Giai đoạn năm 2011-2015, tổng số công bố quốc tế của Việt Nam trong ISI là 10.034 bài, trong đó số công bố của các nhà khoa học thuộc các trường đại học có 5738 bài (chiếm trên 50%). Tuy nhiên, lượng đăng ký sáng chế lại rất khiêm tốn.

Sáng nay 29/7, hội nghị “Phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025” sẽ diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 300 đại biểu tới từ các trường đại học trên cả nước, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng với chuyên gia cấp cao của Ngân hàng Thế giới về giáo dục đại học.

Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề như tìm ra điểm nghẽn trong hoạt động KH&CN nói chung và nghiên cứu khoa học nói riêng trong các cơ sở giáo dục đại học hiện nay, đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Hội nghị cũng làm rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách phát triển KH&CN, tổ chức hoạt động KH&CN và tiềm lực KH&CN, kết nối doanh nghiệp, hợp tác quốc tế về KH&CN.

Nhìn lại đóng góp của các trường đại học (ĐH) trong lĩnh vực khoa học, thống kê từ Web of Science giai đoạn năm 2011-2015 cho thấy, tổng số công bố quốc tế của Việt Nam trong ISI là 10.034 bài, trong đó 5738 bài của các trường đại học. Nhóm các trường kỹ thuật công nghệ luôn chiếm vị trí cao với 1733 bài (chiếm hơn 30% công bố của ngành giáo dục), nổi bật là: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa- ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng.

Dù có nhiều bài báo công bố quốc tế song số đăng ký sáng chế từ các trường đại học lại rất ít.
Thống kê từ Cục Sở hữu trí tuệ năm 2015 cho thấy, ĐH Bách khoa Hà Nội từ năm 2006 tới nay chỉ có 70 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và 50 đơn đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích. Với ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội - năm 2014 và 2015, con số lần lượt là 5 và 9, mục tiêu những năm tới là 8-10 đơn/năm.
Số lượng đơn đăng ký sáng chế của ngượi nộp đơn Việt Nam từ 2006 - 2016. Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Số lượng bằng độc quyền sáng chế


Số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích ủa ngượi nộp đơn Việt Nam từ 2006 - 2016. Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ


Một trong các mục tiêu của Chiến lược Phát triển KH&CN 2011-2020 là tăng số sáng chế đăng ký bảo hộ giai đoạn 2016-2020 lên gấp đôi giai đoạn 2011-2015. Theo ông Lê Ngọc Lâm - Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ: “Nếu các nhà khoa học thay đổi từ việc công bố bài báo sang hình thành và công bố sáng chế thì lượng đơn đăng ký chắc chắn sẽ tăng”.

Mạng lưới IP-Hub với các trung tâm sở hữu trí tuệ đặt tại các viện, trường đang được Cục Sở hữu trí tuệ triển khai với mong muốn đẩy mạnh việc đào tạo kiến thức, nghiệp vụ sở hữu công nghiệp cho các viện, trường, doanh nghiệp. Ông Lâm kỳ vọng đây sẽ là giải pháp để hỗ trợ các chủ thể sáng chế ở khu vực này thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy hoạt động tạo ra và thương mại hóa tài sản trí tuệ, trong đó có sáng chế.