Làm thế nào để sản phẩm từ nguyên liệu tái chế có thể được người tiêu dùng chấp nhận và doanh nghiệp tạo ra nó có thể sống sót là một thách thức của Dấu chân xanh, một doanh nghiệp xã hội ở Hà Nội sau năm năm thành lập.

Kiến trúc sư Thái Khắc Tiến - người sáng lập Dấu chân xanh. Ảnh: NVCC

Là một người quan tâm đến môi trường, kiến trúc sư Thái Khắc Tiến nhận thấy ở Việt Nam, lượng vỏ hộp sữa thải ra ngày càng lớn song chỉ có ít đơn vị tái chế với những thành phẩm đơn điệu. Trong khi loại bao bì như vỏ hộp sữa theo anh Thái Khắc Tiến có thể tái chế thành nhiều sản phẩm đa dạng hơn.

Từ ý tưởng đó, sau một thời gian dài tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị tái chế trong và ngoài nước, anh Thái Khắc Tiến đã làm ra được sản phẩm đầu tiên. Khi đem những sản phẩm tái chế đầu tiên là những chậu hoa đi giới thiệu, kiến trúc sư Khắc Tiến nhận được sự chú ý rất lớn đến từ những người yêu môi trường, trong đó có chị Hoàng Tiến, một người học về địa chất môi trường mong muốn hỗ trợ anh Khắc Tiến và Dấu chân xanh mang sản phẩm đến với nhiều người hơn, góp một phần vào giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do vỏ hộp sữa.

Gian nan hình thành sản phẩm

Vấn đề đầu tiên mà Dấu chân xanh gặp phải tưởng chừng đơn giản, hóa ra lại cũng nhiêu khê, đó là việc thu gom nguyên liệu làm sản phẩm đầu vào, có bao nhiêu cách thu gom vỏ hộp sữa thì có bấy nhiêu nhược điểm. Chị Hoàng Tiến chia sẻ, nếu gom vỏ hộp sữa tại các điểm thu gom thì mất rất nhiều thời gian, đồng thời do vỏ hộp sữa cồng kềnh, mỗi điểm chỉ có thể chứa số lượng nhỏ nên mỗi chuyến thu gom không được nhiều dẫn đến không tối ưu được chi phí vận chuyển; nếu gom trong các sự kiện thì cần đến nhiều nhân sự hỗ trợ cũng như các phần quà để trao đổi mà lượng vỏ thu được lại quá ít; nếu đi mua thì vỏ hộp sữa thường rất bẩn.

Song thách thức lớn nhất với Dấu chân xanh trong việc triển khai ý tưởng “xanh” của mình là việc xử lý nguyên liệu. Các doanh nghiệp tái chế vỏ hộp sữa trên thế giới thường lựa chọn phần nguyên liệu giấy vì nó chiếm khoảng 70% trong vỏ hộp và cách thức tái chế cũng không mấy phức tạp. Trong khi đó, việc tái chế thành phần nhôm nhựa trong bao bì – nguyên liệu mà Dấu chân xanh sử dụng chỉ chiếm khoảng 30% lại rất khó khăn.

Qua tìm hiểu, anh Thái Khắc Tiến nhận thấy ở Việt Nam gần như chưa có các nghiên cứu nào về việc xử lý loại nguyên liệu này. Vì thế, anh phải tự tìm ra quy trình xử lý trên nguyên tắc: dựa vào bản chất nguyên liệu để tận dụng và phát huy, nghĩa là chỉ tác động vật lý, sử dụng nhiệt và lực mà không thêm thành phần hóa học nào khác vào quá trình xử lý. Đó là một quy trình tái chế khá đơn giản. Vỏ hộp sữa sau khi thu gom sẽ được rửa sạch rồi đem đi tách lớp giấy ra khỏi lớp nhôm nhựa. Trong quá trình tách, vỏ hộp sữa cũng đồng thời được cắt nhỏ. Phần nhôm nhựa sau đó tiếp tục được cho vào máy xay và cuối cùng cho vào nung để đúc tạo hình sản phẩm.

Các sản phẩm chậu cây tái chế của Dấu chân xanh.

Việc hình thành quy trình xử lý không phải ngày một ngày hai, không chỉ vì mất nhiều thời gian tối ưu được quy trình đúng như mong muốn mà còn vì gần như không tìm được loại máy móc phù hợp trên thị trường. Do đó, anh Khắc Tiến đã phải mua một số thiết bị sẵn có trên thị trường để cải tạo lại. Quãng thời gian năm năm chỉ dành để thiết kế, cải tiến không ngừng nghỉ các loại máy móc cho thật hoàn chỉnh. Rút cục, phải trải qua rất nhiều đời máy thì Dấu chân xanh mới gần chạm đến sản phẩm mong đợi.

Có quy trình xử lý, có máy móc và giải quyết được vấn đề nguyên liệu nhưng đó không phải là bảo đảm bằng vàng cho Dấu chân xanh có được sản phẩm hoàn thiện. Quá trình “chạy thử” quy trình đã nảy sinh rất nhiều vấn đề mà ở khâu xuất phát họ không hình dung hết, ví dụ như khuôn hỏng, khi ép không tạo ra thành phẩm như mong muốn. Mất nhiều thời gian, thử sai vô số lần về lực và nhiệt để kiến trúc sư Thái Khắc Tiến ‘bắt’ được nhiệt độ nung tối ưu và tạo ra được bộ khuôn phù hợp.

Mặt khác, khi đưa nguyên liệu vào khuôn, họ mới nhận ra rằng hóa ra việc liên kết được chúng thành một khối cũng là chuyện đáng bàn. Bản thân các tấm nguyên liệu này khó liên kết với nhau, không thể dùng keo để dính một cách đơn thuần. Anh Khắc Tiến đã từng thử nghiệm dùng keo hoặc đinh nhưng chỉ một đến hai năm, chúng lại bị rời ra. Sau đó, anh quyết định gia cố thêm các phần tiếp xúc bằng đinh thì mới xử lý được vấn đề.

“Khi mới bắt đầu, làm 10 cái thì hỏng mất 7, 8 cái và thành đủ thứ hình dạng. Cho đến bây giờ, đối với một số sản phẩm cơ bản, chúng tôi đã đạt được mức gần như làm cái nào được cái đấy”, chị Hoàng Tiến chia sẻ. Tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa được giải quyết hết bởi “phần nhôm nhựa ấy vẫn không dùng để đúc thành chậu to được, chúng tôi vẫn chưa thể xử lý được nên bắt buộc phải ép thành tấm chứ không thể đúc nguyên khối”.

Khi nhìn lại cả một hành trình gian nan từ ý tưởng gom vỏ hộp sữa làm nguyên liệu đầu vào cho một sản phẩm xanh, Dấu chân xanh không thể liệt kê được đầy đủ công sức và tốn kém tài chính cho hành trình thử và sai. Chi phí cho những lần thử nghiệm mà người sáng lập Dấu chân xanh bỏ ra, theo chị Hoàng Tiến, số tiền ấy có thể đủ để mua thêm một căn nhà.

Gian nan đường ra thị trường

Trong mắt những người làm ra sản phẩm như chị Hoàng Tiến và anh Thái Khắc Tiến thì sản phẩm tái chế từ vỏ hộp sữa, điển hình là chậu hoa hội tụ nhiều ưu điểm. Trước hết, bản thân vỏ hộp sữa ngay từ ban đầu đã phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khá nghiêm ngặt về chỉ số kim loại nên chậu hoa của Dấu chân xanh cũng có độ an toàn nhất định. Bên cạnh đó, sản phẩm tái chế từ nguyên liệu này có thời hạn sử dụng dài bởi nhựa trong vỏ hộp sữa là nhựa nguyên sinh (nguyên chất, không thêm phụ gia), vốn bền hơn các loại nhựa khác còn nhôm so với một số kim loại phổ biến cũng ít bị oxi hóa hơn. Vì vậy, các sản phẩm tái chế từ vỏ hộp sữa có thể dùng trong vài chục năm và tái chế lại được nhiều lần.

Thế nhưng trên thực tế, dù có nhiều ưu điểm như vậy, đường đi của chậu hoa từ vỏ hộp sữa tới người tiêu dùng một lần nữa vấp phải khó khăn. Đó là không phải khách hàng nào cũng cảm thấy hài lòng với sự đơn giản, rất nhiều người trong số họ muốn Dấu chân xanh đa dạng hóa sản phẩm, cá nhân hóa sản phẩm.

Quy trình sản xuất các sản phẩm tái chế từ vỏ hộp sữa. Ảnh minh họa: NVCC
Quy trình sản xuất các sản phẩm tái chế từ vỏ hộp sữa. Ảnh minh họa: NVCC

Yêu cầu đa dạng hóa sản phẩm theo hướng cá nhân hóa thực ra lại đã đặt một vấn đề phức tạp khác với những người làm. Ví dụ, để đa dạng mẫu mã thì mỗi dạng sản phẩm tái chế đều cần đến một bộ khuôn riêng mà khuôn thì đòi hỏi chi phí cao, mỗi bộ khuôn lên tới chục triệu đồng trong khi số lượng sản phẩm bán ra lại không đủ để tận dụng bộ khuôn. Đó là lý do khiến đội ngũ Dấu chân xanh buộc phải dừng ý định làm sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. “Có rất nhiều dự án theo lý thuyết thì làm được nhưng vào thực tế thì không thể, ví như có khách hàng yêu cầu làm cái rổ tái chế. Hai năm đầu tiên, Dấu chân xanh vẫn làm, vẫn cải tiến liên tục nhưng chưa cho ra được cái sản phẩm mới nào ngoại trừ cái chậu tái chế”, chị Hoàng Tiến nói.

Không thể đa dạng hóa sản phẩm theo cách này thì ta xoay cách khác. Dấu chân xanh đã từng nghĩ vậy và tính toán, ngoài những sản phẩm dạng khuôn có thể làm những thành phẩm đơn giản hơn ở dạng tấm, ứng dụng thành các dụng cụ, thiết bị khác như bàn, ghế, tủ sách. Tuy nhiên, vấn đề là dạng tấm có trọng lượng quá lớn, quá nặng và không thể chế tạo theo kiểu lắp ghép bởi rất khó kết nối và tăng chi phí vận chuyển. Khúc mắc chưa thể hóa giải về đa dạng hóa sản phẩm đang khiến sản phẩm của Dấu chân xanh vẫn chỉ được tiếp nhận dè dặt.

Sự chuyển hướng của Dấu chân xanh

Vậy đâu là hướng đi của một giải pháp tái chế thân thiện với môi trường? Tạm thời, câu trả lời nằm chính trong phạm vi hoạt động của Dấu chân xanh, nơi ngoài thu gom tái chế còn hai mảng khác là nông nghiệp và giáo dục.

Cả ba hoạt động này lại liên kết với nhau theo một cách bất ngờ: giấy từ vỏ hộp sữa được dùng làm đất sét giấy và phân bón. So với chậu cây, quá trình tạo phân bón đơn giản, ít tốn kém hơn và gần như không cần đến máy móc. Theo đó, bột giấy sau quá trình tách khỏi nhôm nhựa sẽ đem kết hợp với chế phẩm vi sinh, chế phẩm hữu cơ để ủ phân xanh, quy trình giống như ủ một đống lá cây.

Chị Hoàng Tiến cho biết: “Giấy gần như là giấy nguyên sinh, từ cây gỗ không thêm chất tẩy trắng. Vì vậy, nó vẫn giữ bột gỗ ban đầu, tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển. Bột giấy này dùng làm phân bón cho cây cảnh rất tốt”. Mặt khác, phân bón dễ bán hơn chậu cây do nhu cầu tiêu dùng liên tục.

Ngoài ra, họ cũng trồng và bán cây, bất kể loại cây nào có thể sinh trưởng trong chậu tái chế. Làm phân bón, làm chậu, trồng cây, một hệ sinh thái đã hình thành trong lòng Dấu chân xanh.

Mảng Nông nghiệp, theo chia sẻ từ chị Hoàng Tiến, đang có lãi còn mảng Tái chế chỉ duy trì ở mức cân bằng (thậm chí là lỗ nhưng ở mức chấp nhận được). Do đó, Dấu chân xanh sẽ tạm dừng mảng Tái chế để tập trung vào mảng Nông nghiệp và coi tái chế là hoạt động bổ sung cho sản phẩm nông nghiệp. Thay vì bỏ tiền quảng cáo, Dấu chân xanh sẽ bỏ chi phí để làm thêm sản phẩm bảo vệ môi trường.

Hành trình sáng tạo và đưa sản phẩm xanh đến với thị trường của doanh nghiệp môi trường như Dấu chân xanh, rõ ràng gặp không ít thách thức. Quyết định chuyển hướng với Dấu chân xanh lúc này có lẽ là cần thiết để doanh nghiệp có những bước đi phù hợp hơn, đảm bảo cân bằng giữa lợi ích kinh tế và lợi ích môi trường.