Trong buổi đối thoại được tổ chức sáng 11/4, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học. Ông khẳng định đây là dịp cần thẳng thắn chỉ ra những bất cập để điều chỉnh cơ chế, chính sách.
Tài chính và cơ chế thu hút nhân tài vẫn “nóng”
Tại buổi đối thoại, GS-TSKH Nguyễn Đình Công - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đánh giá thời gian gần đây cơ chế tài chính cho KH&CN đã có nhiều đổi mới giúp nhà khoa học thuận lợi hơn rất nhiều trong nghiên cứu, đơn cử như sự thay đổi lớn về định mức chi và xây dựng dự toán, thể hiện trong Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước và Thông tư số 27/2015/TTLT-BTC-BKHCN quy định về khoán chi thực hiện nhiệm cụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, GS Công cho biết những đổi mới nêu trên còn chưa đủ, bởi sau 2 năm triển khai, thực tế cho thấy các thủ tục đấu thầu, thanh quyết toán vẫn còn phức tạp. “Nhà khoa học phải tốn nhiều thời gian công sức để hoàn thành được đề cương nhiệm vụ với phần dự toán kinh phí đầy trang hơn hẳn nội dung khoa học” – GS Công nói. Ông kiến nghị Nhà nước nên vận dụng theo phương pháp quản lý quốc tế vào quản lý hoạt động xây dựng dự toán, thanh quyết toán nhiệm vụ như Quỹ Nafosted đã làm.
Cụ thể cấp chủ quản khi phê duyệt dự toán đề tài nhiệm vụ KH&CN chỉ phê duyệt các dòng chi ngân sách cho nhân công, vật tư, hóa chất tiêu hao, mua sắm thiết bị, đoàn ra đoàn vào, chi khác…, sau đó trao cho đơn vị toàn quyền chủ động quyết định khoản chi trong từng dòng ngân sách; cấp trên quản lý sản phẩm của đề tài theo đúng tinh thần khoán của thông tư 27. “Nếu được chấp thuận đây sẽ là đột phá trong công tác quản lý, dự toán, chi tiêu và quyết toán của đề tài nhiệm vụ KH&CN” – GS Công nhấn mạnh.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trả lời những kiến nghị của các nhà khoa học trong buổi đối thoại.
Bên cạnh vấn đề cơ chế tài chính, nhiều tiếng nói các nhà khoa học kiến nghị Nhà nước có chính sách tháo gỡ những khó khăn trong việc phát triển nguồn nhân lực KH&CN, đặc biệt trong việc hình thành các nhóm nghiên cứu trẻ. Thông thường để hình thành một nhóm nghiên cứu mạnh về một hướng nghiên cứu chuyên sâu cần thời gian từ 10-15 năm. Ví dụ nhóm nghiên cứu về sensor khí tại Viện Khoa học vật liệu đã theo đuổi liên tục trong 15 năm để hình thành một nhóm nghiên cứu mạnh và bắt đầu có kết quả triển khai ứng dụng tốt. Một nhóm nghiên cứu sản phẩm thải độc cho nạn nhân nhiễm độc Dioxin tại Viện Công nghệ sinh học cũng phải mất thời gian theo đuổi trong khoảng hơn 20 năm nay.
Đối với các ngành khoa học xã hội, GS-TS Nguyễn Quang Thuấn – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội cũng cho biết những năm gần đây tình trạng đội ngũ cán bộ khoa học kế cận suy giảm nhưng lại rất khó thu hút người giỏi vì lý do tài chính eo hẹp.
Để khắc phục những khó khăn trong thu hút và phát triển đội ngũ các nhà khoa học trẻ, GS Công kiến nghị Nhà nước “cho phép sử dụng kinh phí các đề tài, dự án KH&CN để ký hợp đồng lao động và trả lương, bảo hiểm cho các nhà khoa học trẻ chưa có biên chế hay vị trí việc làm.”
Quan điểm hành động
Trao đổi với các nhà khoa học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định trên các văn kiện của Đảng, các chiến lược đều nói rất mạnh mẽ, đặt vai trò quan trọng của KH&CN; các bộ ngành thời gian qua cũng tích cực tháo gỡ nhưng phải thừa nhận giữa mong muốn và thực hiện vẫn có khoảng cách.
Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, sau hai năm thực hiện Thông tư 55 và 27, Bộ KH&CN đang trong quá trình rà soát và điều chỉnh. Bộ trưởng cam kết những điểm vướng về cơ chế chính sách thuộc trách nhiệm Bộ KH&CN sẽ được Bộ trực tiếp tháo gỡ ngay nếu có giải pháp cụ thể; với những vấn đề liên quan đến các bộ, ngành khác cũng sẽ được trao đổi thảo luận để điều chỉnh.
Để tiếp tục nhìn ra những điểm còn vướng mắc trong cơ chế, chính sách quản lý KH&CN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần có thêm nhiều cuộc trao đổi với các nhà khoa học. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&CN là đầu mối và các nhà khoa học cần chủ động gửi kiến nghị về những nội dung chính sách cụ thể cần được cơ quan chủ quản chỉnh sửa.
Cũng như tại nhiều diễn đàn khác, lần này Phó Thủ tướng tiếp tục bày tỏ mong muốn về sự minh bạch trong nghiên cứu khoa học. Theo Phó Thủ tướng, điều đó sẽ giúp tiết kiệm chi phí và tránh trùng lặp. Việc công khai các ý kiến phản biện sẽ giảm được tình trạng nể nang, cho qua những đề tài không đạt; công khai kết quả ứng dụng sẽ biết được các đề tài có vào được doanh nghiệp, vào thực tế hay không. “Cứ công khai là sẽ rõ” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.