Trong đó chú trọng tác động mạnh vào nhóm doanh nghiệp dẫn dắt công nghệ, nhóm doanh nghiệp vệ tinh phụ trợ và nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Giải pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng
Những câu hỏi tập trung vào hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó vấn đề nổi lên hàng đầu là làm sao để ứng dụng KH&CN thúc đẩy tăng năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, như câu hỏi của đại biểu Bùi Sĩ Lợi đặt ra ngay từ phần mở đầu phiên chất vấn.
Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, để thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất lao động, trong thời gian qua Chính phủ đã tập trung mọi nguồn lực, trong đó KH&CN cũng đang góp phần quan trọng giúp nâng cao năng suất nội ngành của từng lĩnh vực cụ thể.
Đơn cử như với chủ trương nuôi tôm theo chuỗi giá trị, phấn đấu đạt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu lên 10 tỷ USD, Bộ KH&CN đã ngay lập tức vào cuộc để làm rõ công nghệ nào cần nghiên cứu chủ động, công nghệ nào cần chuyển giao, và chỉ đạo các viện nghiên cứu từ khâu giống, kỹ thuật thả nuôi đến chế biến phụ phẩm...
Các giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất được Bộ KH&CN đề ra tương ứng cho từng loại đối tượng. Với doanh nghiệp được có vai trò dẫn dắt công nghệ thì tạo mọi điều kiện để họ có cơ sở nghiên cứu; doanh nghiệp nhỏ và vừa thì tạo điều kiện thuận lợi cho tiếp nhận chuyển giao công nghệ; với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thì Bộ tập trung xây dựng hệ sinh thái để phát triển. Bên cạnh đó là những chính sách cụ thể phục vụ đối tượng doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định thực tế cho thấy tại các doanh nghiệp có ứng dụng tiến bộ công nghệ mới, trong đó có công nghệ thông tin, năng suất lao động tăng rất rõ. Qua khảo sát của Bộ KH&CN ở 2.000 doanh nghiệp, có 35% đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin giúp năng suất lao động tăng 1,7 lần; toàn bộ khối dùng công nghệ từ trung bình đến cao tăng ít nhất hai lần năng suất lao động.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Ảnh: TT
Minh bạch thông tin để tránh trùng lặp
Trước câu hỏi không mới về tình trạng đề tài nghiên cứu “bỏ ngăn kéo” được đại biểu Hoàng Đức Thắng đặt ra, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chia sẻ về thực trạng mà nhiều thế hệ nghiên cứu KH&CN vẫn luôn trăn trở.
Ông thẳng thắn nhìn nhận, trên bình diện tổng thể có thể thấy các kết quả nghiên cứu còn chậm được ứng dụng. Dù cho rằng đặc thù nghiên cứu khoa học thường có độ trễ nhất định, có rủi ro và giải quyết bài toán này là sự vào cuộc của cả hệ thống, song Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, Bộ KH&CN đã xác định nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là “khắc phục tình trạng đề tài nghiên cứu bỏ ngăn kéo một cách hệ thống”.
Bên cạnh đó để tránh trùng lặp trong nghiên cứu, Bộ trưởng cho biết Thông tư 14/2014/TT-BKHCN quy định về việc thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm vụ KH&CN được ban hành và triển khai cũng nhằm mục đích công khai minh bạch cơ sở dữ liệu quốc gia. Đây cũng được xem là giải pháp nhằm rà soát ngay từ khi giao nhiệm vụ để tránh tình trạng nghiên cứu những vấn đề đã có kết quả.
“Ba khu công nghệ cao đã có sự phát triển mạnh”
Tại phiên chất vấn, nhóm câu hỏi dành cho lĩnh vực phát triển khu công nghệ cao (CNC), ứng dụng CNC cũng được nhiều đại biểu quan tâm, đặc biệt trong việc ứng dụng CNC vào lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, sự quan tâm và chủ trương, chỉ đạo để tăng cường ứng dụng CNC vào trong nông nghiệp cũng đã có từ thời gian khá lâu, đặc biệt, gần đây là thông qua Nghị quyết của Chính phủ năm 2017, Thủ tướng trực tiếp có hội nghị để triển khai.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN, trên thực tế, theo Luật CNC, bên cạnh các chương trình và hỗ trợ cụ thể đã hình thành các khu nông nghiệp CNC, trong đó tập trung thu hút các dự án để đầu tư sản xuất CNC.
Theo đó đối với khu vực nông nghiệp, việc ứng dụng CNC đã thành công và tác động rất rõ. Bên cạnh đó, trong thời gian qua đã có các tập đoàn đầu tư hình thành các chuỗi sản xuất kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cùng quan điểm với Bộ trưởng Bộ KH&CN, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định trong thành tựu của ngành nông nghiệp – hiện Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu của 93 triệu dân trong nước mà còn xuất khẩu nông sản đi 185 quốc gia; năm 2017 Việt Nam xuất khẩu 36,52 tỉ USD tiền nông sản, dự kiến năm 2018 vượt con số 40 tỉ USD, có vai trò then chốt của KH&CN. Ông đánh giá KH&CN sẽ tiếp tục có ý nghĩa “quyết định đến tính hiệu quả, tính cạnh tranh nay mai của chúng ta”.
Liên quan đến phát triển khu CNC, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nêu giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy tạo sự phát triển rõ nét. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, hiện ba khu CNC đã có sự phát triển mạnh. Tại Hoà Lạc suất đầu tư năm 2016 đạt 13 triệu USD/ha, TP HCM là 15 triệu USD/ha. Những con số này lớn hơn rất nhiều so với trước đây.
Riêng với khu CNC Hòa Lạc, được sự hỗ trợ ODA của Nhật Bản, toàn bộ hạ tầng khu CNC Hòa Lạc đã được đầu tư và mang lại nhiều kết quả. Hiện cơ chế, chính sách đặc thù đối với khu CNC Hoà Lạc đã được xây dựng và ban hành góp phần thúc đẩy xúc tiến đầu tư, tạo ra chuyển động mạnh mẽ từ giai đoạn cuối năm 2017. Hiện các nhà đầu tư lớn đầu tư vào khu CNC Hòa Lạc đều là những doanh nghiệp dùng các loại CNC được xem như là phần cứng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, Bộ KH&CN tập trung phát triển các trường đại học, viện nghiên cứu tại cả 3 khu CNC. Sắp tới, Viện Nghiên cứu Việt Nam - Hàn Quốc sẽ động thổ tại Khu CNC Hòa Lạc với sự tham dự của Tổng thống Hàn Quốc. “Chúng tôi có niềm tin vài năm tới có sức sống khác biệt ở khu CNC” – Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định.
Bên cạnh những nội dung trên, các đại biểu còn nhiều câu hỏi cho các vấn đề: giải pháp ứng dụng KH&CN trong ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực ĐBSCL; thực trạng và giải pháp khắc phục tình trạng xin cho, thiếu khách quan trong phân bổ, đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học; cơ chế, chính sách thúc đẩy các tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học, công nghệ; kết quả ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; chính sách, giải pháp tạo điều kiện phát huy đam mê sáng tạo, sáng chế của người nông dân đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; giải pháp bảo tồn, khai thác, phát triển các nguồn gen quý của đất nước; giải pháp để thực hiện tốt các mục tiêu khoa học công nghệ trong giai đoạn đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo hiện nay… Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã có những giải trình đầy đủ cho các vấn đề này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định: “UBTVQH đánh giá cao sự trả lời nghiêm túc của Bộ trưởng Bộ KH&CN; ghi nhận quyết tâm chính trị cùng lời hứa và những giải pháp đã nêu để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác KH&CN trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá không khí chất vấn, trả lời chất vấn tại phiên họp thể hiện tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao, tranh luận sôi nổi. Các vị đại biểu Quốc hội đã tích cực chất vấn, nêu câu hỏi ngắn gọn, súc tích, rõ vấn đề cần hỏi. Các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ đã trả lời thẳng thắn, cầu thị, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề; nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá kết quả thực tiễn, nhận rõ hạn chế, tồn tại thuộc trách nhiệm của mình.
Đây cũng là đợt thí điểm một số cải tiến về cách thức tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp này. Qua đó, đã tạo được sự tương tác nhiều hơn giữa người hỏi và người trả lời về vấn đề được chất vấn, nâng cao hơn trách nhiệm của cả người điều hành, người chất vấn và người trả lời chất vấn. |