Bắt đầu từ con số 0
Chúng tôi gặp TS Đỗ Quốc Tuấn trong phòng làm việc chung của Bộ môn Tin học Vật lý thuộc Khoa Vật lý, trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Nhà khoa học trẻ bận rộn với lịch nghiên cứu, giảng dạy và cả lịch kiểm tra vấn đáp sinh viên. Khi bị trêu hơi đậm người, nhà khoa học 33 tuổi cười đùa rằng, đó là kết quả của 7 năm học cao học và nghiên cứu sinh, ngồi trên lab liên tục mỗi ngày từ 13h đến 4-5h sáng hôm sau.
Kể về công việc của mình, anh cho biết: Năm 2008, khi sang Đài Loan học, tôi vẫn chưa định hình sẽ nghiên cứu theo hướng nào. “Lúc đó, tôi chọn GS W. F. Kao bởi ông có một số bài báo cùng hướng nghiên cứu với tôi thời đại học. Tuy nhiên, đến khi gặp, tôi mới nhận thấy GS Cao đã thay đổi hướng nghiên cứu và GS Cao giao cho tôi vấn đề hoàn toàn mới về vũ trụ học. Thành thật mà nói, đây là thứ ở Việt Nam tôi chưa từng được học hay nghiên cứu. Và tôi đã bắt đầu từ con số 0”, anh cho biết.
Vốn là người ưa thử thách và thích tiếp cận cái mới, nghiên cứu sinh Đỗ Quốc Tuấn không khỏi háo hức khi tìm đọc sách, tài liệu nghiên cứu để hiểu về quá trình phát triển và hướng nghiên cứu của các nhóm trên thế giới trong ngành vũ trụ học. Sau khi được giáo sư đồng ý với những đề xuất, anh cùng giáo sư xây dựng định hướng và phát triển ý tưởng nghiên cứu cho luận án tiến sĩ.
TS Đỗ Quốc Tuấn tại phòng làm việc bộ môn Tin học Vật lý (ĐH Khoa học Tự nhiên).
Ảnh: Ngọc Vũ
Từ chuyện nghiên cứu của mình, TS Tuấn chia sẻ, để tìm ra hướng đi đột phá trong nghiên cứu cơ bản, không phải cứ ngồi 2-3 tiếng là có. Các nhà khoa học có thể phải ngồi hàng chục, hàng trăm giờ, đọc hàng trăm bài báo và ý tưởng chỉ bất chợt xuất hiện đâu đó giữa một đống hỗn độn. Để có nghiên cứu đỉnh cao rất khó và đòi hỏi sự đầu tư, kiên trì và nhẫn nại, thậm chí là ‘hy sinh’.
“Có những bài báo, tôi viết đi viết lại tới 40 lần theo góp ý của thầy. Có những tính toán tôi tưởng rằng đi vào ngõ cụt, không thể bước tiếp. Cuối cùng khi bình tâm nhìn lại, tôi mới thấy mình đã đi sai đường và tìm ra cách đi mới” – TS Tuấn nhớ lại.
Trong 7 năm nghiên cứu tại Đài Loan, TS Tuấn cho rằng, một trong những điều anh học được từ giáo sư của mình là sự năng động. Anh cho biết, các giáo sư luôn cập nhật và thay đổi liên tục hướng nghiên cứu. Năm nay họ làm theo hướng này nhưng sang năm họ có thể cập nhật theo hướng khác. Thời điểm đó, anh viết được 3 bài báo với giáo sư hướng dẫn để bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Cũng trong thời gian này, ý tưởng về mô hình Lý thuyết hấp dẫn phi tuyến nhiều chiều có khối lượng (Higher dimensional nonlinear massive gravity) cũng đã được hình thành. Thời điểm đó, do phải dành thời gian hoàn thiện luận án tiến sỹ, anh Tuấn “chỉ tranh thủ thực hiện được một số tính toán cơ bản” trước khi về nước. Năm 2015, sau khi về nước anh tiếp tục thực hiện các tính toán và xây dựng mô hình và viết 2 bài báo trên và gửi đăng trên tạp chí Physical Review D.
Lý thuyết hấp dẫn phi tuyến có khối lượng
Giới thiệu về bài báo khoa học (bài đầu tiên trong hai bài) đã gửi tới giải thưởng Tạ Quang Bửu, TS Đỗ Quốc Tuấn cho biết, đây là bước phát triển tiếp của luận án tiến sĩ mà anh thực hiện tại ĐH Quốc gia Chiao Tung.
Giới thiệu về nghiên cứu của mình, TS Tuấn nói: “Nghiên cứu là sự mở rộng từ không - thời gian 4 chiều lên không gian nhiều chiều của lý thuyết hấp dẫn phi tuyến có khối lượng (Nonlinear massive gravity). Trong lý thuyết này, các hạt truyền tương tác graviton được giả định có khối lượng khác 0, khác với lý thuyết thông thường cho rằng graviton có khối lượng bằng 0. Lý thuyết này được đề xuất năm 2010 bởi 3 nhà vật lý tại Mỹ là de Rham, Gabadadze và Tolley. Mô hình của 3 nhà khoa học này đã khắc phục được nhiều hạn chế của lý thuyết massive gravity trước đó đề xuất bởi Fierz và Pauli và được giới vật lý đón nhận tích cực. Năm 2014, Thomson Reuteurs đã xếp hạng chủ đề này đứng thứ 3 trong 10 chủ đề nóng nhất của giới vật lý dựa trên số lượng trích dẫn”.
Sau 2 năm nghiên cứu ý tưởng, TS Tuấn độc lập nghiên cứu và hoàn thành 2 bài báo, mỗi bài dài 21 trang đăng trên tạp chí Physical Review D – một trong những tạp chí hàng đầu thế giới về vật lý lý thuyết. Kể lại về thời gian nộp bài, TS Tuấn cho biết, bài đầu tiên được anh nộp vào 1/3/2016 và được đăng vào ngày 2/5/2016. Bài thứ 2 được gửi vào 9/6/2016 và đăng ngày 11/8/2016.
Với một bài báo, việc được chấp nhận đăng trong vòng 2 tháng, không cần chỉnh sửa hay làm thêm tính toán nào là sự đánh giá cao của hội đồng phản biện dành cho kết quả nghiên cứu của TS Đỗ Quốc Tuấn bởi thông thường, các bài báo vật lý phải chờ từ 4 đến 6 tháng, thậm chí là 1 năm mới được đăng do phải trải qua các vòng phản biện và chỉnh sửa.
Trong hướng nghiên cứu tiếp theo với sự hỗ trợ của quỹ Nafosted, TS Đỗ Quốc Tuấn và đồng nghiệp tại bộ môn Tin học vật lý tiếp tục khảo sát tiếp một số tính chất khác của lý thuyết hấp dẫn phi tuyến nhiều chiều có khối lượng.
Nói về mong muốn môi trường làm việc cho nhà khoa học trẻ Việt Nam, TS Đỗ Quốc Tuấn cho rằng, khoảng cách của Việt Nam vẫn còn cách khá xa so với các nước tiên tiến khác trên thế giới. Ở Việt Nam, các giảng viên tại các trường đại học định hướng nghiên cứu đang phải dạy quá nhiều. So sánh với giáo sư của mình ở Đài Loan, TS Tuấn nói rằng, giảng viên chỉ dạy 1-2 môn, và được sự hỗ trợ của các trợ lý. Do ít bị phân tâm nên các nhà khoa học có nhiều thời gian đầu tư cho nghiên cứu để có được kết quả tốt nhất đăng lên tạp chí hàng đầu.
“Khi bắt đầu bước chân vào con đường nghiên cứu, tôi nghĩ rằng mọi nhà khoa học đều biết trước những khó khăn. Nhưng vì tình yêu khoa học, mỗi người đều sẵn sàng chấp nhận. Tình yêu khoa học đến với tôi rất ngây thơ, đôi khi chỉ là nhìn một cái thí nghiệm rồi thấy yêu thích và kiên trì vượt qua mọi khó khăn. Đối với tôi, được nghiên cứu điều mình thích đã là hạnh phúc” – vị TS 33 tuổi nói.
TS Đỗ Quốc Tuấn là người có đam mê lớn với nghiên cứu, chuyên nghiệp, cầu toàn và đòi hỏi cao với chính bản thân mình và các nghiên cứu. Anh là người hiếm hoi ở Việt Nam đi sâu vào nghiên cứu mô hình vũ trụ - hướng đi tương đối thuần về vật lý lý thuyết giải quyết các câu hỏi cơ bản nhất của khoa học.
Hằng ngày, TS Tuấn thường lên các trang lưu trữ bài báo khoa học đọc (ví dụ trang arXiv.org) như chúng ta đọc báo mỗi ngày. Vì thế, trong lĩnh vực hẹp của mình, anh nắm được tình hình của các nhóm nghiên cứu, họ đang làm gì và làm tới đâu. Nếu không có đam mê, tôi tin rằng, không ai có thể làm được điều này. Giống bất cứ ai, Tuấn cũng có gánh nặng cơm áo gạo tiền, nhưng cậu ấy vẫn luôn vững tâm, bỏ qua mọi điều để dành cho nghiên cứu.
TS Nguyễn Tiến Cường – Giảng viên bộ môn Tin học Vật lý (ĐH Khoa học tự nhiên) |