Sự ra đời của tòa chuyên biệt đầu tiên về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam dược kỳ vọng sẽ góp phần tạo thuận lợi trong giải quyết các vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Trong vụ tranh chấp về quyền tác giả ở Việt Nam, “Thần đồng Đất Việt” là một trong những trường hợp nổi bật nhất.
Trường hợp“Thần đồng Đất Việt” là một trong những vụ kiện về quyền tác giả có thời gian tranh chấp kéo dài nhất ở Việt Nam.

Vướng mắc về biện pháp dân sự

Nhắc đến các vụ tranh chấp về quyền tác giả ở Việt Nam, “Thần đồng Đất Việt” là một trong những trường hợp nổi bật nhất, không chỉ bởi đây là bộ truyện tranh nổi tiếng gắn liền với tuổi thơ của nhiều người, mà còn vì mức độ phức tạp cũng như thời gian kéo dài kỷ lục của vụ kiện. Năm 2001, ông Lê Phong Linh (Lê Linh) làm việc tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật tin học Phan Thị (Công ty Phan Thị). Trên cơ sở được giao nhiệm vụ vẽ bộ truyện dân gian chuyển thể các điển tích và nhân vật trạng ngày xưa, họa sĩ Lê Linh đã sáng tác bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt” từ tập 1-78 với các nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo và Cả Mẹo. Sau ngừng làm việc với Phan Thị, đến năm 2007, ông Linh phát hiện Công ty Phan Thị đã thuê các họa sĩ khác tiếp tục sử dụng bốn hình tượng nhân vật này để thực hiện các tập truyện “Thần đồng Đất Việt” cũng như các ấn phẩm khác mà không xin phép. Do vậy, họa sĩ Lê Linh đã khởi kiện, yêu cầu công nhận ông là tác giả duy nhất của bốn hình tượng nhân vật nêu trên từ tập 1-78, không công nhận bà Phan Thị Mỹ Hạnh (người đứng đầu Công ty Phan Thị) là đồng tác giả, buộc Công ty Phan Thị chấm dứt việc tự tạo ra và sử dụng các biến thể của bốn hình tượng nhân vật trên các tập tiếp theo của “Thần đồng Đất Việt” và các ấn phẩm khác. Sau 12 năm tranh chấp, vụ kiện cũng đi đến hồi kết vào năm 2019 với phần thắng thuộc về họa sĩ Lê Linh.

Tất nhiên, không phải vụ tranh chấp nào về quyền tác giả cũng tốn nhiều thời gian đến vậy. Song thực tế, hầu hết các vụ kiện trong lĩnh vực quyền tác giả nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung ở Việt Nam đều bị kéo dài. Đây cũng là một trong những lý do chính khiến biện pháp dân sự ít được ưa thích nhất trong số ba hình thức xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, bên cạnh hành chính và hình sự. Chẳng hạn trong số 776 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được các bộ, ngành giải quyết vào năm 2022, có đến 546 vụ được xử lý bằng biện pháp hành chính - theo báo cáo tình hình thực hiện Chương trình phối hợp hành động phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Chương trình 168) do Bộ KH&CN công bố năm 2023. Như vậy, số vụ được xử lý bằng biện pháp dân sự vẫn còn chiếm tỉ lệ khá thấp. Việc chủ thể quyền không muốn nộp đơn kiện ra tòa “bắt nguồn từ sự thiếu nhất quán trong luật về quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp, những thiếu sót trong luật tố tụng về việc giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, và sự thiếu chuyên môn về sở hữu trí tuệ của đội ngũ nhân lực liên quan”, ông Tuan Hung Nguyen, Trưởng phòng sáng chế của Công ty luật Aliat Legal, trả lời trong một bài viết trên Tạp chí Asia IP vào tháng 7/2024.

Điều này có vẻ ngược lại với xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới - nơi biện pháp dân sự vẫn chiếm ưu thế. Bởi lẽ, biện pháp này được đánh giá là có nhiều ưu điểm: bảo đảm được trình tự, thủ tục công khai, công bằng để người tham gia tố tụng dân sự thực hiện được các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình tại Tòa án nhân dân, đồng thời bảo đảm được các nguyên tắc, thủ tục tố tụng đầy đủ, có hệ thống, xác định được rõ chức năng, thẩm quyền của cơ quan và người tiến hành tố tụng, thẩm quyền của mỗi cấp Tòa án trong việc giải quyết các vụ việc dân sự. Do vậy, điều khoản thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong hầu hết các điều ước quốc tế chủ yếu quy định cụ thể về các biện pháp dân sự. Nếu có biện pháp hành chính thì cũng quy định phải áp dụng trình tự như thủ tục dân sự (ví dụ như Hiệp định TRIPS).

Làm thế nào để thúc đẩy áp dụng các biện pháp dân sự trong xử lý các trường hợp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là bài toán mà Việt Nam đã đi tìm lời giải từ lâu. Thậm chí trước đây từng có ý kiến đề xuất nên bỏ hẳn biện pháp hành chính để tập trung vào biện pháp dân sự. Nhưng điều này chỉ có thể trở thành hiện thực khi hệ thống tư pháp của Việt Nam đủ mạnh, đặc biệt là có tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ.“Nếu chúng ta có tòa án chuyên trách, thì nên áp dụng hoàn toàn biện pháp dân sự, còn trong trường hợp chưa kiện toàn bộ máy thì vẫn nên duy trì biện pháp hành chính”, đại diện văn phòng luật sư A Hòa bày tỏ quan điểm trong một hội thảo về SHTT vào năm 2021.

Thành lập tòa chuyên biệt về sở hữu trí tuệ


Sự cần thiết về tòa chuyên biệt sở hữu trí tuệ không còn là điều phải bàn cãi. Từ lâu, các chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã cho rằng đây là một trong những điểm mấu chốt để thúc đẩy áp dụng biện pháp dân sự cũng như nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. “Việc thành lập một tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ với các thẩm phán được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này sẽ giúp đưa ra các phán quyết chính xác, giải quyết tận gốc các nguyên nhân gây ra hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Do bản chất đặc thù của lĩnh vực sở hữu trí tuệ, nguyên đơn thường phải chứng minh hoặc xác định đầy đủ thiệt hại thực tế đã xảy ra. Bởi vậy, việc giải quyết các vấn đề này đòi hỏi phải có phán quyết chính xác của tòa án, từ đó góp phần đảm bảo quyền lợi của các bên”, luật sư Tuan Hung Nguyen nhận xét.

Đáng chú ý, việc xây dựng tòa chuyên biệt còn được coi là “trụ cột” tạo nên thành công của hệ thống sở hữu trí tuệ ở một số quốc gia như Trung Quốc. Theo báo cáo chỉ số sở hữu trí tuệ toàn cầu năm 2019 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), từ năm 2017, Trung Quốc đã vươn lên trở thành quốc gia có hoạt động sở hữu trí tuệ phát triển nhất thế giới, với số lượng đơn đăng ký sáng chế chiếm gần 50% tổng số đơn đăng ký sáng chế trên toàn cầu. Theo phân tích của luật sư Lê Quang Vinh trong bài viết đăng trên trang web của Công ty Sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự, một trong ba trụ cột giúp Trung Quốc làm được điều này là hệ thống tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ: “Năm 2014, Trung Quốc bắt đầu thành lập và cho vận hành hệ thống tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ tại ba trung tâm quan trọng là Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Đầu năm 2017, Trung Quốc lại tiếp tục thành lập các hội đồng xét xử (thuộc hệ thống tòa án hiện hành) chuyên về sở hữu trí tuệ ở bốn thành phố nữa”.

Hiệu quả của mô hình tòa chuyên biệt về sở hữu trí tuệ cũng được chứng minh ở nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia... “Tại Thái Lan, mô hình Tòa sở hữu trí tuệ và thương mại quốc tế Thái Lan (Tòa IPIT) là một trong những mô hình tòa chuyên trách đóng vai trò quan trọng và hoạt động hiệu quả nhất của khu vực châu Á”, ThS. Phạm Minh Huyền ở Trường Đại học Luật Hà Nội và ThS. Đinh Đồng Vang viết trên Tạp chí Dân chủ & Pháp luật vào năm 2020. Được thành lập từ năm 1997, Tòa IPIT là tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ đầu tiên ở Đông Nam Á.

Giờ đây, mong muốn có được tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam không còn là điều xa vời. Theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi được Quốc hội thông qua vào tháng 6 năm nay (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025), lần đầu tiên tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt về sở hữu trí tuệ sẽ được thành lập tại Việt Nam. Về vị trí trong hệ thống tòa án, nó sẽ nằm độc lập so với hệ thống tòa án cấp huyện, quận, thị xã, thành phố, tòa án nhân dân cấp cao và tòa án nhân tối cao, cũng như không trùng lặp với các tòa chuyên trách thuộc hệ thống tòa án nhân dân các cấp hiện hành. Về cơ cấu, tòa chuyên biệt về sở hữu trí tuệ cũng tương tự với các tòa thông thường, bao gồm chánh án, các phó chánh án, thẩm phán, thẩm tra viên tòa án, thư ký tòa án...

Dù nhận được nhiều kỳ vọng song các chuyên gia cũng cho rằng, việc xây dựng tòa án chuyên biệt về sở hữu trí tuệ không đơn giản. Ngoài việc chờ đợi các hướng dẫn chi tiết về hoạt động của tòa chuyên biệt, bao gồm trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc về sở hữu trí tuệ, một trong những thách thức lớn nhất là đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao về sở hữu trí tuệ. Ở Việt Nam, “số lượng thẩm phán có trình độ về sở hữu trí tuệ của chúng ta chỉ đếm trên đầu ngón tay”, theo nhận định của các chuyên gia trong hội thảo về sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2021. Do vậy, thẩm phán thường bị phụ thuộc nhiều vào cơ quan chuyên môn, trong khi số lượng giám định viên của Việt Nam hiện nay cũng còn rất hạn chế.

Kinh nghiệm từ những nước đi trước cho thấy, nhân lực là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động của tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ. Đơn cử như Trung Quốc, năm 2017 hệ thống tòa án Trung Quốc nhận được nhận được 237.242 vụ án sở hữu trí tuệ và đã giải quyết được 225.678 vụ. “Đội ngũ thẩm phán thuộc hệ thống tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc chịu sức ép cao do lượng án sở hữu trí tuệ quá lớn, song họ vẫn chứng tỏ được năng suất giải quyết có hiệu suất tốt với tốc độ xử án đáng kinh ngạc”, luật sư Lê Quang Vinh nhận xét. “Để có thể xét xử án sở hữu trí tuệ với tốc độ ấn tượng như vậy, hệ thống tòa án sở hữu trí tuệ Trung Quốc đã áp dụng cơ chế phân tích yếu tố kỹ thuật đa dạng trên cơ sở sử dụng đội ngũ nhân lực cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, chứng thực tư pháp và ý kiến chuyên gia. Thống kê cho thấy ba tòa sở hữu trí tuệ đã tuyển dụng 61 nhân sự điều tra kỹ thuật - những người đã cung cấp ý kiến ở hơn 1000 vụ ngay trong năm 2017”.

“Chất lượng nhân lực là một trong những điểm mấu chốt để nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Để ra được quyết định chính xác và nhanh chóng, chắc chắn cần đến những người có đủ khả năng với kiến thức chuyên môn vững vàng. Nếu không, sẽ tốn rất nhiều thời gian và rất có thể, vấn đề sẽ không được giải quyết trọn vẹn”, luật sư Lê Quang Vinh nhận xét.