Nhiều năm qua trên thế giới, có nhiều tổ chức khoa học được thành lập nhằm tập hợp các nhà khoa học trẻ từ các quốc gia và nền văn hoá khác nhau để họ có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tầm nhìn về tương lai một cách dễ dàng hơn.

Tôi sẽ tóm lược hoàn cảnh và lịch sử phát triển những nỗ lực trên, qua đó xem xét vị trí phù hợp của Việt Nam trong bức tranh này.

.

Hiệp hội các Nhà khoa học trẻ Thế giới (WAYS)

Hội đồng Khoa học Quốc tế (ICSU, trước đây là Hội đồng các Hiệp hội Khoa học Quốc tế) là một tổ chức thúc đẩy phát triển hợp tác quốc tế cho sự tiến bộ khoa học. Tên mới của tổ chức được đổi vào năm 1998 nhưng hoạt động của nó vẫn trong phạm vi của Hiệp hội các Viện Hàn lâm Quốc tế (1899-1914) và Hội đồng Nghiên cứu Quốc tế (1919-1931). Thành viên của ICSU là các cơ quan khoa học quốc gia và các hiệp hội khoa học quốc tế. Tính đến năm 2017, nó có 122 Thành viên Khoa học Quốc gia đa ngành, các Cộng tác viên và Quan sát viên đại diện cho 142 quốc gia và 31 Liên hiệp Khoa học Quốc tế. Trong đó có Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) của Việt Nam. Các thành viên của ICSU hoạt động với phương châm “Tự do và trách nhiệm của khoa học là nền tảng của tiến bộ khoa học và hạnh phúc của cộng đồng. Các nhà khoa học cần được tự do đi lại, tự do hội họp, phát biểu và được truy cập dữ liệu, thông tin và các nguồn tài nguyên khác một cách công bằng trong nghiên cứu. Tất cả các cấp phải có trách nhiệm thực hiện và truyền đạt các nghiên cứu khoa học một cách toàn vẹn, với tinh thần tôn trọng, công bằng, trung thực và minh bạch, thừa nhận những lợi ích và những thiệt hại có thể xảy ra. ICSU khuyến khích công bằng trong cơ hội tiếp cận khoa học và lợi ích của nó, chống kỳ thị sắc tộc, tôn giáo, quốc tịch, ngôn ngữ, chính kiến ​​hoặc quan điểm khác, giới tính, xu hướng tình dục, khuyết tật hoặc tuổi tác.”

Vào ngày 23 và 24 tháng 6 năm 1999, 150 nhà khoa học trẻ có độ tuổi trung bình 25 đến từ 57 quốc gia đã họp tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary trong khuôn khổ Diễn đàn các Nhà khoa học trẻ Quốc tế, một hội nghị vệ tinh của Hội nghị UNESCO-ICSU về Khoa học. Họ thành lập Diễn đàn các Nhà khoa học trẻ Quốc tế để thảo luận về trách nhiệm của các nhà khoa học. Họ cho rằng “Các nhà khoa học nâng cao trách nhiệm của mình trong việc chia sẻ với công chúng về kết quả nghiên cứu của mình và ý nghĩa của nó và nhờ đó, học được kỹ năng giao tiếp; thúc đẩy giáo dục khoa học ở tất cả các cấp học và nhà khoa học cần cộng tác nhà giáo dục; giáo dục cần trình bày về khoa học một cách liên ngành; khía cạnh đạo đức phải là một phần của tất cả các nhiệm vụ khoa học và tất cả các chương trình giáo dục phải chú trọng đặc biệt đến các vấn đề đạo đức; các nhà khoa học chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc giúp đỡ các cộng đồng khoa học ở các nước kém phát triển hơn và hối thúc chính phủ hỗ trợ họ qua các khoản tài trợ dài hạn cho nghiên cứu cơ bản để duy trì mức tăng trưởng bền vững; các nhà khoa học đảm đương trách nhiệm ngày càng lớn với các chương trình về môi trường và phát triển; các nhà khoa học trẻ cần tham gia vào các quyết định về khoa học”.

Tiếp theo đó, với sự giúp đỡ, đặc biệt từ TWAS (xem dưới đây), UNESCO sáng lập nên Viện Hàn lâm các Nhà khoa học trẻ Thế giới (WAYS) nhằm tăng cường sức mạnh cho các nhà khoa học trẻ (dưới 40 tuổi) trên thế giới. Sau một thời gian, cái tên ‘Viện Hàn lâm’ rõ ràng đã gây hiểu nhầm, vì nó gây ấn tượng rằng thành viên của Viện được lựa chọn một cách nghiêm ngặt, và do đó vào tháng 4 năm 2008, nó đã được đổi tên từ ‘Viện Hàn lâm’ thành ‘Hiệp hội’ để phản ánh đúng hơn bản chất xã hội của mạng lưới. Phiên họp đầu tiên của WAYS diễn ra tại Marrakech vào ngày 11-13 tháng 12 năm 2004, thu hút khoảng 150 nhà khoa học trẻ đến từ 87 quốc gia. Hiện nay, WAYS có hơn 3.000 thành viên đến từ hơn 120 quốc gia, tuy nhiên, thành viên gốc Phi chiếm ưu thế vì đó là mạng lưới các nhà khoa học trẻ đầu tiên của lục địa này. WAYS hoạt động như một mạng xã hội khoa học. Sau khi đăng ký trực tuyến, mỗi thành viên mới được cung cấp một không gian mạng để đưa lý lịch và quan tâm hiện tại của mình lên đó, các thành viên cũng có một trang blog cá nhân để thể hiện bản thân mình. Nhiều công cụ hỗ trợ cho việc cộng tác, phối hợp khác cho phép họ chia sẻ thông tin, đăng và tìm kiếm công việc và hội thảo, tìm kiếm lời khuyên, gặp gỡ những người có cùng quan điểm và nhiều thứ khác.

Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (TWAS)

Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (TWAS), được thành lập năm 1983 bởi Abdus Salam, người nhận giải thưởng Nobel cùng với Shelly Glashow và Steven Weinberg bốn năm trước đó cho nghiên cứu về thống nhất tương tác điện từ và tương tác yếu. Những năm đầu của TWAS có sự tham gia của các nhà khoa học đoạt giải Nobel vật lý như T.D. Lee, C.N. Yang và S.C.C. Ting; A. Zichichi và C. Rubbia. Thật thú vị khi trích dẫn phát biểu của những người sáng lập TWAS năm 1983: “Mặc dù các nước đang phát triển chiếm 80% dân số thế giới, nhưng chỉ có 28% các nhà khoa học đến từ các nước này. [...] Sự thiếu hụt kinh phí nghiên cứu thường khiến các nhà khoa học ở các nước đang phát triển bị cô lập về tri thức, gây nguy hại cho sự nghiệp, tổ chức, và cuối cùng là quốc gia của họ. Các nhà khoa học ở các nước đang phát triển có xu hướng bị trả lương thấp và công việc của họ không được tôn trọng vì vai trò của nghiên cứu khoa học với phát triển ở những nước này bị đánh giá thấp. Điều này dẫn đến việc chất xám chảy tới các nước phát triển và làm nghèo thêm các nước đang phát triển. Các viện nghiên cứu và các trường đại học ở các nước đang phát triển không được tài trợ đầy đủ, buộc các nhà khoa học phải làm việc trong những điều kiện khó khăn và thường với các thiết bị lỗi thời”. Đáng buồn, ba mươi lăm năm sau, những lời này vẫn phần nào đúng với nền khoa học Việt Nam. Sau Đổi Mới, trong khi một số nhà toán học Việt được bầu làm thành viên của TWAS (Ngô Việt Trung năm 2000, Hà Huy Khoái năm 2004, Đào Trọng Thi năm 2006, Lê Tuấn Hoa năm 2011, Hoàng Xuân Phú và Phan Quốc Khánh năm 2013), không có nhà khoa học Việt ở ngành nào khác được bầu chọn, nhất là ngành vật lý. Thành viên mới của TWAS được bầu trên cơ sở duy nhất là sự xuất sắc trong khoa học. Nhiệm vụ của họ là “công nhận, hỗ trợ và thúc đẩy sự xuất sắc trong nghiên cứu khoa học ở các nước đang phát triển; đáp ứng nhu cầu của các nhà khoa học trẻ ở các nước tụt hậu về khoa học và công nghệ; thúc đẩy hợp tác, ở các nước đang phát triển cũng như giữa các nước phát triển và đang phát triển, về khoa học, công nghệ và đổi mới; khuyến khích nghiên cứu khoa học và chia sẻ kinh nghiệm trong việc giải quyết những vấn đề lớn mà các nước đang phát triển đang phải đối mặt”. TWAS hỗ trợ tài chính cho các nhà khoa học và hội thảo khoa học, trao học bổng, kinh phí cho nghiên cứu và giải thưởng, đặc biệt Giải thưởng TWAS dành cho các nhà khoa học trẻ, trong đó Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (VAST) chịu trách nhiệm gửi các đề cử từ Việt Nam. TWAS là thành viên của Hiệp hội các Viện Hàn lâm và các Hội Khoa học châu Á (AASSA), một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế về khoa học và công nghệ mà VAST là đại diện của Việt Nam.

Viện Hàn lâm Khoa học trẻ Toàn cầu (GYA)

GYA được thành lập năm 2010 tại Berlin sau cuộc họp trù bị thứ nhất năm 2008 do Hội đồng Liên Viện Hàn lâm về Các Vấn đề Quốc tế và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Mùa hè Davos) tài trợ và một cuộc họp thứ hai được tổ chức năm 2009 tại Đại Liên, Trung Quốc.

Đoàn đại biểu đại diện Campuchia, Nhật Bản, Malaysia, Philipines, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam đến dự hội nghị thường niên của Viện Hàn lâm Khoa học trẻ Toàn cầu.

Đoàn đại biểu đại diện Campuchia, Nhật Bản, Malaysia, Philipines, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam đến dự hội nghị thường niên của Viện Hàn lâm Khoa học trẻ Toàn cầu.

GYA được sáng lập bởi một nhà hóa học Hoa Kỳ và một nhà sinh vật học Thái Lan. Viện Hàn lâm này hợp tác chặt chẽ với hầu hết các tổ chức khoa học lớn trên thế giới, như UNESCO, ICSU, IAP và TWAS. Mục đích của nó nhằm trở thành “tiếng nói của các nhà khoa học trẻ”, để “khuyến khích hợp tác và đối thoại quốc tế, giữa các thế hệ và liên ngành; tập hợp các nhà khoa học trẻ để cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu và các vấn đề chính sách đòi hỏi chuyên môn liên ngành; khuyến khích các bạn trẻ đi theo sự nghiệp khoa học; thúc đẩy văn hoá khoa học, ở đó sự xuất sắc trong nghiên cứu được đánh giá cao hơn thâm niên; cải thiện nền tảng khoa học trên toàn thế giới bằng việc khuyến khích và công nhận các nhà nghiên cứu ở các nước có các chương trình khoa học quốc gia kém phát triển”. Viện Hàn lâm Khoa học trẻ Toàn cầu có các nhóm làm việc về giáo dục khoa học, khoa học và xã hội, phát triển sự nghiệp sớm và các vấn đề liên ngành. Tuổi trung bình của các thành viên là khoảng 35, một vài năm sau khi nhận bằng tiến sĩ. Số thành viên của GYA được giới hạn là 200, và giới hạn của một nhiệm kỳ là bốn năm. Một thành viên được công nhận dựa trên sự xuất sắc khoa học qua đề cử của các nhà khoa học có thâm niên, các hội nghề nghiệp và qua tự đề cử, cùng với đánh giá của chính các thành viên của GYA và các nhà khoa học có thâm niên. Tính đến năm 2014, GYA đã đạt lượng thành viên tối đa, 200 thành viên. Có hơn 70 quốc gia có đại diện tại GYA. Trong năm 2014, sáu Viện Hàn lâm trẻ quốc gia đã được thành lập ở Canada, Ai Cập, Ấn Độ, Ghana, Kenya và Việt Nam.

Viện Hàn lâm Trẻ Việt Nam (VYA)

Viện Hàn lâm Trẻ Việt Nam được thành lập tháng 11 năm 2014 bởi Nguyễn Thi Kim Thanh, một trong những thành viên sáng lập của Viện Hàn lâm trẻ Toàn cầu. Cách đây 30 năm, cô bắt đầu học đại học tại ĐHQGHN, nơi cô tốt nghiệp chuyên ngành hóa học năm 1992; sau đó cô đi du học và bắt đầu một sự nghiệp nghiên cứu quốc tế có uy tín tại Hà Lan, Hoa Kỳ và Anh quốc, nơi cô lấy bằng tiến sĩ năm 1998. Từ năm 2013, cô đảm nhận vị trí giáo sư tại Đại học College London (UCL), nơi cô dẫn đầu một nhóm nghiên cứu thực hiện nghiên cứu liên ngành tiên tiến về thiết kế và tổng hợp vật liệu nano cho ứng dụng y sinh. Từ khi thành lập VYA cho đến nay, cô đã là động lực của tổ chức này, nỗ lực không mệt mỏi cho sự thành công của nó, với hy vọng giúp đỡ quê hương trên con đường tiến tới một nền khoa học tốt hơn. Cô hiện đang là chủ tịch Hội đồng Cố vấn của VYA.

VYA là một tổ chức phi lợi nhuận độc lập và trung lập về chính trị, có mục đích:

- “Hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ tăng cường năng lực, phát triển cá nhân và chuyên môn thông qua các mạng lưới quốc gia và toàn cầu, và cuối cùng tạo điều kiện cho họ có nhiều đóng góp có giá trị hơn cho xã hội;

- Nâng cao truyền thông học thuật, giáo dục và tạo nên tác động đến đổi mới và phát triển chính sách ở Việt Nam dựa trên sự đa dạng về chuyên môn của Viện Hàn lâm;

- Xây dựng nền tảng phát triển tri thức và cộng đồng cho sự nghiệp mới của các học giả trong mối liên hệ với Việt Nam để họ có thể cùng hợp tác, mở rộng cơ hội nghiên cứu và nghề nghiệp, thảo luận về những thách thức và nâng cao năng lực, tạo cầu nối giữa các lĩnh vực trong khoa học, nghệ thuật và nhân văn. Viện Hàn lâm nhận lợi ích từ kinh nghiệm bổ sung của các thành viên ở Việt Nam, những người biết rõ về nhu cầu và những vấn đề trong nước, và những thành viên ở nước ngoài được tiếp cận với môi trường nghiên cứu thuận lợi, được tiếp xúc với thực hành dân chủ cũng như cách suy nghĩ khác”.

Chị Nguyễn Thị Kim Thanh, sáng lập viên của Viện Hàn lâm Trẻ Việt Nam. Ảnh: http://www.ntk-thanh.co.uk

Chị Nguyễn Thị Kim Thanh, sáng lập viên của Viện Hàn lâm Trẻ Việt Nam. Ảnh: http://www.ntk-thanh.co.uk

Hiện nay, VYA, với số thành viên là người Việt ở nước ngoài chiếm ưu thế, tập trung đặc biệt vào vai trò là cầu nối giữa học giả Việt ở trong nước và nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi kiến ​​thức và thực tiễn làm việc giữa họ trong khi tích cực duy trì liên hệ với các tổ chức khoa học trong nước và quốc tế.

Các thành viên của VYA được lựa chọn dựa trên sự phù hợp của họ trong việc đảm nhận vai trò tích cực thực hiện các mục tiêu của Viện Hàn lâm. Nhiệm kỳ thành viên ban đầu là 1 năm và chỉ có thể được kéo dài thêm một lần trong 4 năm, tùy thuộc vào kết quả tích cực của lần nộp đơn sau đó. Số lượng thành viên của VYA không vượt quá 120 người; thành viên được lựa chọn theo thứ tự xếp hạng từ trên xuống bởi một Hội đồng tuyển chọn bao gồm ít nhất năm người là thành viên của VYA, cựu thành viên hoặc cố vấn của VYA. Thành viên có thể tự đề cử hoặc do thành viên khác đề cử với sự đồng ý của người được đề cử. Các thành viên bầu Chủ tịch và Ban Điều hành. Viện Hàn lâm được sự trợ giúp của một Ban Cố vấn.

Trong số các hoạt động của mình, VYA phát hành Bản tin hằng tháng do TS. Lâm Hạnh, Chủ tịch VYA đến từ Cornell, TS. Bùi Thanh Duyên từ San Francisco và TS. Lê Hoàng Sinh từ Đà Nẵng, cùng với GS. Nguyễn Thi Kim Thanh biên tập.

Việt Nam có thể thu được lợi ích gì từ những cơ hội mà các hội này mang lại?

Bức tranh mà tôi phác họa trên có thể mang lại ấn tượng cho người đọc về một sự hỗn loạn, với các tổ chức thường xuyên đổi tên, được tạo mới hoặc sáp nhập. Đặc điểm chung của những tổ chức này có thể dễ dàng được xác định: sự cống hiến vô điều kiện cho tiến bộ của khoa học không biên giới, những giá trị tri thức và sự nghiêm ngặt đạo đức mà nó mang theo cùng với thiện chí của các nước phát triển để giúp các nước đang phát triển trên con đường đạt được tiến bộ như vậy.

Một cách ngây thơ, tôi nghĩ rằng có thể tận dụng các tổ chức khoa học quốc tế như WAYS và GYA/VYA để cộng đồng khoa học Việt tiếp cận với những điều kiện giúp chúng ta phát triển. Đó là lý do tại sao, khi tôi được mời tham gia Ban Cố vấn của VYA, tôi đồng ý ngay lập tức.

Tôi nghĩ rằng mình có thể giúp VYA cân bằng số thành viên trong nước và nước ngoài, giữa các ngành khác nhau và lựa chọn thành viên kỹ càng hơn dựa trên thành tích khoa học. Tôi hoàn toàn tin rằng khuyến khích giao lưu giữa các nhà khoa học trẻ trong và ngoài nước là điều rất tốt: điều đó cho phép các nhà khoa học trẻ trong nước cơ hội học hỏi từ những kỹ năng củanhững nhà khoa học ở nước ngoài; đồng thời nó cũng giúp những nhà khoa học ở nước ngoài hiểu rõ hơn về những điều kiện ở trong nước và là một nhà khoa học ở Việt Nam có nghĩa là như thế nào; Tôi phải thú nhận rằng điều thứ hai này, ít nhất đối với tôi, cũng quan trọng như điều thứ nhất, nếu không muốn nói là quan trọng hơn, và tôi cảm thấy không thoải mái khi thấy các nhà khoa học Việt ở nước ngoài nhân danh và đại diện khoa học Việt Nam trước các tổ chức quốc tế. Tôi biết từ kinh nghiệm rằng khoa học là một nền tảng tuyệt vời để quảng bá các giá trị về nhân phẩm, xóa bỏ biên giới giữa các quốc gia và sự khác biệt văn hoá và tôi nghĩ rằng cộng đồng chúng ta nên tham gia mạnh mẽ hơn vào VYA để phát triển đúng hướng.

Để làm sáng tỏ cái nhìn của mình về tăng cường và cải thiện sự tham gia của các nhà khoa học trẻ ở Việt Nam vào VYA, đầu tiên tôi đến gặp một nhà khoa học, người là nguyên chủ tịch VYA năm 2017. Tôi được nghe anh nói về những khó khăn mà anh phải đối mặt trong vai trò chủ tịch của mình, về cơ bản những khó khăn này cản trở việc phát triển hiệu quả. Sau đó tôi xin gặp GS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (VAST), Ủy viên Trung ương Đảng, người mà Nguyễn Thi Kim Thanh đã gặp vào tháng Giêng năm nay. Ông ấy đã vui lòng dành thời gian lắng nghe và cho tôi biết quan điểm của ông về vấn đề này. Trong khi cá nhân ông rất ủng hộ tất cả sáng kiến giúp các nhà khoa học trẻ Việt ở trong và ngoài nước tiếp xúc gần gũi hơn, ông giải thích với tôi rằng bất kỳ tổ chức hoặc hiệp hội quốc tế nào cũng cần phải được chính thức công nhận bởi một tổ chức trong nước như Bộ Ngoại giao hay Trung ương Đoàn trước khi được coi là tồn tại ở Việt Nam. Do đó, đối với ông, VYA đơn giản chưa được công nhận và trong quyền hạn của mình, ông không thể giúp VYA được. Ông đề nghị có thể thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Anh như một cơ quan trung gian để VYA được công nhận, có vẻ đối với tôi, một người tin tưởng mạnh mẽ vào khoa học không biên giới, đây là một ý tưởng khá lạ; Tôi đã hỏi liệu VUSTA có thể giúp được không, nhưng câu trả lời là không. Thật ra, sau khi nghe động cơ của tôi, ông nói rõ rằng ông không có quyền, và không thể giúp VYA được công nhận. Do đó, tôi đã quyết định rút khỏi Ban Cố vấn của VYA và một điều trở nên rõ ràng với tôi, rằng còn quá sớm để hy vọng vào một sự thay đổi phong cách mà tôi vẫn thường kêu gọi trong bài báo trên Tia Sáng trước đó.

Khi một nhà khoa học Việt đọc những lời phát biểu của những nhà sáng lập TWAS hoặc tuyên bố của Diễn đàn các Nhà khoa học trẻ Quốc tế năm 1999, ta không thể không hy vọng những lời đó sẽ trở thành phương châm và hành động của Khoa học Việt Nam. Chúng ta biết rất rõ rằng vẫn còn nhiều việc cần phải được cải thiện để các hội ngành của chúng ta trở nên chủ động hơn và ít phụ thuộc hơn vào các quy tắc của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam như không cho phép các nhà khoa học nước ngoài làm việc trong nước trong hơn một thập niên (gần hai thập niên trong trường hợp cá nhân của tôi ...) trở thành thành viên; thực hiện những hành động để loại bỏ hoàn toàn các hành vi phi đạo đức như đạo văn, loại bỏ việc giám đốc của một viện ký một cách có hệ thống tất cả các công trình khoa học của viện, loại bỏ việc những tấmbằng được trao một cách gian lận, các luận án được mua với giá cao; hành động để khuyến khích các nhà khoa học trẻ nói lên suy nghĩ của mình; hành động để có những hội đồng công minh và trung lập quyết định việc thăng tiến và giải thưởng dựa hoàn toàn vào sự xuất sắc khoa học; hành động để tham nhũng và chủ nghĩa thân quen đứng ngoài bức tường của các trường đại học và các viện nghiên cứu; hành động để các nhà nghiên cứu và các giảng viên được tôn trọng đối với công việc của họ và để họ có mức lương xứng đáng; hành động để họ có thể được truy cập tới những thiết bị khoa học hiện đại; hành động để ngăn chặn nạn chảy máu chất xám; hành động để các kiểm duyệt viên của chúng ta học được cách phân biệt giữa những người háo hức muốn giúp đỡ khoa học và đất nước phát triển và những blogger có mục đích lật đổ, gây hại cho chính phủ.

Pierre Darriulat

Phạm Ngọc Điệp dịch

----------------

Tài liệu tham khảo"

Tôi liệt kê dưới đây một vài trang mạng liên quan, dựa vào đó mà bài bào này được viết nên:

Về ICSU: https://www.icsu.org/https:// en.wikipedia.org/wiki/International_Council_for_Science

Về VUSTA: www.vusta.vn/en/

Về cuộc họp Budapest năm 1999 của Diễn đàn các Nhà khoa học Trẻ Quốc tế: http://www.unesco.org/science/wcs/youth/young.htm

Về TWAS: www.vusta.vn/en/

Về WAYS: https://en.wikipedia.org/wiki/ World_Association_of_Young_Scientists
www.unesco.org/.../global.../young-scientists/world-association-of-young-scientists-w...

Về Erice (ICSC, WFS, World Lab): www.federationofscientists.org/WfsWorldLab.php

Về VAST: www.vast.ac.vn/en/

Về AASSA: aassa.asia/

Về IAP: http://www.interacademies.org/ 31840/About

Về GYA: https://www.globalyoungacademy.org/
https://en.wikipedia.org/wiki/Global_Young_Academy

Về VYA: vietnamyoungacademy.org/

Về GS. Nguyen T.K. Thanh: http://www.ntk-thanh.co.uk/