Sự bùng nổ của các đơn hàng chuyển phátMỗi ngày cả nước có hơn 8 triệu đơn hàng chuyển phát được giao dịch, trong đó gần 80% là các đơn hàng mua sắm trên các sàn thương mại điện tử được chuyển phát qua dịch vụ bưu chính. Nếu tính theo tốc độ tăng trưởng mà
Allied Market Research dự báo thì đến năm 2030, dưới tác động của thương mại điện tử, con số có thể đạt tới 50 triệu đơn hàng mỗi ngày. Điều này sẽ tạo ra áp lực vô cùng lớn lên các đơn vị vận chuyển nếu họ không tìm được những giải pháp số hóa hữu hiệu để đáp ứng sự tăng trưởng bùng nổ.
Hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát đang tập trung vào việc cung cấp các loại hình dịch vụ riêng biệt như phân loại sản phẩm, đóng gói, dán nhãn, theo dõi bưu kiện trực tuyến thông qua ứng dụng di động, e-mail và cảnh báo SMS. Mặc dù dán nhãn vận chuyển điện tử giúp họ quản lý tốt luồng bưu kiện, nhưng điều này là chưa đủ.
“Tiềm năng thực sự nằm ở việc số hóa tất cả hạ tầng của chuỗi giá trị hậu cần. Chúng tôi đang làm việc với các đối tác để số hóa nhà kho, điểm giao nhận, thiết bị, phương tiện vận chuyển và thiết bị cầm tay của người nhặt kho”, đại diện của Viettel Post cho biết hồi quý I khi đơn vị này tuyên bố sẽ dần chuyển từ khâu vận chuyển chặng cuối sang cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng nhằm đạt được biên lợi nhuận cao hơn.
Một trong những đối tác mới ký kết của Viettel Post hồi tháng tư là Adela, một công ty khởi nghiệp đang phát triển hạ tầng tủ giao hàng tự động thông minh (PUDO smartlocker). Mô hình trạm giao nhận chung (PUDO - Pick-Up & Drop-Off) mà Adela đang phát triển, nơi shipper chỉ cần đem bưu phẩm đến, mở mã QR để đặt hàng vào tủ và người nhận sẽ nhận được mã QR tương ứng để mở khóa lấy đồ khi thuận tiện, được coi như một trong những giải pháp giúp thị trường thương mại điện tử phát triển bền vững. Chuyên gia của EY đánh giá rằng, tại Việt Nam mô hình này “vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển nhưng đã có những dấu hiệu rất khả quan” với
hơn 60% khách hàng có nhu cầu và sẵn sàng sử dụng.
Adela đã triển khai thử nghiệm 83 trạm PUDO ở Hà Nội, với một số vị trí nổi bật như Bưu điện Bờ Hồ, sảnh tòa nhà Vinhome Nguyễn Chí Thanh, Skyline Văn Quán, The Manor Mễ Trì, NIC Hòa Lạc và một vài điểm giao dịch số của hệ thống ngân hàng MB Bank.
“Tủ khóa thông minh rất hữu ích tại các khu công nghiệp, chung cư, khách sạn, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại và tòa nhà văn phòng, nơi nhiều người tụ tập hoặc đi qua mỗi ngày”, anh Đỗ Tuấn Dũng, giám đốc phát triển mạng lưới của Adela chia sẻ. “Chúng giúp tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí phát sinh từ việc giao hàng lần đầu không thành công do khách hàng và shipper bị lỡ hẹn, đồng thời giảm thiểu chi phí nhiên liệu và nhân công cho các lần giao hàng lại lần hai, lần ba.”
Dữ liệu của Adela trên 10.000 người đã từng lấy đồ từ 83 điểm đặt tủ khóa thông minh cho thấy, tốc độ nhận hàng của người tiêu dùng đã tăng lên 10 lần so với trước kia và không xảy ra tình trạng mất hàng, trong khi tốc độ giao hàng của shipper đã tăng lên 15 lần và năng suất giao hàng cũng được cải thiện 55%.
Adela cho biết, họ sẽ không thu phí sử dụng tủ khóa của người tiêu dùng mà sẽ lấy từ phía các đơn vị vận chuyển bưu kiện (vào khoảng từ 1.000-3.000 đồng/ô tủ/12 tiếng giữ hàng), bởi những đơn vị này thu được lợi ích từ việc tiết kiệm thời gian và nhân lực cho việc giao nhận cùng một lượng hàng. Sau 24h nếu khách hàng không mở khóa tủ đồ, theo chính sách giao vận hiện nay thì nhân viên bưu tá sẽ tới thu hồi hàng. “Điều đó sẽ tránh được việc chiếm dụng tủ quá lâu”, đại diện Adela giải thích.
Chị Trần Mai, quản lý hậu cần tại một khu dân cư cao cấp ở Hà Đông nhận xét, “Tủ khóa thông minh sẽ trở nên phổ biến vì sự tiện lợi. Mọi người sẽ có quyền kiểm soát nhiều hơn khi họ mua bán, giao nhận đồ thay vì phải chờ người đến lấy hoặc có nguy cơ món hàng bị bỏ lại không đúng nơi.”
Trên thực tế, Adela đã thiết kế nhiều dòng tủ thông minh PUDO với kích thước khác nhau cho những đối tượng khách hàng và mục đích sử dụng riêng biệt: Có những tủ thông minh với hàng chục ngăn, đặt ở nơi công cộng để giao nhận hàng mua sắm online; có những tủ nhỏ hơn cho cá nhân, hộ gia đình để người ta có thể cất, gửi đồ cá nhân; thậm chí có những tủ bán hàng, tủ in tài liệu, tủ bán lẻ, tủ gửi đồ v.v dùng với chức năng như một cửa hàng 24/7 mà không cần nhân sự vận hành.
Mô hình kinh doanhMô hình tủ đồ giao nhận thông minh không mới mẻ. Nó đã chứng minh được thành công ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, nơi các nhà bán lẻ hợp tác với các công ty hậu cần để giao hàng đến hàng trăm nghìn tủ khóa thông minh của Cainao và Hive Box nhằm giải quyết hơn 100 triệu bưu kiện mỗi ngày. Tương tự, Adela muốn thúc đẩy mô hình kinh doanh này ở Việt Nam.
Theo đánh giá của Adela, Việt Nam đang có một số thuận lợi nhất định. Thứ nhất, nhà nước đang đưa ra các đòi hỏi mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển hạ tầng bưu chính số thông qua Chiến lược phát triển bưu chính quốc gia tới năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thứ hai, với sự phát triển của thương mại điện tử, khối lượng thị trường giao nhận tại Việt Nam sẽ còn tăng lên.
“Sản lượng mua hàng thương mại điện tử của người Việt đang ở mức khoảng 25 đơn hàng/năm, gần bằng với Trung Quốc hồi năm 2017. Hiện tại, sản lượng mua hàng của người Trung Quốc đã gấp năm lần con số đó. Xét theo sự tương đồng về xu hướng và chu kỳ tăng trưởng của hai nước, sẽ còn khá nhiều cơ hội và dư địa để thị trường Việt Nam phát triển trong năm năm tới”, anh Đỗ Tuấn Dũng nhận xét.
Đầu năm nay, Adela đã ký hợp tác với hai đơn vị giao nhận lớn là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) và Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post). Công ty cũng đang trong quá trình thỏa thuận để kết nối với một số sàn thương mại điện tử để cho phép người dùng được chọn giao hàng đến tủ. Với cách tiếp cận B2B, Adela hy vọng có thể mở rộng các điểm tủ thông minh của mình từ cuối năm 2024.
Làm sao để tăng số lượng tủ thông minh là một bài toán không dễ. Điều này đòi hỏi dòng vốn đầu tư lớn mà một startup nhỏ không thể tự mình gánh vác. Đại diện Adela nói với Khoa học & Phát triển hồi tháng bảy rằng công ty “muốn có 5.000 điểm tủ khóa trên toàn quốc trong ba năm tới thông qua mô hình nhượng quyền thương mại, nơi các cá nhân và tổ chức doanh nghiệp có thể sở hữu các tủ khóa, giám sát hoạt động của chúng nhờ phần mềm điều khiển và kiếm được lợi nhuận.”
Theo đó, chi phí để đầu tư một chiếc tủ hiện nay vào khoảng 100 triệu đồng. Người sở hữu tủ có thể hoàn vốn trong vòng ba năm, nếu duy trì được trung bình 45 đơn giao nhận mỗi ngày. Còn để trang trải được chi phí điện, Internet và mặt bằng, mỗi chiếc tủ phải có ít nhất 22 đơn giao nhận mỗi ngày. Adela nói rằng họ sẽ tự mình đầu tư một số tủ và kêu gọi xã hội hóa, thương mại hóa phần lớn tủ còn lại.
Startup này đã thu hút được một lượng nhỏ những người sẵn sàng đầu tư tủ khóa, bao gồm những người kinh doanh tự do và quản lý cửa hàng. Tuy nhiên, đối tượng mà Adela này muốn nhắm tới chính là các đơn vị quản lý vận hành tòa nhà và chủ đầu tư dự án bất động sản - những bên sẵn sàng trang bị các hạ tầng tiện ích cho dân cư của mình.
“Trong vài năm qua, chúng tôi đã đi tới rất nhiều nơi, làm việc với rất nhiều tòa nhà và hiểu được tính bản địa của từng địa điểm. Chúng tôi tin rằng mình có khả năng thuyết phục họ”, anh Đỗ Tuấn Dũng nói.
Thực ra, Adela không phải là đơn vị đầu tiên triển khai các tủ khóa thông minh ở Việt Nam. Trước họ đã có một số công ty áp dụng mô hình này như iLogic, Onebox và Santa Pocket. Tất cả đều đang cố gắng mở rộng mạng lưới tủ thông minh của mình với hàng chục địa điểm ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Tuy nhiên Adela nói rằng họ có khả năng kiểm soát công nghệ 100% bởi phần cứng và phần mềm đều được phát triển bởi các cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội và những người đã có kinh nghiệm làm việc tại các công ty công nghệ uy tín.
“Nhờ sản xuất trong nước nên chúng tôi có thể tối ưu hóa được chi phí sản xuất phần cứng tới 30% so với đối thủ cạnh tranh, và có thể chủ động nâng cấp, sửa chữa, tùy chỉnh các tính năng phần mềm theo yêu cầu. Ví dụ, nếu bạn muốn thêm tính năng nhận diện gương mặt, nhận diện vân tay, bảo mật, quảng cáo, hay cảnh báo phá tủ v.v chúng tôi có thể đáp ứng”, đại diện Adela cho biết.