Những cây nho đỏ được đặt trong trạm vũ trụ Thiên Cung 2 để tiếp xúc với bức xạ vũ trụ nhằm tìm ra đột biến gene tốt nhất cho loại rượu vang ngon.
|
Trạm Thiên Cung 2 phóng vào vũ trụ hôm 15/9 từ sa mạc Gobi. Ảnh: AFP.
|
Các nhà khoa học Trung Quốc hy vọng bức xạ vũ trụ sẽ thúc đẩy đột biến gene ở cây nho, khiến chúng thích nghi tốt hơn với thời tiết khắc nghiệt ở một số vùng trồng nho đang phát triển ở Trung Quốc, theo DecanterChina.com.
Những cây nho được mang theo trên trạm vũ trụ Thiên Cung 2 khởi hành tuần trước gồm các giống cabernet sauvignon, merlot và pinot noir,được chọn lọc từ vườn ươm gần núi Helan ở Ninh Hạ, khu vực được mệnh danh là "vùng Bordeaux của Trung Quốc".
Các nhà nghiên cứu cho rằng việc tiếp xúc với bức xạ vũ trụ có thể tạo ra những đột biến giúp tăng sức chịu đựng điều kiện lạnh giá, khô hạn và các loại virus ở cây nho. Sau khi được mang về Trái Đất, các cây nho này sẽ trải qua nhiều cuộc kiểm tra, so sánh với những cây nho khác để tìm ra loại đột biến phù hợp nhất.
Nền kinh tế phát triển nhanh chóng biến Trung Quốc thành một trong những quốc gia sản xuất rượu hàng đầu thế giới. Trung Quốc tiêu thụ nhiều rượu vang đỏ nhiều nhất thế giới, và có nhiều vườn nho hơn cả nước Pháp. Các cơ sở sản xuất rượu nho mọc lên trên khắp đất nước từ tỉnh Liêu Ninh lạnh giá ở đông bắc đến sa mạc Tân Cương nắng cháy.
Ngoài nghiên cứu trên cây nho, các phi hành gia Trung Quốc sẽ sử dụng Thiên Cung 2 để tiến hành thí nghiệm liên quan đến sửa chữa thiết bị trên quỹ đạo, đồng hồ nguyên tử và bão Mặt Trời.
Theo VNExpress