Đã hai năm trôi qua kể từ khi nguồn vốn đầu tư vào các startup Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á bắt đầu sụt giảm mạnh. Trái với nhiều dự báo lạc quan, mùa đông gọi vốn cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

.

Thời điểm năm 2023 khép lại, rất nhiều báo cáo đã được phát hành để nhìn lại một năm khó khăn của hệ sinh thái khởi nghiệp. Nền tảng dữ liệu Tracxn khi ấy đã đánh giá 2023 là năm Việt Nam có nguồn tài trợ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng năm năm. Các startup công nghệ chỉ huy động được tổng cộng 142 triệu USD, giảm lần lượt 73% và 91% so với số tiền huy động được vào năm 2022 và 2021.

Một số chuyên gia Việt Nam cho rằng đây là tin tức đáng lo ngại đối với ngành công nghệ, vốn đang phát triển với tốc độ đáng kể trong những năm gần đây. Song nhiều người thì nhận định “mùa đông” chỉ là một giai đoạn ngắn hạn tạm thời, và - nhìn nhận một cách lạc quan - là cơ hội để các công ty khởi nghiệp tìm kiếm các phương pháp tiếp cận chiến lược để vượt qua cơn bão.

Bên cạnh đó, tình trạng giảm tài trợ không phải là câu chuyện riêng của Việt Nam. Nó đang diễn ra ở tất cả các hệ sinh thái tại Đông Nam Á và trên thế giới, với mức sụt giảm tài trợ khác nhau dao động từ 50-80%. Điều này được cho là do lãi suất tăng, suy thoái kinh tế toàn cầu hậu COVID-19 và căng thẳng địa chính trị khiến các nhà đầu tư thận trọng trong việc rót vốn.

Trong bối cảnh đó, các startup đã hy vọng dù năm 2023 không phải là năm tốt nhất cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam nhưng đó có thể là bước chạy đà để chuẩn bị cho một năm nhiều hy vọng. Tuy nhiên, kết thúc quý 1 năm 2024 (tính đến ngày 15/3/2024), hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Việt Nam chỉ huy động được tổng số tiền tài trợ là 35,7 triệu USD. Dù tăng gần sáu lần so với khoản tiền kêu gọi được trong quý 4 năm 2023 thì mức huy động này vẫn giảm khoảng 40% trong cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, trong tổng số vốn đầu tư vào khởi nghiệp quý 1 năm nay, đầu tư vào Be Group - công ty chuyên cung cấp dịch vụ đặt xe máy, ô tô, vé máy bay, xe khách, giao hàng nhanh, v.v. - đã chiếm tới 87% (31,2 triệu USD). Kế đó, startup công nghệ giáo dục NativeX được 2,5 triệu USD. Như vậy các công ty khởi nghiệp khác huy động được nguồn vốn rất ít ỏi.

Điều này cho thấy các quỹ đầu tư vẫn rất thận trọng trong việc rót tiền vào các startup, họ muốn tìm kiếm một startup thực sự có tiềm năng trong việc mang lại lợi nhuận. “Nhiều công ty đang phải chuyển đổi từ mô hình cũ chuyên đốt tiền để mở rộng thị trường sang mô hình kinh doanh mới, đó là tối ưu hóa lợi nhuận và thực sự cải thiện tất cả các chỉ số như hiệu quả kinh doanh,” ông Chad Ovel, Tổng Giám đốc quỹ Mekong Capital, chia sẻ trong một bài phỏng vấn vào giữa năm ngoái. Thực tế cho thấy, không ít startup đã rơi vào “đường cùng” do cạn vốn.

Bản thân Mekong Capital đang làm việc với các công ty tiêu dùng mà họ đầu tư để tập trung vào cải thiện các cửa hàng hiện có thay vì mở thêm cửa hàng mới - ông Ovel tiết lộ. “Chúng tôi đang tận dụng cơ hội này để thực sự giúp [các startup] trở nên tinh gọn và mạnh mẽ hơn. Sau đó, khi dòng vốn dồi dào trở lại, chúng tôi sẽ quay lại tăng trưởng.”

Tình cảnh chung tại Đông Nam Á

Không chỉ riêng các startup Việt Nam, mà những startup giá trị nhất Đông Nam Á cũng đang lao đao trong bối cảnh thị trường biến động.

Khi Grab Holdings, nhà điều hành dịch vụ gọi xe lớn nhất Đông Nam Á, công bố lợi nhuận ròng quý đầu tiên của năm 2024, nhiều người đã cho rằng đây là tín hiệu cho sự hồi sinh của doanh nghiệp này. Khoản lợi nhuận 11 triệu USD vào quý cuối cùng của năm 2023 đã là một dấu mốc lớn, bởi đây là lần đầu tiên Grab có lãi kể từ khi thành lập hơn 10 năm trước.

NativeX là một trong những startup Việt Nam hiếm hoi gọi vốn thành công vào đầu năm nay. Họ đã huy động được 1,5 triệu USD từ các nhà đầu tư thiên thần chỉ sau hai tháng ra mắt, và tiếp tục nhận thêm 2,5 triệu USD từ Ansible Ventures và BluePrint Ventures vào tháng 1/2024. Ảnh: Baodautu
NativeX là một trong những startup Việt Nam hiếm hoi gọi vốn thành công vào đầu năm nay. Họ đã huy động được 1,5 triệu USD từ các nhà đầu tư thiên thần chỉ sau hai tháng ra mắt, và tiếp tục nhận thêm 2,5 triệu USD từ Ansible Ventures và BluePrint Ventures vào tháng 1/2024. Ảnh: Baodautu

Theo Nikkei Asia, ông Anthony Tan, nhà sáng lập của công ty, người đã thành lập Grab vào năm 2012 và nhanh chóng trở thành gương mặt tiêu biểu cho làn sóng khởi nghiệp bùng nổ ở Đông Nam Á, cho biết năm 2023 là “bản lề” đối với công ty. “Chúng tôi đặt mục tiêu đạt được một số cột mốc quan trọng và chúng tôi đã hoàn thành các mục tiêu quan trọng của mình,” ông chia sẻ.

Nhưng các nhà đầu tư vẫn thờ ơ trước tin tốt này và tiếp tục bán tháo cổ phiếu Grab. Cổ phiếu của Grab đã giảm hơn 8% vào cuối ngày - “một nạn nhân của mùa đông khởi nghiệp khốc liệt” - theo tờ Nikkei.

Kể từ khi niêm yết công khai hơn hai năm trước, giá cổ phiếu của Grab đã giảm 70%, nhưng họ không phải là những người duy nhất. Giá cổ phiếu của “gã khổng lồ công nghệ” GoTo - đối thủ lớn nhất của Grab tại Indonesia - và Công ty Thương mại điện tử Indonesia Bukalapak đã giảm khoảng 80% kể từ khi niêm yết công khai. Ông Takeshi Ebihara, một chuyên gia tại quỹ đầu tư hỗ trợ Rebright Partners có trụ sở tại Singapore, cho biết các công ty khởi nghiệp niêm yết ở Đông Nam Á “sẽ phải mất 10 năm, hoặc thậm chí lâu hơn, để giá cổ phiếu đạt đỉnh trở lại”.

Các nhà đầu tư cho rằng lĩnh vực công nghệ non trẻ của Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự biến động của thị trường. “Đông Nam Á đang nghiêng nhiều về dịch vụ tiêu dùng”, ông Ebihara giải thích quan điểm của mình. Ông lưu ý, không giống như các startup ở Mỹ hay Israel có công nghệ tiên tiến, các startup trong khu vực có rất ít hoặc hầu như không có sự khác biệt với các đối thủ.

Vào năm 2021, nhiều công ty khởi nghiệp đã huy động được số tiền khổng lồ, và họ đã dồn nguồn tiền này vào các chiến lược tăng trưởng nhanh để giành lấy miếng bánh thị phần. “Nếu huy động được 100 triệu USD, họ sẽ sử dụng 40% cho quảng cáo trên các nền tảng như Facebook và Google” để thu hút người dùng mới, ông Mazumdar thuộc tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp TiE Singapore cho biết.

Từ mua sắm trực tuyến, gọi thức ăn, thanh toán tiện lợi - nhiều lĩnh vực của xã hội đã được chuyển đổi số nhanh chóng nhờ những công ty khởi nghiệp này. Nhưng khi tiền của các công ty này cạn kiệt và thị trường bắt đầu được định hình, người dùng dần nhận ra rằng dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn - những thứ giờ đây không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của họ - đang dần tăng giá và không còn khuyến mãi. Tuy nhiên, về cơ bản dịch vụ của các startup cùng ngành lại khá giống nhau, nên người tiêu dùng dễ dàng bỏ một ứng dụng để chuyển sang dùng ứng dụng khác - với nhiều khuyến mãi hơn. Các startup đang phải chật vật để vừa giữ chân khách hàng vừa triển khai chiến lược thu lợi nhuận.

Dần dà, sau quãng thời gian dài đốt tiền - mà không phải lúc nào cũng hiệu quả, các startup Đông Nam Á đang phải đối diện với áp lực khi đã không mang lại lợi nhuận thỏa đáng cho các nhà đầu tư. Delivery Hero của Đức, công ty mẹ của startup giao thức ăn Foodpanda, có trụ sở tại Singapore, đang đàm phán để thoái vốn hoạt động kinh doanh ở Đông Nam Á tại một số thị trường.

Ngay cả khi Grab đã bắt đầu thu được lợi nhuận, các nhà đầu tư vẫn chưa tin tưởng vào tương lai của Grab. Tháng trước, một số nguồn tin tiết lộ cho báo giới rằng Grab và GoTo - hai đối thủ lớn - đã bắt đầu khởi động lại các cuộc đàm phán về việc sáp nhập. Đó chính là điều mà các nhà đầu tư đang mong đợi. Mỗi nền tảng đều có một lượng lớn người dùng, và việc sáp nhập không chỉ giúp giảm chi phí cạnh tranh mà còn giúp điều chỉnh lại giá cả thị trường để thu về lợi nhuận.

Ông Alvin Cahyadi, Phó Chủ tịch phụ trách đầu tư tại AC Ventures, một quỹ đầu tư mạo hiểm của Indonesia, cho rằng việc sáp nhập “sẽ chấm dứt cuộc chiến giá cả” giữa Grab và GoTo, và sẽ “giúp đảm bảo sự ổn định, vững chãi cho ngành công nghệ”.

Chưa thể biết được liệu khi nào mùa đông gọi vốn sẽ kết thúc, và các startup vẫn cần chuẩn bị tâm thế trước mọi sự kiện có thể xảy ra. Ngay từ năm 2022, ông Gaurav Munjal – founder của startup Edtech kỳ lân Unacademy (Ấn Độ) đã dự báo, mùa đông gọi vốn có thể kéo dài từ 12-24 tháng, và đề nghị toàn bộ đội nhóm phải tối ưu lợi nhuận, tiết kiệm chi phí.

Một số quỹ đầu tư mạo hiểm khi ấy đã đưa ra cảnh báo về cuộc khủng hoảng nguồn vốn có thể xảy đến. Sequoia Capital thậm chí gửi cho các công ty trong danh mục đầu tư một bản thuyết trình dài tới 52 slide để nhắc nhở các founder rằng phải tiết kiệm tiền, bởi tương lai ‘hỗn loạn, lạm phát và bất ổn”.