Đó là kết quả từ nghiên cứu của nhóm nhà tác giả ở Trường Đại học Y Dược thuộc Đại học Huế cùng một số cộng sự bên ngoài.
Nghiên cứu được tiến hành trên 595 cá nhân từ 18 tuổi trở lên hiện đang sinh sống tại các xã ven biển Thừa Thiên Huế, trong khoảng thời gian tháng 10/2022 đến tháng 2/2023.
Nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên ở Đông Nam Á sử dụng thang đo WHOQoL-Bref của Tổ chức Y tế thế giới WHO để đánh giá chất lượng sống (QoL) cũng như xác định các yếu tố liên quan.
Chất lượng sống được định lượng trên 26 câu hỏi thể hiện mức độ hài lòng của từng cá nhân về sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, các mối quan hệ xã hội và môi trường sống. Các lựa chọn dành cho người trả lời bao gồm từ rất tệ (=1) đến rất tốt (=5). Tổng điểm QoL là trung bình cộng điểm của bốn khía cạnh trên và được quy đổi sang thang đo 100 theo bảng quy ước. Điểm càng cao phản ánh chất lượng sống càng tốt và ngược lại. Có ba mốc để đánh giá như sau:
WHOQoL-Bref < 33,3: chất lượng sống thấp
33,33 WHOQoL-Bref 66,7: chất lượng sống trung bình
WHOQoL-Bref > 66,7: chất lượng sống cao
Kết quả nghiên cứu cho thấy, 39,3% số người tham gia khảo sát có tổng điểm chất lượng sống cao hơn 66,7 - tương đương với có chất lượng sống tốt.
Còn tính trung bình, tổng điểm chất lượng sống của người dân tham gia khảo sát là 61,1 ± 10,8 (trung bình ± điểm lệch chuẩn). Dù cao hơn so với người dân sinh sống gần các cơ sở quản lý chất thải rắn tại Việt Nam nhưng mức điểm trên vẫn thấp hơn chất lượng sống trung bình trên toàn cầu.
Nhóm tác giả lý giải, điều này có thể xuất phát từ điều kiện sống cũng như khả năng tiếp cận hệ thống y tế, giao thông, giáo dục, an ninh, giải trí và mua sắm ở các khu vực khó khăn ven biển còn nhiều trở ngại.
Trong số các tiêu chí, sức khỏe thể chất ghi nhận số điểm thấp nhất (57,2 ± 12,3). Kết quả này phản ánh thực tế môi trường xung quanh kém lành mạnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Tại khu vực tiến hành nghiên cứu, người dân thường gặp các vấn đề liên quan đến tiêu hóa, da liễu, hô hấp và xương khớp; trong đó bệnh về xương khớp ảnh hưởng nhiều nhất đến chất lượng sống. Ngoài ra, sự tự đánh giá của người dân về sức khỏe cũng chi phối điểm QoL. Những người không hài lòng với tình trạng sức khỏe của bản thân có khả năng có chất lượng sống thấp hơn khoảng 5,14 lần so với những người khác.
Nhóm nghiên cứu đặc biệt chỉ ra mối tương quan giữa thiên tai (bão, lũ lụt) với chất lượng sống của người dân vùng ven biển miền Trung. Theo đó, những cá nhân từng chịu tác động bởi lũ lụt có mức điểm QoL thấp hơn đáng kể so với những người không bị ảnh hưởng ở cả ba khía cạnh sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và môi trường khoảng 4 – 5 điểm.
Trong khi đó, tiêu chí quan hệ xã hội ghi nhận số điểm cao nhất (63,4 ± 13,4). Thực tế này xuất phát sự kết nối chặt chẽ giữa các cá nhân và cộng đồng ở các vùng ven biển do nông- ngư nghiệp là những công việc phụ thuộc thiên nhiên và luôn cần đến sự cố kết chặt chẽ, tương trợ lẫn nhau của cả cộng đồng. Không chỉ vậy, nhiều thế hệ cùng chung sống trong một khu vực cũng tạo điều kiện để mọi người trở nên thân quen với láng giềng, hỗ trợ lẫn nhau ở các sự kiện quan trọng trong đời như kết hôn hay ốm đau, hoạn nạn. Nhóm tác giả cho biết, ngoại trừ quan hệ xã hội, có tới hơn một nửa những người tham gia khảo sát không có chỉ số chất lượng sống tốt ở các tiêu chí còn lại.
Thông qua nghiên cứu, có thể thấy chất lượng sống của người dân vùng ven biển miền Trung, đặc biệt ở khía cạnh sức khỏe thể chất, chưa được bảo đảm. Tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất dịch vụ y tế không đầy đủ và thảm họa thiên nhiên là những yếu tố góp phần làm giảm chất lượng sống. Các tác giả khuyến nghị chính quyền địa phương cần có những biện pháp phù hợp để tăng cường hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người dân. Đặc biệt, với những người dân ở khu vực bị lũ lụt, cần có những tư vấn về tâm lý, hỗ trợ về sức khỏe thể chất và môi trường.
Nghiên cứu được công bố trên Scientific Reports vào tháng 3/2024.
Nguồn: