Câu hỏi này lập tức được đặt ra sau khi Chính phủ Philippines có xu hướng tin cậy các nhà khoa học nước ngoài hơn trong lĩnh vực nghiên cứu các nguồn tài nguyên biển.


Các nhà khoa học Philippines cùng các nhà hoạt động thuộc tổ chức Hòa bình Xanh tiến hành lấy mẫu nước ở Vịnh Manila, tháng 7/2013. Ảnh: Getty Image

Tháng Giêng năm ngoái, Chính phủ Philippines mời các nhà hải dương học từ Trung Quốc tiến hành các cuộc thăm dò vùng đáy biển thuộc hải phận nước này.

Chuyên gia về luật biển Jay Batongbacal đã chỉ trích Chính phủ Philippines vì đánh giá thấp năng lực của các nhà khoa học trong nước trong việc thăm dò đáy biển và để cho người Trung Quốc tiến hành nghiên cứu ở vùng biển Benham Rise. Ông nói, Chính phủ Philippines đã “xem thường” và “làm mất mặt” các các nhà khoa học trong nước.

Một cuộc “soán chỗ” khác của người nước ngoài cũng bị phản đối bởi một nhà khoa học trong nước, đó là trường hợp nhà địa chất học Kelvin Rodolfo phản đối việc Chính phủ Philippines có kế hoạch thuê các nhà khoa học Hà Lan nghiên cứu Vịnh Manila để phác dựng các chương trình, dự án bảo vệ những vùng biển dễ bị tổn thương thuộc Vịnh.

Rodolfo nói Chính phủ đã “phớt lờ thực tế là chúng ta có Viện Hải dương học đẳng cấp thế giới. Vấn đề là Chính phủ luôn tin rằng người nước ngoài hiểu biết hơn, nhiều kinh nghiệm hơn người Philippines.”

Ông nói tiếp, “Việc không có nhà khoa học Philippines nào được dự cuộc họp (để thảo luận về dự án) với đại sứ Hà Lan thể hiện tâm lý thuộc địa của đất nước chúng ta.”

Lịch sử thuộc địa hóa

Đây là vấn đề nhạy cảm ở Philippines và các nước châu Á khác từng có thời là thuộc địa của phương Tây - Philippines thuộc Tây Ban Nha và Mỹ; Indonesia thuộc Hà Lan; Bangladesh, Ấn Độ, Malaysia, Myanmar, Pakistan, và Singapore thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh; và Cambodia, Lào, Việt Nam thuộc Pháp. Chỉ có Thái Lan là nước duy nhất trong khu vực thoát khỏi vòng thuộc địa.

Hermin Indah Wahyuni, nhà khoa học xã hội Indonesia, nói với SciDev.Net: “Đôi khi chúng tôi cảm thấy người ta có xu hướng hạ thấp vai trò của nhà khoa học ở các nước đang phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương. Đôi khi tôi cảm thấy thành kiến (đối với các nhà khoa học châu Á) từ các đồng nghiệp phương Tây. Tôi kính trọng các đồng nghiệp (phương Tây) và hy vọng có thể xây dựng một văn hóa đối thoại học thuật thật sự với họ.”

Wahyuni – giáo sư về truyền thông, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Gadjah Mada, Jogjakarta – nói, các nhà khoa học Indonesia đã tạo được dấu ấn trong các lĩnh vực nghiên cứu như núi lửa học và các bệnh nhiệt đới.

Trình độ về hải dương học của châu Á

Batongbacal, giám đốc Viện Các vấn đề về biển và Luật biển Philippines, phản đối người phát ngôn của Chính phủ khi nói rằng các nhà khoa học của Philippines thiếu năng lực và nguồn lực để tiến hành các nghiên cứu dưới nước.

Quan điểm của ông được ủng hộ mạnh mẽ bởi Angel Alcala, một nhà hải dương học danh tiếng ở châu Á. Ông là giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu và Quản lý môi trường mang tên Vua Angelo thuộc Đại học Silliman.

“Chúng ta có đủ chuyên môn về hải dương học và các nhà hải dương học để làm việc đó (thăm dò dưới nước) ở vùng biển Benham Rise,” Alcala nói với SciDev.Net trong một cuộc phỏng vấn.

Acala nghĩ rằng Philippines ngang hàng thế giới trong lĩnh vực hải dương học. Ông dẫn ra Edgardo Gomez, nhà hải dương học thuộc Đại học Philippines, nay đã nghỉ hưu, như một tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực hải dương học.

Hilconida Calumpong, giáo sư trẻ tại Đại học Silliman đưa ra một giải thích thuyết phục hơn.

“Chúng ta hoàn toàn sánh ngang với phần còn lại của thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu các vùng duyên hải và nước nông, nhưng trong lĩnh vực nước sâu chúng ta có bất lợi. Chúng ta thiếu trang thiết bị cho các nghiên cứu chi tiết ở vùng nước sâu,” Calumpong nói. “Chúng ta cũng không có ngân sách dồi dào để tiến hành các nghiên cứu dài hơi. Chúng ta thiếu những người nhiệt tình để tiến hành những nghiên cứu như vậy do nhiều nhà khoa học của chúng ta, đặc biệt là những nhà khoa học trẻ, bỏ ra nước ngoài không chỉ vì điều kiện sống tốt hơn mà còn vì cơ sở vật chất và các hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu."

Vượt qua “tâm lý thuộc địa"

Không nghi ngờ gì các nước kém phát triển hơn ở châu Á – Thái Bình Dương cần sự hỗ trợ và cần nâng cao chất lượng nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khoa học, trừ một vài lĩnh vực như hải dương học, y học nhiệt đới, núi lửa học, và nông nghiệp.

Nhưng cái họ thiếu là ngân sách và trang thiết bị hơn là chuyên môn. Chẳng hạn, chúng ta không cần mời các chuyên gia từ Malaysia, Singapore, Thailand, Vương quốc Anh, và Mỹ đến cho ý kiến thì mới biết chương trình phổ cập vaccine sốt xuất huyết của chúng ta được tổ chức kém. Bởi vì sốt xuất huyết là bệnh đặc hữu ở Philippines và nước ta có nhiều kinh nghiệm và chuyên gia trong lĩnh vực này.

Mời gọi các chuyên gia nước ngoài từ phương Tây mỗi khi gặp vấn đề, dù chỉ để làm trọng tài cho các nhà khoa học trong nước – những người không tìm được tiếng nói chung với nhau bởi các thành kiến và lợi ích vị kỷ, là không cần thiết và chỉ cho thấy rằng tâm lý thuộc địa vẫn còn dai dẳng ở các cựu thuộc địa của phương Tây ở châu Á.

Chúng ta có thể học hỏi được nhiều từ việc tư vấn, nghiên cứu chung, và trao đổi chuyên gia với các nước phát triển hơn ở ngay trong khu vực, như Singapore, Hàn Quốc, và Malaysia – những nước đã tiến xa trong nhiều lĩnh vực khoa học và y tế bởi đầu tư lớn cho nghiên cứu và phát triển.

Crispin C. Maslog
(Cựu nhà báo của AFP, nhà hoạt động môi trường và cựu giáo sư khoa học của Đại học Silliman, Philippines)