Tuy nhiên, một nghiên cứu mới công bố của Đại học Rutgers khẳng định sai lầm của “quy tắc” này, bởi lẽ ngay khi thức ăn rơi xuống đất, vi khuẩn đã lập tức xâm nhập.
Đồ ăn rơi xuống đất nhanh chóng bị nhiễm khuẩn. Ảnh: RD
Nhóm nghiên cứu - đứng đầu là hai nhà khoa học Robyn Miranda và Donald Schaffer - đã tiến hành thử nghiệm xem phải mất bao lâu thì dưa hấu, bánh mì và bơ, bánh mì trắng và bánh kẹo gummy bị vi khuẩn xâm nhập sau khi rơi trên bề mặt có khuẩn Enterobacteriaceae hay họ vi khuẩn đường ruột tương tự Salmonella. Các bề mặt trong nghiên cứu này được làm từ nhiều vật liệu khác nhau như thép không gỉ, sứ, gỗ và thảm.
Mỗi loại thực phẩm được thử nghiệm trên từng bề mặt và trong những khoảng thời gian khác nhau, nghĩa là các thức ăn vẫn còn trên mặt đất trong 1 giây, 5 giây, 30 giây và 300 giây. Tổng cộng, hơn 100 kịch bản khác nhau được thử nghiệm.
Kết quả cho thấy, “quy luật 5 giây” là không chính xác. Các vi khuẩn trên sàn nhà xâm nhập thực phẩm một cách gần như ngay lập tức. Tuy nhiên, họ phát hiện vi khuẩn trên thực phẩm ướt (trong trường hợp này là dưa hấu) có tốc độ lan truyền nhanh hơn so với các loại thực phẩm khác. Điều này có nghĩa độ ẩm liên hệ trực tiếp với sự lây lan của vi khuẩn.
Các nhà khoa học khuyến cáo, với trường hợp thực phẩm rơi xuống đất, tốt hơn hết chỉ ăn khi đồ ăn rơi trên thảm. Nghiên cứu cho thấy, nhiều bề mặt phẳng như thép không gỉ và gạch có tỷ lệ nhiễm chéo thậm chí cao hơn so với gỗ. Những miếng thức ăn nằm trên sàn nhà càng lâu, tỷ lệ bị nhiễm vi khuẩn càng cao.
“Mặc dù thời gian tiếp xúc lâu khiến vi khuẩn xâm nhập nhiều hơn, chúng tôi cũng thấy rằng các yếu tố khác bao gồm bản chất của thực phẩm và bề mặt có tầm quan trọng ngang bằng hoặc lớn hơn yếu tố thời gian. Một số tình huống xâm nhập thậm chí còn diễn ra ngay lập tức với thời gian chưa đến 1 giây. Điều đó giúp chúng ta thấy rằng “quy tắc 5 giây” hoàn toàn phải bị bác bỏ” - nhóm nghiên cứu kết luận.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Ứng dụng và Môi trường vi sinh.