Dựa trên nghiên cứu và đa dạng hóa sản phẩm theo thị trường là một trong nhiều bí quyết giúp Hàn Quốc đưa sản phẩm Nhân sâm tới rộng rãi người tiêu dùng.

Tại hội thảo ngày 17/5 của Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), các nghiên cứu Hàn Quốc đã chia sẻ bài học thành công trong việc phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ Nhân sâm (Panax ginseng) phục vụ cho nhu cầu đại trà trong nước và xuất khẩu.

TS. Cho Sang Won, Việnxúc tiến công nghiệp thảo dược và nhân sâm Geumsan Hàn Quốc (GGHDA), cho biết, sở dĩ sâm Hàn Quốc phát triển như ngày nay là do được nghiên cứu rất kỹ từ các chuyên gia, giáo sư đầu ngành về Nhân sâm (Panax ginseng) trong nhiều năm liền.

Với cách tiếp cận từ nhu cầu thị trường, các nhà khoa học và doanh nghiệp Hàn Quốc đã bắt tay nhau để tạo ra nhiều dòng sản phẩm khác nhau, phục vụ đa dạng đối tượng, phân khúc khách hàng. Điều này khác với Việt Nam vì hiện nay chỉ người giàu mới có khả năng sử dụng các sản phẩm từ sâm Việt Nam do giá thành quá đắt đỏ.

Các sản phẩm từ nhân sâm đã được phát triển theo thời kì – trước thế kỷ 20 là các sản phẩm truyền thống (sâm nguyên củ, mứt nhân sâm, rượu nhân sâm, nước sắc từ lá và thân cây sâm, quỳnh ngọc cao, gà tần sâm…). Đến những năm 1960 là các loại nước chiết xuất hồng sâm dùng bên trong, bên ngoài hoặc dùng để tắm. Những năm 1970 có thêm các loại trà, đồ uống, viên nang, viên nén; tới giai đoạn năm 2000 có thêm các loại thực phẩm sâm lên men; giai đoạn năm 2010 là các loại thực phẩm chức năng; và hiện nay là các loại thực phẩm thông thường có nguồn gốc từ sâm (bánh kẹo, đồ uống, thực phẩm đóng hộp….)

Hàn Quốc đã ban hành các luật liên quan đến phát triển nhân sâm, gồm Luật Kinh doanh độc quyền hồng sâm (1908) và Luật Công nghiệp nhân sâm (1996). Ngày nay, các sản phẩm từ sâm chịu ảnh hưởng của cả Đạo luật về thực phẩm và Đạo luật về thực phẩm chức năng (2004).

Hàn Quốc phát triển đa dạng các công thức áp dụng nhân sâm. Ảnh: Viện GGHDA
Hàn Quốc đang phát triển nhiều công thức áp dụng nhân sâm để phục vụ khách hàng đại chúng, trẻ em, thanh thiếu niên. Ảnh: Viện GGHDA

Từ lịch sử 500 năm trồng nhân sâm làm thuốc và hơn 100 năm phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ nhân sâm, nền công nghiệp nhân sâm Hàn Quốc đã cán mốc hàng chục tỷ USD/năm. Hiện Hàn Quốc cung cấp gần 28% nhân sâm củ trên thị trường quốc tế, bên cạnh bốn nhà sản xuất nhân sâm lớn khác là Trung Quốc, Canada, Mỹ và Nhật Bản.

Xu hướng và quy mô thị trường luôn được theo dõi và phân tích để làm kim chỉ nam cho việc điều chỉnh ngành sản xuất. Chẳng hạn, các sản phẩm sâm ngày càng chú trọng đến sự tiện lợi với các sản phẩm dạng gói, viên, hòa tan trong nước hoặc bày bán ở các cửa hàng tiện lợi, siêu thị.

Trong giai đoạn 2022-2023, thông qua phân tích các từ khóa thể hiện mối quan tâm của người tiêu dùng đối với thị trường thực phẩm và đồ uống như “Thực phẩm protein”, “Thương mại điện tử (E-commerce)”, “Công nghệ thực phẩm (Food Tech)”, “ESG”, “thực phẩm tiện lợi”, các nhà sản xuất đã vạch ra một số đề suất phát triển sản phẩm mới như Sâm tươi + Nước ép rau củ quả/các loại sữa uống từ sâm tươi; Bữa ăn tiện lợi tại nhà + sốt/salad nhân sâm tươi ngâm; Các thực phẩm dùng trong thể thao/du lịch/hoạt động ngoài trời…

Cũng tại Hội thảo, TS. Kim Jinseong ở Viện GGHDA, đã giới thiệu kế hoạch nghiên cứu của Chính phủ Hàn Quốc trong 5 năm tới (2023-2027) NHẰM phát triển sản phẩm bạch sâm phù hợp cho các thị trường thực phẩm chức năng quốc tế.

Nghiên cứu do Viện Xúc tiến thảo dược và nhân sâm Geumsan, Trường đại học Y Eul ji và hai công ty Daedong Korea Gingsen và Kyungbang Pharmaceuticals thực hiện.

Đội ngũ này sẽ kết hợp với các đối tác địa phương ở nước ngoài để cùng thực hiện các thí nghiệm lâm sàng nhằm xem xét khả năng tăng cường miễn dịch (Nhật Bản) và cải thiện tuần hoàn máu (Việt Nam) của nguyên liệu được tiêu chuẩn hóa.

Mục tiêu cuối cùng là đăng ký được thực phẩm chức năng tại mỗi quốc gia, mở đường cho việc đảm bảo khả năng cạnh tranh và thâm nhập thị trường của các doanh nghiệp nhân sâm Hàn Quốc.

Theo TS. Kim Jinseong, nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả về cả công nghệ và kinh tế-công nghiệp cho ngành nhân sâm của Hàn Quốc. Nghĩa là, Hàn Quốc sẽ đảm bảo được tài liệu căn cứ khoa học để thúc đẩy đăng ký, công nhận thực phẩm chức năng ở mỗi nước, đồng thời cũng dẫn dắt được ngành công nghiệp đi theo hướng xuất khẩu phù hợp với thị trường đích.

VKIST là đối tác liên kết ở Việt Nam trong dự án này.

Triển vọng của thị trường Việt Nam

Theo ông Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng phụ trách VKIST, với việc sở hữu một số loài sâm quý và tốt - như sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu - Việt Nam có nhiều cơ hội nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang nhập khẩu rất nhiều nhân sâm và sản phẩm từ nhân sâm mỗi năm. Cụ thể, Việt Nam là nước tiêu thụ sâm Hàn Quốc lớn nhất trong số các nước Đông Nam Á. Năm 2015, Việt Nam nhập khẩu trên 1.300 tấn nhân sâm trị giá 9,46 triệu USD từ Hàn Quốc theo con đường chính ngạch.

Phân bổ của các oại sâm thuộc chi Panax trên thế giới, bao gồm cả Nhân sâm Hàn Quốc và Sâm Việt Nam.
Phân bổ của các oại sâm thuộc chi Panax trên thế giới, bao gồm cả Nhân sâm Hàn Quốc và Sâm Việt Nam.

Chia sẻ về những nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển các sản phẩm từ nhân sâm bản địa, PGS. TS. Nguyễn Mạnh Tuyển, Trường Đại học Dược Hà Nội, cho biết, sâm Việt Nam (Panax vietnamensis) được phát hiện từ năm 1973, tới nay phân bổ được tìm thấy ở 5 tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Nam, Kon Tum.

Các nhà nghiên cứu trong nước đã định tính được các thành phần quan trọng trong sâm Việt là ginsenosid Rb1, Rf, Re, Rg1, R1, R2 và định lượng được một số chất cho thấy hàm lượng saponin cao.

Chất lượng nhân sâm Việt Nam đã được khẳng định trong “Dược điển Việt Nam” (Bộ Y tế) và được kiểm soát theo tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm nhân sâm TCVN 11936:2017 (Bộ KH&CN).

Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận rằng, mặc dù sâm Việt Nam đã phát triển thành một số sản phẩm hàng hóa nhưng thị trường mới chỉ dành cho người giàu, và nền công nhiệp còn rất nhỏ.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần có thêm các chương trình/dự án nghiên cứu khoa học chuyên sâu về sâm để bắt tay với các doanh nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với thị trường.

Ông Phương Thiện Thương, Phó Viện trưởng VKIST, cho rằng những bài học từ thành công và khó khăn của Hàn Quốc có thể giúp cho các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp Việt Nam đưa ra ý tưởng xác định sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ Nhân sâm (Panax ginseng) và Sâm Việt Nam (Panax vietnamensis) và lên kế hoạch thực hiện tốt nhất.

Hội thảo ngày 17/5 của VKIST đã thu hút được sự tham gia của hơn 200 nhà khoa học, doanh nhân, nhà quản lý và các chuyên gia trong và ngoài nước.

VKIST cho biêt sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động hội thảo chuyên đề sâu về nghiên cứu phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ Sâm nói riêng và từ thảo dược nói chung để kết nối các bên.