Không phải là đơn vị tham gia vào lĩnh vực đào tạo nhân sự cho công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam quá sớm, nhưng Tập đoàn Phenikaa đã nhanh chóng xác định được sự khác biệt của mình trong lĩnh vực này khi gia nhập thị trường.

j
Từ năm học 2024 – 2025, Trường ĐH Phenikaa tuyển sinh mới hai chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn gồm Thiết kế vi mạch bán dẫn, Chip bán dẫn và công nghệ đóng gói. Ảnh: ĐH Phenikaa

Đi tìm lợi thế riêng


Đầu năm 2024, Trường ĐH Phenikaa thông báo sẽ bắt đầu đưa chuyên ngành thiết kế vi mạch vào chương trình đào tạo đại học chính quy từ năm học 2024 - 2025. Lúc bấy giờ, đã có những dự đoán “phải chăng đây là bước chạy đà trước khi Tập đoàn Phenikaa ‘dấn thân’ vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn?”.

Dự đoán này đã thành hiện thực khi đầu tháng 5 Tập đoàn Phenikaa công bố sẽ chính thức tham gia vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở việc đào tạo dài hạn cho hệ đại học, họ còn thành lập Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn hướng tới đào tạo nhân lực chất lượng cao (upskill) và đồng thời ra mắt S-Phenikaa - công ty hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất vi mạch.

Trong bối cảnh Việt Nam đang sắp sửa ban hành Chiến lược quốc gia về Công nghiệp bán dẫn và nhiều viện, trường lần lượt mở những chuyên ngành thiết kế vi mạch hoặc hướng thiết kế vi mạch, Trung tâm Phenikaa có gì để thu hút người học?

Gắn đào tạo với doanh nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra, Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn và Công ty S-Phenikaa sẽ phối hợp chặt chẽ và hoạt động như một tổ hợp dịch vụ kinh doanh cung cấp các dịch vụ như đào tạo theo nhu cầu xã hội dựa trên mô hình đào tạo trên công việc; thiết kế sản phẩm chip theo nhu cầu thị trường, nhằm vào các ngách sản phẩm AI thiết yếu; cung cấp các dịch vụ thiết kế chip hàng đầu khu vực và thế giới. Tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp muốn đào tạo kỹ sư theo nội dung nào, Trung tâm sẽ phối hợp để thiết kế chương trình đào tạo tùy chỉnh theo nhu cầu đó. Những định hướng này sẽ giúp Phenikaa đạt được mục tiêu “đào tạo theo đơn hàng, theo nhu cầu thị trường” - như lời của ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa.

Bên cạnh đó, thời gian đào tạo ngắn hạn từ ba đến 12 tháng có lẽ là một trong những lợi thế của Trung tâm. Trong một hội thảo diễn ra vào ngày 26/4 tại Đại học Bách khoa Hà Nội, TS. Nguyễn Minh Sơn, Trưởng khoa Kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết, các doanh nghiệp bán dẫn phải dành từ ba đến sáu tháng để đào tạo lại 100% nhân lực mới được tuyển dụng nhân sự. Cũng nhìn ra khoảng trống giữa đào tạo và thực tế sử dụng, đại diện Phenikaa cho biết một trong những hướng đi của họ là đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp đang mong muốn nâng cao trình độ cho nhân viên.

Phenikaa cũng sẽ đào tạo các học viên tốt nghiệp chương trình đại học liên quan lĩnh vực vi mạch bán dẫn mong muốn nâng cao năng lực và các học viên tốt nghiệp các ngành gần như khoa học máy tính, tự động hóa có mong muốn chuyển sang làm việc trong ngành vi mạch bán dẫn. Chương trình học được cấp chứng nhận bởi các tập đoàn công nghệ chip tiên tiến như Synopsys, và học viên có thể làm việc ngay nếu đạt tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của Trung tâm. Hoạt động của Trung tâm được liên kết với công ty S-Phenikaa nhằm “tạo ra động lực và trách nhiệm thật sự với đầu ra”, ông Hồ Xuân Năng cho biết.

Một thuận lợi khác của Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn đó là được hậu thuẫn bởi một tập đoàn tư nhân, vì vậy nó có đủ nguồn lực để đầu tư trang thiết bị vật chất. Học viên sẽ được thực hành trên các hệ thống ảo hóa tiên tiến của thế giới (HAPS, ZeBu 4, ZeBu 5) - những công nghệ tạo nên sự khác biệt trong quá trình thiết kế chip, giúp đẩy nhanh tốc độ thiết kế và xác minh các dòng chip có độ phức tạp cao. Các giảng viên phụ trách đào tạo của Trung tâm cũng sẽ là những chuyên gia quốc tế, chuyên gia người Việt tại nước ngoài đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các hệ thống này. Hiện tại, cơ sở vật chất của Trung tâm đã sẵn sàng được đưa vào sử dụng. Trung tâm dự kiến triển khai khóa đào tạo đầu tiên cho đối tượng giảng viên trong tháng Năm hoặc tháng Sáu năm nay.

Xác định được phân khúc của mình, Phenikaa đặt ra một mục tiêu rất tham vọng: đến năm 2030 sẽ đào tạo tối thiểu 8.000 kĩ sư thiết kế chip và 12.000 kĩ sư theo mô hình Upskill, kỹ thuật viên bậc cao trong các nhà máy lắp ráp, kiểm thử, đóng gói - đáp ứng đến khoảng 40% nhu cầu nhân sự dự kiến cần bổ sung của ngành.

Tạo lập mạng lưới

Vẫn còn quá sớm để nhận định liệu Phenikaa có thể hiện thực hóa con số “40% nhu cầu nhân sự của ngành” mà họ đặt ra hay không, nhưng rõ ràng họ đang hành động một cách có chiến lược khi không chỉ xác định điểm mạnh riêng, mà còn tự xây dựng được cho bản thân một mạng lưới kết nối xoay quanh lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Một thuận lợi của Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn đó là được hậu thuẫn bởi một tập đoàn tư nhân, vì vậy nó có đủ nguồn lực để đầu tư trang thiết bị vật chất chuẩn công nghiệp. Ảnh: ĐH Phenikaa
Một thuận lợi của Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn đó là được hậu thuẫn bởi một tập đoàn tư nhân, vì vậy họ có đủ nguồn lực để đầu tư trang thiết bị vật chất chuẩn công nghiệp. Ảnh: ĐH Phenikaa

Tại Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu” do Tập đoàn Phenikaa tổ chức vào ngày 4/5 vừa qua, ông Hồ Xuân Năng cho hay Phenikaa đã có một kế hoạch dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 với mục tiêu cụ thể, trong đó họ dự định đầu tư các phòng thí nghiệm và hạ tầng cơ sở cho các công đoạn đào tạo ATP (thiết kế, sản xuất và lắp ráp - thử nghiệm - đóng gói chip), kết nối với Viện Ứng dụng công nghệ Nacentech (Bộ KH&CN) để sử dụng phòng lab kiểm thử…

Song chỉ đầu tư vào cơ sở vật chất thôi là chưa đủ, cũng giống như nhiều viện, trường đang đào tạo nhân sự trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, tập đoàn này dự định sẽ kết nối với các đối tác trong và ngoài nước để “triển khai ngay” kế hoạch đào tạo. Hiện tại, họ đã ký thỏa thuận hợp tác với các đối tác quốc tế như Đại học Bang Arizona (Mỹ), Đại học Chang Gung Đài Loan…, các công ty Synopsys, SiCADA v.v. nhằm mở rộng hoạt động đào tạo cũng như chuẩn bị đầu ra cho nguồn nhân lực sau khi đào tạo, trước hết cho thị trường Việt Nam, và cho các nước thuộc Chip 4 (Mỹ, Nhật, Hàn quốc, Đài Loan) để làm việc nâng cao chuyên môn và quay trở lại Việt Nam khi có nhu cầu của các nhà đầu tư FDI hoặc trong nước.

Bên cạnh các trường đại học và doanh nghiệp, Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn đã hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo thiết kế Vi mạch và AI TP Đà Nẵng để thành lập Liên minh Đào tạo nhân lực và nghiên cứu bán dẫn VASA, theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trên tinh thần hỗ trợ và tối ưu hóa nguồn lực của nhau trong đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Đây được xem là một hướng đi hợp lý khi TP Đà Nẵng đang tích cực “mở cửa” với các dự án về vi mạch, bán dẫn, và trí tuệ nhân tạo. Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, theo thống kê, trên địa bàn Thành phố hiện có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch như Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, FPT Semi, Viettel CNC… Thành phố cũng đã chuẩn bị sẵn sàng về quỹ đất, cơ sở hạ tầng các khu công nghệ thông tin tập trung để các doanh nghiệp triển khai dự án về vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Việc phối hợp với TP Đà Nẵng sẽ giúp Trung tâm Phenikaa có cơ hội đào tạo nhân sự theo đơn đặt hàng từ doanh nghiệp, cũng như giúp sinh viên của Trường và học viên của Trung tâm có môi trường để thực hành, thực tập.

ông Lê Anh Sơn giới thiệu cho các chuyên gia quốc tế về các nghiên cứu mới của Tập đoàn
Ông Lê Anh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phenikaa - giới thiệu cho các chuyên gia quốc tế về những nghiên cứu mới của Tập đoàn. Ảnh: Phenikaa

Hiện tại, VASA đang phát triển theo mô hình liên kết mở. Sau giai đoạn ban đầu, mạng lưới được kỳ vọng sẽ mở rộng quan hệ đối tác tới các trường đại học, tổ chức trên toàn quốc có nhu cầu và đủ điều kiện, tham gia đào tạo nguồn nhân lực kỹ sư thiết kế vi mạch, kỹ sư kiểm thử, đóng gói và triển khai các chương trình nghiên cứu, chế tạo vi mạch để hợp tác sản xuất các sản phẩm vi mạch “thuần Việt” - như mong muốn của Phenikaa.

Lựa chọn hướng đi

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, tại hội thảo do Tập đoàn Phenikaa tổ chức, đã lưu ý rằng “đào tạo ngành vi mạch bán dẫn cần có tính toán, dự báo dựa trên tín hiệu thị trường, thực sự đáp ứng nhu cầu của thị trường, tránh phát triển nóng, tràn lan, thiếu hiệu quả”. Việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn “đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, hiện đại”.

Trong thời gian tới, Phenikaa sẽ cần dự đoán được nhu cầu của thị trường và đảm bảo giữ vững chất lượng đào tạo nếu muốn phát triển về lâu dài.

Bên cạnh đó, S-Phenikaa, công ty gắn liền với hoạt động của Trung tâm Phenikaa, cũng sẽ phải xác định đầu ra cho sản phẩm của mình để có thể định hướng cho chương trình đào tạo của Trung tâm. Theo ông Lê Anh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phenikaa, đầu ra mà S-Phenikaa đang hướng đến là những dòng sản phẩm chip chuyên dụng dành cho trí tuệ nhân tạo nhằm phục vụ đa lĩnh vực.

Đề cập sứ mệnh của mình, S-Phenikaa cho biết họ mong muốn trở thành bên “Tiên phong trong việc phát triển các dòng chip thông minh, góp phần vào quá trình tiện ích hóa, thông minh hóa, tối ưu hóa và phát triển bền vững của nhân loại.” Khi S-Phenikaa lựa chọn đi theo hướng đáp ứng các nhu cầu của tương lai, điều đó đồng nghĩa với việc chương trình đào tạo của Trung tâm và Trường Đại học của Tập đoàn sẽ gắn với các công nghệ liên quan đến “thành phố thông minh”, “nông nghiệp thông minh”, “giao thông thông minh”, “lưới điện thông minh”…


Hiện tại, Việt Nam có khoảng 5.000 kĩ sư ở tất cả các khâu trong mảng thiết kế chip. Trong khi đó, tại hội nghị "Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn" do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 24/4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 hướng đến đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.

Đáp ứng nhu cầu đó, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, dự kiến năm 2024, các trường đại học sẽ tuyển sinh đào tạo hơn 1.000 sinh viên ngành vi mạch bán dẫn, chủ yếu là thiết kế và 7.000 sinh viên lĩnh vực liên quan đến ngành này. Con số trên sẽ tăng dần từ 20 - 30% mỗi năm.

Tính đến đầu tháng 4/2024, trong gần 100 trường đại học cả nước công bố thông tin tuyển sinh, có hơn 10 trường dự kiến mở mới ngành Thiết kế vi mạch – Công nghệ bán dẫn hoặc tương đương, điển hình như ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Phenikaa, trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Quốc gia TP.HCM v.v