anh cũng đặt rất nhiều hy vọng vào đó. Giáo sư Phan Bách Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử (INOMAR), ĐHQG TP.HCM, đã đặt mô hình nhóm nghiên cứu/trung tâm xuất sắc của Mỹ và Singapore bên cạnh nhóm nghiên cứu mạnh tại Việt Nam không phải để so sánh chất lượng nghiên cứu mà muốn chứng minh: muốn có đột phá về khoa học thì cần có đột phá về chính sách đầu tư. Đề cập đến các trung tâm xuất sắc ở Mỹ có liên quan đến Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ, anh cho biết trong vòng 10 năm, các nơi này quy tụ 1.250 người, xuất bản trên 3.700 công bố, nhận được 88.000 trích dẫn, có hơn 220 bằng sáng chế, thành lập hàng trăm công ty từ các kết quả nghiên cứu từ mạng lưới các trung tâm xuất sắc.

Tương tự, từ năm 2007, Singapore đã thành lập năm trung tâm xuất sắc bên trong hai trường đại học là ĐH Quốc gia Singapore và ĐH Công nghệ Nanyang nhằm thực hiện các nghiên cứu ở đẳng cấp thế giới và gắn chặt với định hướng phát triển của Singapore. Một trong số năm trung tâm này là Trung tâm Lượng tử với khoảng 25 nhóm nghiên cứu có trưởng nhóm là các nhà nghiên cứu xuất sắc. “Trong vòng 14 năm, Trung tâm này làm ra hơn 2.400 bài báo và nhận được 58.000 trích dẫn và đạt chỉ số H-index là 93. Điều đó cho thấy chất lượng nghiên cứu của họ ở mức rất cao”, giáo sư Phan Bách Thắng cho biết, đồng thời chỉ ra là “đến năm 2021, từ những kết quả nghiên cứu, họ đã bắt đầu có các công ty spinoff và startup khai thác các công nghệ họ tự phát triển”. Đó chính là hiệu quả mà các trung tâm xuất sắc có thể mang lại, không chỉ ở nguồn nhân lực nghiên cứu đỉnh cao, hiệu suất công bố mà còn hứa hẹn có những hiệu quả kinh tế nay mai.

Tuy nhiên, anh phân tích, việc Singapore thành lập các trung tâm xuất sắc này không chỉ dừng lại ở các mệnh lệnh hành chính mà đi kèm với nó là chính sách về con người, cơ sở vật chất linh hoạt và nguồn kinh phí đầu tư xứng đáng với chất lượng và bền vững qua nhiều năm. Nếu trong năm đầu tiên, Trung tâm Lượng tử được đầu tư 6,3 triệu USD thì tới năm 2021, con số này là 19,6 USD. Vậy nguồn ngân sách nào rót vào trung tâm này? “Vào năm 2017, Chính phủ Singapore đầu tư 150 triệu đô la Singapore qua quỹ Nghiên cứu quốc gia, Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học Singapore. Qua năm 2017 đến năm 2022, họ đầu tư 100 triệu đô la Singapore. Cơ cấu kinh phí chủ yếu là nhà nước”, anh nói. Có lẽ, trước khi để khoa học có thể đem lại những lợi ích kinh tế và đóng góp vào quá trình phát triển của đất nước thì khoa học phải nhận được sự đầu tư xứng đáng của nhà nước chứ không phải trông chờ vào sự đóng góp của nguồn lực bên ngoài.

Trông chờ vào đột phá chính sách


Những điển hình đầu tư cho các nhóm nghiên cứu mạnh và trung tâm xuất sắc của quốc tế có ích gì cho Việt Nam? Thật không thực tế khi mong chờ một trung tâm xuất sắc tầm cỡ quốc gia ở Việt Nam sẽ được hưởng một nguồn đầu tư lớn như vậy từ chính phủ nhưng các nhóm nghiên cứu mạnh và trung tâm xuất sắc ở các trường viện cũng cần được đầu tư một cách xứng đáng. Việc công nhận nhóm nghiên cứu mạnh mà không có những đầu tư đi kèm sẽ khiến cho nhóm mạnh không thực sự mạnh. “ĐHQGHN cũng từng có hướng dẫn từ năm 2013 về nhóm nghiên cứu mạnh nhưng mới chỉ công nhận thôi, không có kinh phí đầu tư thường niên và mỗi năm chỉ hỗ trợ 30 đến 50 triệu cho nhóm nghiên cứu”, giáo sư Phan Bách Thắng nhận xét.

Tuy nhiên, thực tế là ngay ở NAFOSTED thì việc nhận được đầu tư một phần như Singapore cũng là điều không tưởng. Giáo sư Huỳnh Văn Sơn, hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận xét, quy mô tài trợ ho từng đề tài của Quỹ còn thấp, khoảng 950 triệu đồng/đề tài. “Với quy mô này, Quỹ sẽ mất lợi thế cạnh tranh, không khuyến khích được việc làm khoa học bởi hiện nay, đề tài cấp tỉnh cũng có kinh phí thực hiện rơi vào khoảng 1 đến vài tỷ”, anh nói và chỉ ra nghịch lý là “tuy kinh phí không cao nhưng các đề tài NAFOSTED lại có yêu cầu rất cao về công bố trên tạp chí uy tín, kể cả sản phẩm đào tạo. Nếu chúng ta không đầu tư trọng điểm thì dần dần sẽ mất đi ý nghĩa của chương trình”.

Hiện tại, NAFOSTED vẫn còn chưa có đủ nguồn lực để nâng cao hơn nữa định mức tài trợ cho các nghiên cứu của mình. Ngay cả đối với nhóm nghiên cứu mạnh thì Quỹ NAFOSTED mới dừng lại ở việc chấp nhận những đề tài có thời gian thực hiện dài hơn đề tài thông thường, tức là khoảng bốn năm, và mức kinh phí cũng không quá vượt trội so với các đề tài thông thường khác. Hiện tại, dù muốn nâng cao hơn nữa giá trị tài trợ cho mỗi đề tài trong các chương trình nghiên cứu cơ bản thường niên thì NAFOSTED cũng không thể vượt khỏi cái ô tổng ngân sách được cấp hằng năm là vào khoảng 300 tỷ đồng/năm (giai đoạn 2018-2020) và tối thiểu 500 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2021-2025, theo điều lệ. “Liệu cơm gắp mắm”, đó là hiện trạng của NAFOSTED khi tính đến các chương trình tài trợ, hỗ trợ khoa học.

Trong khi đó, NAFOSTED đang bước vào một chặng đường mới: chuyển đổi từ một quỹ hoạt động ngoài ngân sách sang quỹ trong ngân sách, nghĩa là thay vì cơ chế quỹ, NAFOSTED sẽ áp dụng cơ chế dự toán ngân sách với các quy định tài chính chặt chẽ hơn. Việc NAFOSTED trở thành đơn vị sự nghiệp công lập hưởng ngân sách nhà nước và được cấp vốn hằng năm đã tác động mạnh đến các nhà khoa học. Mặc dù biết từ trước đến nay, Quỹ NAFOSTED là một đơn vị nhà nước, phải chịu rất nhiều khung quản lý tài chính khác nhau nên không dễ thay đổi và đưa ra những quy định hợp lý hơn với bản chất tài trợ cho khoa học nhưng một nhà khoa học nhiều năm là chủ trì đề tài do Quỹ tài trợ vẫn phải đưa ra nhận xét về bối cảnh mới là “Tính thông thoáng và linh hoạt vốn có của cơ chế quỹ có thể sẽ không còn”. Vì vậy, tại hội thảo, giáo sư Huỳnh Văn Sơn cũng nhấn mạnh đến việc khi Quỹ NAFOSTED “đổi mới về cơ chế tài chính thì nên ưu tiên các nhà khoa học và cần tháo gỡ những áp lực nhất định”, trong đó nên quan tâm đến cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu.

Với mong ước duy trì một môi trường nghiên cứu minh bạch theo tiêu chuẩn quốc tế và tạo điều kiện cho những đột phá, giáo sư Phan Bách Thắng đã đề nghị Nhà nước tăng cường hỗ trợ triển khai các chương trình hiện có của Quỹ NAFOSTED, các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu bằng nguồn tài chính chủ động, bền vững, đề tài thực hiện dài hơi từ 5 đến 10 năm; đồng thời nâng cao yêu cầu đối với sản phẩm từ các đề tài của các nhóm nghiên cứu mạnh như ưu tiên chất lượng sản phẩm, loại hình sản phẩm, từ công bố đến sáng chế, sản phẩm ứng dụng, mở rộng hợp tác, tạo dựng trường phái nghiên cứu...

Nhìn về tương lai dài rộng hơn, giáo sư Nguyễn Xuân Hùng, Viện Nghiên cứu Công nghệ liên ngành (Đại học Công nghệ TP.HCM) lưu ý, khoa học thế giới đang có xu hướng chuyển đổi sang open access (truy cập mở). “Hiện trong số hơn 40.000 tạp chí thuộc danh mục Scopus có hơn 6.000 tạp chí là open access hoàn toàn, chiếm tỷ trọng 15%. Điều đó cho thấy xu thế open access hiện rất đáng kể và có những tạp chí rất uy tín là open access. Thật sự đây là vấn đề rất thách thức với các nhà khoa học bởi các nhà xuất bản đều yêu cầu nhà khoa học phải có kinh phí rất lớn, hầu như rất đắt để đăng bài ở đây. Anh đề xuất, cùng với mục tiêu nâng cao chất lượng nghiên cứu, cần phải có chính sách ở tầm quốc gia cho open access như nhiều quốc gia khác.

Bên cạnh các chính sách đầu tư cho nghiên cứu, giáo sư Nguyễn Xuân Hùng lưu ý, NAFOSTED nên chú trọng hơn vấn đề liêm chính học thuật đã nêu trong Quy định Liêm chính nghiên cứu áp dụng đối với các nhiệm vụ KH&CN do Quỹ tài trợ, ban hành vào tháng 2/2022, để đảm bảo cho việc gia tăng công bố có bài báo chất lượng và nội lực, dẫn đến loại bỏ các công bố không chất lượng hoặc dựa vào nguồn lực bên ngoài.

Những đột phá chính sách ấy sẽ là điều kiện cần thiết để có được đột phá chất lượng cho khoa học Việt Nam.