Nằm dọc theo sông Hậu, xã Bình Thành (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) là nơi sinh sống của 1.800 hộ nông dân với tổng diện tích ruộng lúa khoảng
1.200 ha. Từ năm 2018, những người nông dân nơi đây đã áp dụng các phương thức canh tác mới để nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống, lượng nước tưới. Nhờ đó, họ không chỉ tiết kiệm được khoản chi phí đầu vào bình quân 3.723.000 đồng/ ha mà còn giảm tác động tiêu cực đến đất và bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Xã Bình Thành chỉ là một trong số các xã tại các tỉnh thành thuộc ĐBSCL như Đồng Tháp, Kiên Giang đã áp dụng những phương pháp mới để đáp ứng 41 yêu cầu trong canh tác lúa. Những yêu cầu này xuất phát từ đâu? Và việc đáp ứng nó sẽ mang lại điều gì?
41 yêu cầu này thực chất thuộc một bộ tiêu chuẩn lúa gạo có tên “SRP” trong sản xuất lúa bền vững để nâng cao giá trị cây lúa. Bộ tiêu chuẩn này do Sustainable Rice Platform phát triển. Đây là một liên minh đa đối tác toàn cầu, được Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) và Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) thành lập vào tháng 12/2011 với mục đích khuyến khích hoạt động phát triển bền vững và tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên trong sản xuất nông nghiệp nói chung và chuỗi giá trị lúa gạo nói riêng.
Chia sẻ trong phiên thảo luận diễn ra vào ngày 20/5 tại Diễn đàn Nước Thế giới 2024 ở Indonesia, TS. Wyn Allis, Giám đốc Điều hành của Sustainable Rice Platform cho biết tiêu chuẩn SRP cho canh tác lúa bền vững ra đời nhằm thúc đẩy cam kết chung giữa các bên liên quan trong ngành lúa gạo. “Điều này đặc biệt quan trọng khi trong khoảng 25 năm tới, chúng ta cần tăng cường sản xuất lúa gạo lên khoảng 25% để đáp ứng nhu cầu của toàn cầu. Vậy làm thế nào để chúng ta đạt được mức tăng này một cách bền vững khi hiện tại ngành nông nghiệp lúa gạo tiêu tốn 20-30% lượng nước ngọt, 13% lượng phân bón được sử dụng trên thế giới, đóng góp 12% tổng lượng phát thải metan?”
SRP ra đời với tư cách là tiêu chuẩn tự nguyện đầu tiên trên thế giới, bao gồm 41 yêu cầu được cấu trúc theo tám chủ đề quan trọng đảm bảo quy trình canh tác, quản lý đồng ruộng, tiết kiệm nước, đảm bảo sức khỏe và an toàn lao động.
Tám chủ đề này bao gồm: (1) Quản lý trang trại: tập trung vào việc xây dựng năng lực cho nông dân trồng lúa về mặt kỹ thuật và kỹ năng quản lý khác, (2) Cấy ghép: tập trung canh tác theo phương pháp an toàn cho đất, bảo toàn sự đa dạng sinh học và thiên nhiên, cũng như giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, (3) Sử dụng nước: xây dựng hệ thống tưới tiêu và nâng cao hiệu quả sử dụng nước trong hoàn cảnh khan hiếm nước, (4) Quản lý dinh dưỡng: áp dụng hệ thống tự nhiên để nâng cao độ phì nhiêu của đất và làm giảm việc sử dụng các loại phân bón hóa học, (5) Quản lý dịch hại: áp dụng hệ thống quản lý thân thiện với sinh thái để ngăn cỏ dại, côn trùng, sâu bệnh, nhuyễn thể và phòng ngừa rủi ro an toàn thực phẩm, (6) Thu hoạch và sau thu hoạch: tập trung vào kỹ thuật làm khô và bảo quản, nhấn mạnh về an toàn thực phẩm, giữ chất dinh dưỡng ở mức cao nhất, cũng như quan tâm đến xử lí rơm rạ, (7) Sức khỏe và an toàn: để đảm bảo điều kiện an toàn lao động cho nông dân, cộng với xử lí rác theo cách hợp sinh thái thân thiện môi trường, và lưu trữ xử lý vỏ chai thuốc trừ sâu, (8) Quyền lao động: để đảm bảo quyền lợi làm việc của người nông dân, không có sự phân biệt liên quan tới giới tính, chủng tộc, quốc gia, hoặc tôn giáo. 41 yêu cầu như quản lý đồng ruộng, theo dõi lịch mùa vụ, ghi nhật ký, tham gia tập huấn v.v. sẽ giúp người nông dân đáp ứng tám chủ đề này.
Nhìn chung, những yêu cầu này bao hàm các khía cạnh xã hội, kinh tế và môi trường tạo nên khái niệm “bền vững’ nói chung. Khi áp dụng tại Việt Nam, các tiêu chí của SRP sẽ hướng người nông dân sản xuất lúa theo hướng giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu, bệnh, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế (còn gọi là “3 giảm, 3 tăng”). Bên cạnh đó, người nông dân phải sử dụng giống xác nhận để sản xuất lúa hàng hóa; giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí bơm tát, thu hoạch và thất thoát sau thu hoạch cần giảm để tăng lợi nhuận, (còn gọi là “1 phải, 5 giảm”).
Sau khi đã thu hoạch, người nông dân không được đốt rơm rạ, khi bón phân nên kết hợp phân vô cơ và hữu cơ, quản lý dịch hại tổng hợp theo nguyên tắc đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng - nồng độ và đúng cách, (còn gọi là 4 đúng).
Hai phương pháp canh tác được triển khai phổ biến để đáp ứng những yêu cầu này là kỹ thuật tưới lúa ướt khô xen kẽ (AWD) và cơ giới hóa gieo sạ chính xác (DSR). Cụ thể, người nông dân áp dụng cách quản lý nước theo kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ sẽ cho nước vào ruộng với mực nước từ 3 – 5 cm và để cho đợt nước này tự cạn, khô đến khi thấy mặt ruộng nứt nhẹ thì cho nước vào lại, rồi tiếp tục để ruộng tự khô nứt chân chim trở lại. Trong khi đó, “với công nghệ cơ giới hóa gieo sạ chính xác, người nông dân sẽ giảm thiểu tối đa giống và công lao động”, TS. Allis giải thích. “Ngân hàng Thế giới hiện đang đầu tư rất nhiều vào hai công nghệ này tại châu Á. Chúng giúp tiết kiệm nước, giảm đáng kể mức phát thải mà không giảm năng suất lúa - thậm chí năng suất lúa còn tăng lên”.
Hướng đến Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng caoTừ năm 2017 đến nay, Tổ chức Rikolto - thành viên của Diễn đàn Lúa gạo Bền vững SRP từ năm 2015, đã hỗ trợ triển khai mô hình “Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP” tại các HTX ở khu vực ĐBSCL với diện tích 4.300 ha cho trên 1.500 nông dân.
Để có thể đánh giá cụ thể mức độ hiệu quả, người nông dân phải đáp ứng một số ngưỡng điểm nhất định sau khi xét các tiêu chuẩn. Chẳng hạn, người nông dân nếu được số điểm từ 90 trở lên sẽ được đánh giá là “trồng lúa bền vững”, nếu số điểm dao động từ 33-90 thì người nông dân sẽ được đánh giá là “đang hướng đến canh tác lúa bền vững”. Các yêu cầu của SRP đảm bảo gạo có lượng phát thải thấp, thân thiện với môi trường, đảm bảo đạo đức trong sản xuất. Đây là những yếu tố quan trọng cần xem xét trong sản xuất lúa gạo nếu muốn cân bằng giữa tối đa hóa lợi nhuận cho người nông dân, duy trì năng suất để đáp ứng nhu cầu lương thực toàn cầu và giảm thiểu tác động bất lợi đến môi trường và phúc lợi xã hội.
Sau một thời gian triển khai,
vào năm 2022, đã có hơn 97% nông dân tham gia mô hình trồng lúa theo Bộ tiêu chuẩn SRP đạt từ 80-89 điểm. 100% nông dân ở Đồng Tháp và 92,5% ở Kiên Giang đạt trên 80 điểm SRP trong vụ đông xuân 2021. Số diện tích canh tác đạt từ 80-89 điểm cũng đạt gần 90%.
Dù vậy, những số điểm trên chưa chắc đã có thể đảm bảo cho người nông dân rằng họ có thể thu về lợi nhuận. Với mong muốn giải quyết nỗi lo lắng này, dự án cũng đã xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ tại hai HTX là HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thành và HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình. Qua liên kết tiêu thụ, sản phẩm sẽ luôn được tiêu thụ ổn định, giá lúa các vụ đều được thu mua cao hơn giá thị trường khoảng 100 đồng/kg lúa.
Bản thân các doanh nghiệp lúa gạo như Tập đoàn Lộc trời cũng đã
gia nhập SRP vào năm 2015. Một khi đáp ứng chất lượng lúa gạo sạch, Tập đoàn Lộc Trời sẽ bao tiêu sản phẩm với giá ổn định hoặc cao hơn thị trường theo chuỗi liên kết.
TS. Allis cho biết sau quãng thời gian theo dõi, các chuyên gia nhận thấy người nông dân áp dụng tiêu chuẩn SRP có thể giảm 20% lượng nước sử dụng, giảm 25-20% thuốc hóa học, tăng thêm 10-15% thu nhập, giảm đến 50% khí nhà kính trong quá trình canh tác.
“Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý rằng rất nhiều người nghĩ về SRP như một sáng kiến phục vụ thị trường xuất khẩu, nhưng điều đó không đúng”, TS. Allis lưu ý. “Mục tiêu của chúng tôi là gia tăng thu nhập cho tất cả những người nông dân, chứ không chỉ là những nông dân tiếp cận với thị trường xuất khẩu”.
Chia sẻ với phóng viên báo KH&PT về tiềm năng mở rộng tại Việt Nam, TS. Allis cho rằng Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” của Việt Nam chính là câu trả lời. “Đề án này cho thấy Việt Nam hiểu rõ rằng một dự án lúa gạo phát thải thấp là không đủ, chúng ta cần một dự án lúa gạo phát thải thấp gắn với nhiều yếu tố khác nữa”, ông nhận định, và SRP có thể tham gia vào tiến trình này.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Sustainable Rice Platform hiện tại là “làm thế nào để phối hợp với Chính phủ Việt Nam, hướng đến tích hợp và áp dụng Bộ tiêu chuẩn SRP như một khung hành động của Đề án này. Chúng tôi đang thảo luận với một số đơn vị để tìm ra phương án hợp tác nhằm khuyến khích sử dụng tiêu Bộ chuẩn SRP như một khuôn khổ định lượng hiệu quả canh tác”.
Trong thời gian chờ đợi, các chuyên gia Sustainable Rice Platform đang sửa đổi Bộ tiêu chuẩn SRP, trong đó bổ sung thêm một số nội dung về trồng lúa carbon thấp. Ngoài ra, họ sẽ tập trung vào ba yếu tố: đa dạng sinh học, quyền lợi của người lao động và vấn đề giới. “Chúng tôi đang lấy ý kiến tham vấn của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) cũng như các tổ chức khác chuyên về đa dạng sinh học, nhưng chúng tôi cũng sẽ mở cuộc thảo luận công khai để bất kỳ tổ chức nào có chuyên môn trong các lĩnh vực này có thể đưa ra đề xuất. Trong vòng 1-2 tuần tới, chúng tôi sẽ đưa ra thông báo và hình thành các nhóm chuyên môn để các chuyên gia cùng nhau thảo luận về bộ tiêu chuẩn”, TS. Allis tiết lộ.